Người tàn nhẫn thường thành công?

BBC – Có thực sự là bản chất xấu sẽ giúp bạn tiến xa trong thương trường? Sự thật không đơn giản vậy.

Hãy điểm qua một số nhân vật như Don Draper trong Mad Men, Gordon Gekko từ Wall Street, hay Miranda Priestly trong The Devil Wears Prada.

Khi nghĩ về sự thành công, chúng ta thường liên tưởng đến những nhân vật tàn bạo sẵn sàng chà đạp lên cảm xúc của người khác để theo đuổi danh vọng, tiền tài.

Cũng không khó để tưởng tượng ra những cá nhân này sẽ chiến thắng như thế nào trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt.

Tuy nhiên, có nhiều cách để làm một người xấu. Các nhà tâm lý học gần đây đã phân những người tàn nhẫn nhất ra thành ba loại:

  • Nham hiểm: Những người thường sử dụng mánh khoé bất chấp đạo lý
  • Tự yêu bản thân: Những người xem mình là trọng tâm của mọi thứ
  • Bệnh thái nhân cách: Vừa bốc đồng liều lĩnh, vừa nhẫn tâm

Thỉnh thoảng, một cá nhân nào đó có thể hội tụ cả ba loại tính cách. Đó là những người tự đắc, đầy toan tính, vô cảm.

Nhưng đôi lúc bạn có thể thiên về một trong ba loại tính cách trên thay vì hai loại còn lại.

Các nhà tâm lý học phân những người tàn nhẫn nhất ra thành ba loại: nham hiểm, tự yêu bản thân, và thái nhân cách

Chuyện bạn thuộc tuýp người tàn nhẫn nào có quan trọng không?

Những bằng chứng trước đây cho thấy bệnh thái nhân cách thường phổ biến ở các CEO hơn là ở những người bình thường. Những người này có lẽ vì vậy được mệnh danh là ‘những con rắn khoác com-lê’.

Sự tàn nhẫn và hành động liều lĩnh đôi lúc là cần thiết ở chốn văn phòng. Nhưng vẫn chưa rõ những tính cách đen tối khác tồn tại ở nơi công sở thế nào.

Deniel Spurk từ Đại học Bern ở Thuỵ Sỹ đã tìm cách trả lời những câu hỏi này với một nghiên cứu tổng quát, trong đó so sánh cả ba loại tính cách từ 800 lao động người Đức làm việc trong tất cả các ngành nghề.

Thông qua một cuộc khảo sát trên mạng, ông đề nghị họ đánh giá bản thân, ví dụ như “tôi không biết hối hận” hoặc “tôi muốn người khác chú ý mình” và đồng thời cũng hỏi họ về những công việc họ đã trải qua cho đến nay.

Kết quả nghiên cứu của ông, được đăng trên Social Psychological and Personality Science, khá đáng ngạc nhiên.

Spurk nhận thấy những người bị bệnh thái nhân cách trong nhóm tham gia nghiên cứu thì ít thành công hơn: Họ kiếm được ít tiền hơn và thường rơi vào những vị trí thấp hơn. Họ cũng cảm thấy ít vừa lòng hơn so với những người khác.

Những người tự yêu mình thường thành công về mặt tài chính, nhưng dễ gặp phải những bất lợi trong quan hệ xã hội

Spurk nghĩ rằng đây có thể là kết quả của tính cách hung hăng, mạo hiểm.

“Những người bị loạn thần kinh nhân cách thường bốc đồng và khó kiểm soát hành động của mình.”

Mặc dù việc họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro có thể là một lợi thế ở một số ngành, nhưng sự bốc đồng của họ cũng đồng nghĩa với việc hiệu suất lao động của họ lại không tốt về dài hạn vì họ làm việc tuỳ hứng.

Spurk nghĩ rằng yếu tố quyết định ở đây là sự thông minh: Một người khôn ngoan hơn sẽ tìm cách giới hạn những gì mà họ cho là đi quá đà, giúp họ có được chiến thắng về dài hạn.

Bệnh nham hiểm thường đi kèm với những người thành công nhiều hơn – những người có thói quen sử dụng mánh khoé thường có được các vị trí lãnh đạo.

Bạn không cần phải là Don Draper mới nhận biết được rằng việc hạ người khác xuống sẽ đẩy mình vào vị trí quyền lực.

Những người mắc bệnh yêu bản thân lại là những người kiếm được nhiều tiền nhất. Có lẽ vì việc ý thức được giá trị bản thân giúp họ trở thành những nhà đàm phán tốt.

“Những ai tự yêu mình thường biết cách tạo ấn tượng, họ có thể thuyết phục các đồng nghiệp hoặc người quản lý rằng họ đáng được sự ưu đãi đặc biệt,” Spurk nói. Hay giống như Gordon Gekko từng nói, “những gì đáng để làm thì cũng đáng làm để lấy tiền”.

Nhưng trước khi bạn muốn tiến lên trên con đường sự nghiệp bằng những tính cách đen tối, Spurk chỉ ra rằng điều này có thể mang lại những bất lợi.

Những người bị bệnh tự yêu bản thân mình thường tỏ ra có sức hấp dẫn ban đầu, nhưng họ có thể làm người khác mệt mỏi vì luôn đòi hỏi người khác phải chú ý tới mình.

“Mặc dù những người không quen biết thấy rằng người đó rất lôi cuốn, nhưng về trung và dài hạn, người ta có thể không cảm thấy thích hành động của những người này nữa.”

Vì vậy, ngay cả khi họ kiếm được nhiều tiền, quan hệ xã hội của họ vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, những người xảo quyệt có thể bị thiệt hại nếu sự tàn nhẫn hoặc gian dối của họ bị lật tẩy.

Nếu chừng này bằng chứng không đủ để thuyết phục bạn thì nên biết rằng những bằng chứng gần đây cho thấy lòng tốt có thể không giúp bạn kiếm tiền, nhưng nó lại giúp bạn trở nên khỏe mạnh hơn về tinh thần lẫn thể xác.

Ý chí sắt đá có thể giúp bạn tiến xa hơn, nhưng bản thân nó không thể thay thế tài năng thực sự.

Nếu bạn bắt gặp những Gekko, Draper hay Priestly ngoài đời thật, nên nhớ rằng còn những người khác đang mò mẫm trong bóng tối, không bạn bè, không việc làm.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết “Người tàn nhẫn thường thành công?”:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề