Bi kịch làm ít, nhậu nhiều

“Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu…” – đó là câu nói cửa miệng của… dân nhậu, một “giống dân” khá phổ biến ở nước ta. Quan niệm này đã đưa Việt Nam lên hàng “cực đỉnh” của việc sử dụng bia rượu, đồng thời đẩy đất nước này xuống hàng sát đáy về năng suất lao động…

Ăn nhậu lè phè…

Quả thật, ở nước ta, đám cưới hay đám ma, đầy tháng hay đám giỗ, lễ tết, cuối tuần, thậm chí là “ngày giỗ của Victor Hugo” như trong một truyện tiếu lâm chẳng hạn, đều là những lý do chính đáng để tiệc tùng, nhậu nhẹt.

Trong cuộc hội thảo phòng chống tác hại của rượu bia diễn ra hồi đầu tháng 3 ở Hà Nội, ThS. Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Bộ Y tế, đã đưa ra con số tăng phi mã của việc sử dụng bia rượu tại Việt Nam.

Cụ thể là số lượng bia rượu được sử dụng trung bình của năm 2005 là 3,8l trên đầu người, đến nay đã là 6,6l và đến năm 2025 ước tính là 7l, cao hơn mức bình quân của thế giới. Theo thống kê, lượng tiêu thụ rượu bia của Việt Nam ở mức hàng đầu Đông Nam Á, trong khi thu nhập đứng hàng thứ tám. Về năng suất lao động, chúng ta đứng hàng thứ ba từ dưới đếm lên của Đông Nam Á, chỉ hơn được Campuchia và Myanmar.

Bà Vũ Minh Hạnh chỉ tính sơ sơ tiền uống 3 tỉ lít bia hàng năm (chưa tính rượu và… mồi), đã là 3 tỉ USD, tương đương 3% ngân sách cả nước. Đó là chưa tính đến các chi phí y tế để chăm sóc, chữa trị các bệnh do rượu bia, các tai nạn giao thông, sự tổn hại về tinh thần từ các vụ bạo hành trong gia đình và xã hội do sử dụng bia rượu quá mức.

Và cũng chưa tính đến những chi phí thất thoát do năng suất lao động giảm vì sử dụng rượu bia. Ăn nhậu lè phè thì lấy gì khoẻ khoắn, tỉnh táo để làm việc sau buổi bia rượu tràn cung mây đêm trước?

Tham nhũng bằng… nhậu

Đã có một vị đại biểu Quốc hội đưa ra lời cảnh báo về việc “hối lộ bằng tình dục” và một vị giáo sư đặt câu hỏi: “Thế thu hồi “tài sản” hối lộ ấy bằng cách nào?”. Có một loại hối lộ, tham nhũng có vẻ cũng “vô hình” như thế nhưng chưa từng được đề cập: hối lộ qua những bữa tiệc nhậu. Thông thường, trước một vụ hối lộ, để tạo mối quan hệ, các bên thường mời nhau ra một nhà hàng hay quán nhậu nào đó, cao cấp hay bình dân tuỳ vào tầm mức của sự việc. Cũng có khi quà hối lộ chỉ là một bữa tiệc nhậu mà không kèm theo hiện vật nào cả. Đó là điều khá phổ biến trong việc giao dịch giữa các đối tác trong các lĩnh vực công hay tư, điều mà người ta hay gọi là “làm việc trên bàn nhậu”.

Ngày nay, hầu như mọi cơ quan, doanh nghiệp đều có những khoản chi được gọi nôm na là “tiếp khách” hay “kê đơn giao tế phí” theo các nhà xã hội học. Có những viên chức chuyên làm nhiệm vụ giao tiếp này và đương nhiên đây là những người có tửu lượng thuộc hàng cao thủ.

Hãy cứ lấy số cơ quan, xí nghiệp, công ty trên cả nước rồi nhân lên với số hoá đơn giao tế phí, sẽ thấy ngân sách cả nước hàng năm thất thoát bao nhiêu và có bao nhiêu cán bộ, viên chức sa vào tệ nhậu nhẹt bê tha (như vụ hai phó giám đốc hai Sở Ngoại vụ và Nội vụ tỉnh Bình Dương nhậu rồi choảng nhau trong phòng karaoke năm ngoái).

Bài học Singapore

Vào những thập niên đầu của thế kỷ trước, Henry Ford, người sáng lập hãng xe Ford, đã làm một cuộc cách mạng trong sản xuất và cuộc cách mạng ấy tới nay còn ảnh hưởng đến kinh tế xã hội toàn thế giới. Ông áp dụng những biện pháp hợp lý hóa sản xuất, tăng tiền lương và hạ giá thành sản phẩm.

Điều đặc biệt hơn là ông lập phòng nghiên cứu xã hội của hãng và cùng các thanh tra viên thử nghiệm việc can thiệp một phần vào cuộc sống riêng của công nhân, hướng dẫn họ sử dụng tiền lương và sống có định hướng, tránh lạm dụng rượu bia.

Antonio Gramsci, nhà triết học người Ý, đánh giá: “Một người sẽ không thể thành công trong một lãnh vực nếu không có kết quả hiện hữu với người khác. Ở Mỹ, quá trình hợp lý hóa sản xuất và luật cấm rượu chắc chắn có liên quan. Những yêu cầu được chỉ đạo bởi các nhà tư bản về cuộc sống cá nhân của người lao động và công tác kiểm tra đặt ra bởi doanh nghiệp để quản lý đạo đức của người lao động là những nhu cầu của phương pháp làm việc mới”.

Cái được gọi là “chủ nghĩa Ford” này đã được cố Thủ tướng Lý Quang Diệu áp dụng cho đất nước Singapore. Người sáng lập ra một Singapore hiện đại đã xem cả nước như một doanh nghiệp và các công dân như là những công nhân viên. Ông áp dụng các quy định khá nghiêm khắc cho xã hội Singapore, trong đó có nhiều quy định về cuộc sống riêng tư của công dân.

Kết quả? Singapore đang đứng hàng thứ hai thế giới về thu nhập đầu người nếu tính theo phương pháp ngang giá sức mua, chỉ sau cường quốc dầu hỏa là Qatar. Năng suất lao động của người dân Singapore hiện đang gấp 15 lần Việt Nam và khoảng cách đó có thể sẽ ngày một rộng hơn…

Như ông bà xưa cũng đã từng nói: “Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày”, dân nước ta hiện nay vẫn nhậu nhiều, làm ít, thì mong gì mà phát triển?

Người Đô thị


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề