Sức mạnh ngày càng lớn của quân đội Trung Quốc đang trở thành mối quan ngại với Washington song mức độ lo ngại của Mỹ trước Bắc Kinh hiện ở mức nào?
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức tới Washington vào ngày 24/9 để gặp gỡ Tổng thống Barack Obama. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của ông Tập trên cương vị chủ tịch Trung Quốc. Việc ông Tập được chào đón bằng nghi lễ cấp quốc gia bắn 21 phát súng chào trên bãi cỏ Nhà Trắng và dự bữa tiệc tối sang trọng vào ngày 25/9 không phải bởi Trung Quốc là một đồng minh của Mỹ hay Washington tôn trọng cũng như chấp nhận hệ thống chính trị hà khắc của Bắc Kinh. Lý do đơn giản, Trung Quốc hiện đang giữ vị thế là một cường quốc trên thế giới sánh ngang với Mỹ.
Trên tạp chí National Interest, ông Roger Cliff, nhà nghiên cứu cấp cao làm việc không chính thức tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định sức mạnh quân sự chính là điều kiện thiết yếu để xác định tầm cỡ của một quốc gia trên trường quốc tế.
Binh lính Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận tại thành phố Hắc Hà tỉnh Hắc Long Giang hồi năm 2014.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện đang đứng hàng thứ hai trên thế giới và chỉ sau Mỹ. Theo SIPRI, trong năm 2014, khoản chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc còn vượt qua cả Nga, Anh và Pháp cộng lại.
Lễ diễu binh ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai hôm 3/9 cũng chính là cơ hội để quân đội Trung Quốc phô diễn những bước tiến vượt bậc trong chương trình hiện đại hóa sức mạnh quân sự suốt 20 năm qua. Nói cách khác, từ một đội quân nông dân, quân đội Trung Quốc giờ được trang bị xe tăng, máy bay và tên lửa có chất lượng sánh ngang với những cường quốc quân sự tiên tiến nhất thế giới.
Do đó, sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc đã trở thành mối quan ngại lớn với Mỹ. Lâu nay, Washington đưa ra cam kết bảo vệ an ninh cho một số quốc gia đồng minh đang xảy ra tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh như đảm bảo Đài Loan không bị sáp nhập vào đại lục. Hay giúp Nhật Bản và Philippines kiềm chế tính hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp chủ quyền đảo trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Theo ông Cliff, một cuộc chiến trong thực tế với Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ có thể sẽ không xảy ra, nhưng chính nhận thức về sức mạnh quân sự sẽ tác động tới hành vi của các quốc gia trong hệ thống quốc tế. Cụ thể, khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc phát triển sánh ngang với Mỹ, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn đối với các hoạt động tranh chấp chủ quyền.
Thực tế, những khu vực mà Bắc Kinh đang ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đều nằm gần lãnh thổ đại lục. Còn nếu Mỹ muốn can thiệp giúp các quốc gia đồng minh ngăn chặn Trung Quốc, Washington sẽ phải vượt qua hàng ngàn dặm để triển khai sức mạnh quân sự. Nhận định của nhà nghiên cứu Cliff hoàn toàn có cơ sở khi mà Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn trước hành động xâm chiếm chủ quyền của các nước láng giềng trên Biển Đông.
Điều đáng nói, trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng trưởng theo từng năm thì chi tiêu quân sự của Mỹ lại giảm dần kể từ năm 2010. Vậy Mỹ sẽ phải làm gì để vừa duy trì sức mạnh ở châu Á vừa ngăn chặn thái độ hung hăng của Trung Quốc? Câu trả lời là Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu phương án đổi mới để đảm bảo quân đội nước này giữ vững thế mạnh công nghệ vượt xa Trung Quốc.
Tuy nhiên, sức mạnh chiến đấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ là vũ khí. Một đội quân hùng mạnh cần có học thuyết quân sự rõ ràng, cơ cấu tổ chức, thiết bị, con người, đào tạo, dịch vụ hậu cần và văn hóa tổ chức. Trong đó, quân đội Trung Quốc đang được cung cấp các thiết bị ngày càng hiện đại, và giới sĩ quan được tuyển chọn kỹ lưỡng từ lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học dân sự nước nhà. Ngoài ra, chất lượng đào tạo của quân đội Trung Quốc cũng đang được cải thiện dần song nhiều điểm yếu vẫn còn tồi tại.
Đặc biệt, học thuyết chiến đấu của quân đội Trung Quốc hay còn gọi “chiến tranh cục bộ” yêu cầu xây dựng một tổ chức nhanh nhẹn, phân cấp và linh hoạt cùng lối văn hoá tổ chức khuyến khích đưa ra sáng kiến cũng như chấp nhận rủi ro. Nhưng thực tế, quân đội Trung Quốc hiện đi ngược lại với yêu cầu trên. Theo đó, quân đội nước này chịu sự kiểm soát từ chính quyền trung ương với đường lối chỉ đạo cứng nhắc và văn hóa tổ chức không khuyến khích đưa ra sáng kiến cũng như chấp nhận rủi ro.
Khi Trung Quốc trở nên ngày một giàu có và sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, lợi thế công nghệ của quân đội Mỹ chắc chắn sẽ giảm bớt. Do đó, ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ là đảm bảo đội quân nước nhà tiếp tục duy trì cấu trúc tổ chức phân quyền, linh hoạt cùng lối văn hóa khuyến khích tính chủ động, sáng tạo cũng như chấp nhận rủi ro ở tất cả các cấp. Trái lại, đảng Cộng sản Trung Quốc lại đặc biệt quan ngại về viễn cảnh quân đội nước này hoạt động một cách độc lập với đường lối lãnh đạo trung ương.
Tóm lại, Trung Quốc không phải là kẻ thù nhưng cũng không phải là bạn của Mỹ. Hai cường quốc này cùng chung một số lợi ích quan tâm nhưng lại xảy ra xung đột ở không ít lĩnh vực chủ chốt mà ngay cả quá trình đàm phán cũng không thể giải quyết được. Theo nhà nghiên cứu Cliff, dù chiến tranh với Trung Quốc là điều không thể nhưng duy trì lợi thế quân sự là điểm mấu chốt giúp Mỹ bảo vệ các lợi ích quốc gia trong cả thời bình và thời chiến với Bắc Kinh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Theo infonet
Trả lời