Người Việt Nam trước cơn bão tuyết nơi bờ Đông nước Mỹ

Chân ướt chân ráo từ một nước nhiệt đới sang Mỹ làm việc, chưa từng nhìn thấy tuyết rơi, tôi thích thú khi trời có tuyết rơi nhẹ cách đây mấy ngày. Cảm giác thích thú đó nhanh chóng chuyển thành lo lắng khi thông tin bão tuyết chuẩn bị đổ bộ.

Những người đã sống lâu năm ở thủ đô Washington và vùng lân cận nhanh chóng dội vào tôi gáo nước lạnh khi cảnh báo rằng: từ đêm thứ sáu (22.1, giờ địa phương, tức trưa 23.1 giờ VN) cho đến trưa thứ bảy (23.1), bão tuyết sẽ mang lại nhiều khó khăn, khổ sở.

Họ không cố tình làm tôi cụt hứng mà điều họ nói có cơ sở là những trải nghiệm quá khứ về bão tuyết. Tất nhiên, họ cũng rất quan tâm đến một người mà kinh nghiệm đối phó bão tuyết chỉ là con số 0 như tôi.

Điều tồi tệ nhất mà mọi người đều lo sợ là tuyết rơi dày kết hợp với gió mạnh tính đến 0 giờ đêm 23.1 vẫn chưa xảy ra. Ô tô vẫn có thể đi một cách thận trọng - Ảnh: An Phạm

Điều tồi tệ nhất mà mọi người đều lo sợ là tuyết rơi dày kết hợp với gió mạnh tính đến 0 giờ đêm 23.1 vẫn chưa xảy ra. Ô tô vẫn có thể đi một cách thận trọng – Ảnh: An Phạm

Xe ủi tuyết chỉ ưu tiên dọn trên các đường chính có 3, 4 làn xe. Các phố nhánh chưa được dọn tuyết - Ảnh: An Phạm

Xe ủi tuyết chỉ ưu tiên dọn trên các đường chính có 3, 4 làn xe. Các phố nhánh chưa được dọn tuyết – Ảnh: An Phạm

Biết là tôi không lái xe đi làm mà đi tàu điện ngầm, phải đi bộ nhiều, họ hỏi tôi đã có giày đi trên tuyết chưa. Tôi chỉ vào đôi giày thể thao đế cao su nhiều rãnh với vẻ tự tin, nhưng họ lắc đầu bảo cần phải đi loại giày có gai hoặc đinh sắt dài ở đế mới bám được mặt đường đóng băng.

Để tôi hiểu họ không phóng đại, họ chia sẻ thêm rằng một cựu đồng nghiệp nữ cách đây vài năm đã thiệt mạng vì trượt chân ngã do không đi giày đủ độ bám. Thông tin này lập tức gây một cảm giác bồn chồn trong ruột gan tôi.

Càng gần trưa 22.1, không khí văn phòng im ắng dần vì các nhân viên lần lượt được về sớm để kịp tránh bão. Những người về trước ân cần dặn dò việc ăn, nghỉ và chúc an toàn với những người phải ở lại trực trong cơn bão. Mọi người cũng giục tôi nhanh chóng về càng làm ruột gan tôi như có lửa đốt vì phải nghĩ đến việc ứng phó với điều chưa từng gặp.

Bước xuống ga tàu điện ngầm, cảnh tượng hiện ra là ai cũng đăm chiêu, mặt mũi nghiêm trọng và hối hả bước mong bắt chuyến tàu sớm nhất để về nhà.

Đây đó các cuộc nói chuyện lầm rầm đều là nhắc nhau mua: xẻng, pin đèn, thức ăn, xạc điện thoại… hoặc dặn nhau đừng ra khỏi nhà trong thời gian bão.

Tôi tự nhủ chính quyền đang thực hiện trách nhiệm của họ. Còn trách nhiệm của mình là làm sao không phiền đến họ, mà việc đầu tiên là đi về nhà an toàn, không bị “vồ ếch”.

Tàu dừng, hơn 14 giờ chiều, tuyết bắt đầu rơi dày hơn, trong ga, lực lượng ứng phó khẩn cấp bắt đầu tập hợp. Họ mặc đồng phục màu cam, mỗi người một túi thiết bị, thái độ bình tĩnh, nghiêm túc. Nhìn họ, tự nhiên tôi cảm thấy yên tâm sẽ được bảo vệ, giúp đỡ, bao nhiêu lo lắng vu vơ lúc trước tan biến hết. Bước ra phố, xe cộ đã vãn nhiều, góc phố chính, xe ủi tuyết đã vào vị trí sẵn sàng.

Tôi tự nhủ chính quyền đang thực hiện trách nhiệm của họ. Còn trách nhiệm của mình là làm sao không phiền đến họ, mà việc đầu tiên là đi về nhà an toàn, không bị “vồ ếch”. Sau những bước đầu dò dẫm vì sợ ngã, tôi nhanh chóng nhận ra tuyết mới rơi nên còn xốp, chưa tạo thành lớp băng trơn trên mặt đường, nên tôi có thể đi với tốc độ bình thường về nhà.

Giờ đây, trời càng khuya, gần 1 giờ sáng (23.1, tức 12 giờ trưa giờ VN) tuyết rơi dày hơn trong gió mạnh lên, ngồi trong ngôi nhà ấm áp, nghe văng vẳng tiếng xe ủi tuyết hoạt động bên ngoài, tôi thấy thật trân trọng công sức, sự tận tụy, trách nhiệm của lực lượng ứng phó khẩn cấp và thầm mong cơn bão không tồi tệ như dự báo.

Lan Hương (Theo Thanh Niên)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề