(bộ nhớ đệm: 22:50:35 12/10/2024)
Kygia
Báo Mỹ: Chính sách “hỗ trợ vũ khí” cho phe nổi dậy Syria đã thất bại

Tạp chí National Interest nhận định chính sách hỗ trợ vũ khí và đào tạo cho phe nổi dậy Syria của Mỹ đang gặp thất bại khi nó đi ngược lại những lợi ích kỳ vọng ban đầu của Washington.

Mặc dù trong những tuần gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh cả về quy mô và chất lượng vũ khí cung cấp cho phe nổi dậy Syria song nội bộ chính quyền Washington vẫn đang tỏ ra bất đồng về việc nên hay không tiếp tục ủng hộ lực lượng đối lập ở quốc gia Trung Đông.

Cụ thể, hôm 9/10, Nhà Trắng thông báo kết thúc chương trình hỗ trợ đào tạo và cung cấp vũ khí trị giá 500 triệu USD cho phe nổi dậy Syria chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.

Việc Mỹ tăng cường hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy ở Syria có nguy cơ đẩy cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông rơi vào bế tắc.

Có hai nguyên nhân chính dẫn tới quyết định của Nhà Trắng. Thứ nhất, các tay súng nổi dậy Syria dù đã được Mỹ đào tạo nhưng vẫn không đủ năng lực tham chiến trên chiến trường. Thứ hai, không ít vũ khí của Mỹ đã rơi nhầm vào tay nhóm thánh chiến “Mặt trận Nusra” vốn có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và nhiều nhóm khủng bố khác ở Syria.

Tuy nhiên, hôm 12/10, nhiều nguồn tin cho hay Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tiếp tục thả vũ khí bao gồm tên lửa chống tăng TOW, xuống các khu vực chiếm đóng của phe nổi dậy Syria. Điều đáng nói là hoạt động của CIA hoàn toàn độc lập so với chương trình hỗ trợ của Nhà Trắng. Song việc cung cấp một lượng lớn tên lửa chống tăng TOW cho phe nổi dậy Syria đã đi ngược lại với chính sách ban đầu chỉ hỗ trợ vũ khí hạng nhẹ mà Mỹ đề ra. Trên thực tế, CIA cũng không mấy quan tâm về việc vũ khí hạng nặng của Mỹ có bị rơi nhầm vào tay các nhóm khủng bố ở Syria hay không.

Về phần mình, hôm 23/10, Lầu Năm Góc nhấn mạnh sẽ không cung cấp tên lửa chống tăng hay các loại vũ khí hạng nặng cho phe nổi dậy do lo ngại khả năng số vũ khí này rơi vào tay “kẻ xấu” làm ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, Ả Rập Xê-út chứ không phải Mỹ, thực hiện thả trực tiếp tên lửa TOW ở phía tây Syria. Trên thực tế, Ả Rập Xê-út vẫn sẽ cần nhận được sự ưng thuận của Washington trước khi chuyển các loại vũ khí của Mỹ cho bên thứ ba.

Bà Erica D. Borghard, Giám đốc điều hành Chương trình chiến lược toàn diện tại Học viên Quân sự West Point nhận định vì sao chính sách của Mỹ tại Syria lại thiếu tính nhất quán giữa các cơ quan chính phủ? Quan trọng hơn, ngụ ý và hậu quả trong chính sách tiếp cận của Nhà Trắng là như thế nào?

Mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest thừa nhận rằng quyết định thiết lập chương trình hỗ trợ và đào tạo ở Syria đã được những chính trị gia hiếu chiến trong chính quyền của Tổng thống Obama vội vàng thông qua và nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến ủy nhiệm. Trên lý thuyết, một cuộc chiến ủy nhiệm sẽ giúp chính phủ Mỹ tiêu diệt kẻ địch mà không cần tham chiến trực tiếp song chi phí sẽ bị đội lên khá nhiều.

Xét về lĩnh vực đối nội, Tổng thống Obama phải đối mặt với áp lực từ phía những chính trị gia hiếu chiến ở Quốc hội cũng như dư luận Mỹ nếu như cho điều động binh sĩ tới tham chiến ở những chiến trường như Iraq hay Afghanistan. Do đó, chương trình hỗ trợ vũ khí và đào tạo ở Syria là cách tiếp cận tiết kiệm chi phí và phù hợp hơn cả đối với chính phủ Mỹ. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ của Lầu Năm Góc còn giúp Nhà Trắng công khai trước dư luận rằng Mỹ đang can thiệp vào giải quyết xung đột ở Syria.

Không giống như chương trình hỗ trợ vũ khí và đào tạo của Lầu Năm Góc, hoạt động của CIA ở Syria không được chính quyền Mỹ đưa ra công khai thảo luận. Do đó, thông tin được tờ The New York Times tiết lộ về việc một lượng lớn tên lửa TOW của Mỹ xuất hiện ở Syria chỉ dựa vào nguồn tin từ phe nổi dậy chứ không từ các bản báo cáo chính thức của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến ở Syria đang bị khuất bóng so với việc Nga tăng cường không kích ở quốc gia Trung Đông trong thời gian gần đây. Do đó, việc CIA tăng cường hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy Syria sẽ giúp Mỹ không bị mất mặt trước Nga. Và trên lý thuyết, Washington sẽ tránh được việc bị lôi vào vòng xoáy nguy hiểm leo thang chiến sự ở Syria với Moscow.

Ngoài ra, hành động CIA thả vũ khí xuống khu vực phía tây Syria, nơi Nga đang tập trung không kích, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu Washington muốn chống lưng cho phe nổi dậy Syria. Điều này còn cho thấy CIA cũng tỏ ra lo ngại rằng nếu thả vũ khí ở khu vực phía đông Syria, các tay súng IS sẽ dễ dàng thu lượm và mở rộng kho khí tài.

Về cơ bản, đối với các quốc gia tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm, hiệu quả chiến đấu và khả năng kiểm soát thường bị giới hạn bởi họ không trực tiếp tham chiến. Do đó, chương trình hỗ trợ vũ khí và đào tạo của Mỹ vừa giúp giảm những rủi ro không đáng có vừa giúp đánh giá được toàn cảnh hiệu quả chiến đấu trước và sau khi phe nổi dậy nhận được vũ khí hỗ trợ.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đang vấp phải những khó khăn lớn trong việc hình thành thái độ của các lực lượng ủy nhiệm. Chính quyền Mỹ thừa hiểu rằng ngay cả dưới “vỏ bọc” phe nổi dậy Syria, nhiều tay súng vẫn đi ngược lại mục tiêu của Mỹ là chiến đấu chống lại IS mà quay sang tiếp tục tấn công các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad.

Ngoài ra, bên cạnh việc Nga tăng cường triển khai các cuộc không kích, hành động Mỹ thả vũ khí hạng nặng như tên lửa chống tăng vào khu vực vốn đang xảy ra xung đột, sẽ đẩy nguy cơ xung đột ở Syria không ngừng leo thang.

Việc tăng thêm sức mạnh cho các nhóm nổi dậy ở Syria còn có thể đẩy cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này đi vào bế tắc và hy vọng đưa ra một giải pháp chính trị lâu dài là rất mong manh. Thêm vào đó, nếu tăng cường hỗ trợ vũ khí cho các nhóm nổi dậy để làm suy yếu vị thế của Tổng thống Assad, Mỹ sẽ đối mặt với tình trạng ngoài mong muốn khi một số nhóm khủng bố bao gồm IS ngày một lớn mạnh và đe dọa lợi ích của Mỹ. Hơn thế, sự trỗi dậy của các nhóm nổi dậy Syria sẽ khiến tình hình bất ổn ở quốc gia láng giềng Iraq quay trở lại và đây là điều Mỹ không hề mong muốn.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

 Theo infonet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề