Bỏ quên kinh tế biển

Dù có bờ biển dài, sở hữu tài nguyên “trời cho” nhưng Việt Nam chưa bao giờ được gọi là “quốc gia biển” hay “cường quốc biển”

Tại tọa đàm “Chiến lược các ngành kinh tế biển” diễn ra ngày 20-10 ở Hà Nội, các chuyên gia đánh giá kinh tế biển của Việt Nam có đầy tiềm năng phát triển nhưng từ trước đến nay không được khai thác hiệu quả.

Không biết “hái lộc”

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, diện tích gấp 3 lần đất liền với tài nguyên thiên nhiên giàu có (trữ lượng cá khoảng 4,2 triệu tấn, tổng trữ lượng dầu khí khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi, 125 bãi biển đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt chuẩn quốc tế để phát triển du lịch…). Biển nước ta nằm trên tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngành hàng hải, kinh tế biển, có thể trở thành trung tâm hậu cần cho khu vực và thế giới. Nhưng dù có những lợi thế “trời cho” như vậy, Việt Nam vẫn chưa từng được gọi là “quốc gia hàng hải”. “Trình độ phát triển kinh tế biển của Việt Nam thấp đến mức nhiều chuyên gia nói chúng ta chỉ là một quốc gia ven biển hơn là một quốc gia biển. Mong ước trở thành môt cường quốc biển càng xa vời hơn” – PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét.

Nêu ra ví dụ trong ngành hàng hải, vận tải biển, TS Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết Việt Nam và “cường quốc hàng hải” Na Uy có đội tàu biển tương đương nhau, với khoảng 1.800 tàu song tổng trọng tải tàu của Na Uy gấp 6 lần của Việt Nam. Lý do vì tàu của Việt Nam chủ yếu là nhỏ, chỉ có 800 tàu tải trọng trên 1.000 tấn. Mặt khác, phần đông doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, trung bình mỗi DN chỉ sở hữu 1,5-1,6 tàu. Ngành công nghiệp đóng tàu dù đầu tư nhiều với 120 nhà máy, đứng thứ 6 trên thế giới về năng lực đóng tàu nhưng thực tế chỉ chiếm 0,6% thị phần thế giới, sức cạnh tranh không cao.

Lý giải về sự tương phản này, TS Bùi Thiên Thu chỉ rõ: “Tiềm năng chưa được khai thác đúng thế mạnh cốt lõi là do con người, tài chính và chính sách”.

Cần thể chế đặc biệt

Chia sẻ về 3 lĩnh vực kinh tế biển truyền thống, GS Torger Reve (ĐH Kinh doanh Na Uy), Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh hàng hải Na Uy, cho rằng trong lĩnh vực hàng hải, điều quan trọng không phải là sở hữu bao nhiêu tàu thuyền mà quan trọng là sở hữu công nghệ, tri thức đóng góp vào lĩnh vực đó.

Đánh giá cao cách làm của Na Uy, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng quốc gia này đã huy động mọi nguồn lực để tập trung vào phát triển kinh tế biển. “Đến lúc Việt Nam phải định hướng lại cách làm. Chúng ta đã có chiến lược kinh tế biển song cần tạo thể chế, cơ chế mới, tư duy mới để đột phá” – ông Thiên kiến nghị.

Cũng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, muốn phát triển kinh tế biển phải tiến hành những điều tra, nghiên cứu bài bản, cẩn thận để đánh giá cho được tài nguyên biển cơ bản của mình; từ đó có những bước đi thích hợp. Mặt khác, cần xác định ngành ưu tiên, tọa độ ưu tiên trong tổng thể chiến lược kinh tế biển. Dẫn chứng 15 khu kinh tế biển cho đến giờ “chưa cái nào phát triển ra hồn”, ông Thiên nhấn mạnh nếu không có những căn cứ, tọa độ phát triển hướng ra biển thì kinh tế biển không phát triển được.

“Cần có những quy định đặc biệt về thể chế, thể chế khu kinh tế biển phải là thể chế “kinh tế tự do”; ưu tiên về hạ tầng, ưu tiên kết nối, thu hút nhân tài. Thế giới hiện đại đi sau đều quan tâm đến những lát cắt thể chế đặc biệt này để tạo ra sự xoay chuyển” – PGS-TS Thiên đúc kết.


Khẳng định sự hiện diện của mình trên đại dương

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, cần có những khu kinh tế biển – những tọa độ rất mạnh để phát triển kinh tế biển, từ đó tạo thành những cứ điểm không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền. Ông phân tích: “Việt Nam muốn tiến ra biển, phát triển kinh tế biển trong khi nhiều nước khác cũng làm như thế. Do đó, phát triển kinh tế biển còn phải kết hợp bảo vệ chủ quyền. Rõ ràng Việt Nam không thể khai thác biển tốt nếu không khẳng định được sự hiện diện của mình trên đại dương với tư cách của một cường quốc biển. Mọi lời tuyên bố về chủ quyền chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia khi nó gắn liền với thực lực và thông qua sự hiện diện quốc gia tại vùng biển có chủ quyền”.

Trí Lê (Theo Người Lao Động)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề