Ngày 4.12, truyền thông khu vực Trung Đông đưa tin dù Nga đã thiết lập hệ thống tên lửa phòng thủ S-400, thì máy bay của Israel vẫn bay vào Syria để không kích nhằm vào lực lượng Hezbollah. Diễn biến này có thể được lý giải bằng 2 cách: Thứ nhất, hệ thống S-400 chẳng đủ sức ngăn cản chiến đấu cơ Israel; Thứ hai, Nga đã đi đêm với Israel để Tel Aviv thỏa sức đánh phá Hezbollah.
Qua cách Nga và Israel quan hệ với nhau gần đây thì có nhiều lý do để tin vào cách lý giải thứ hai. Tuy nhiên, nếu lý giải bằng cách thứ nhất cũng chả có gì bất ngờ. Đó là vì khả năng thực sự của S-400 lâu nay chỉ dựa trên quảng cáo của nước Nga.
Ngược dòng thời gian, Nga bắt đầu phát triển S-400 vào cuối thập niên 1990 và thử nghiệm lần đầu vào năm 1999. Sau quá trình thử nghiệm, đến năm 2007, Moscow chính thức triển khai hệ thống này để làm lá chắn phòng không. Thế nhưng, một thực tế là từ đó đến nay, S-400 chưa bao giờ trải qua trận chiến thực sự nào. Tất cả những gì mà Moscow gọi là uy lực của S-400 thì cũng chỉ là thử nghiệm và những phát ngôn. Trong khi đó, hệ thống Patriot của Mỹ trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991 đã đánh chặn chính xác 41/42 tên lửa Scud. Đến Cuộc chiến Vùng Vịnh 2003, Patriot cũng hạ thành công nhiều tên lửa chiến thuật. Tương tự, vào năm ngoái, hệ thống Patriot của Israel đã bắn hạ một máy bay không người lái của Syria. Hồi tháng 6 năm nay, hệ thống Patriot ở Ả Rập Saudi đã bắn hạ tên lửa được khai hỏa bởi một lực lượng phiến quân. Đặc biệt, Mỹ đã rất gắn bó với Israel trong dự án Vòm Sắt. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn được triển khai từ năm 2011 và hiệu quả tác chiến thực tế rất ấn tượng khi xác suất đánh chặn thành công lên đến 85%. Hơn 4 năm qua, nhờ Iron Dome, Israel đã có một lá chắn hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mà Mỹ lắp đặt trên biển tuy chưa tham chiến thực tế nhưng kết quả thử nghiệm với tỷ lệ thành công lên đến 31 trong tổng số 37 lần thử nghiệm. Đó là chưa kể Mỹ gần như đã hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng mức gồm THAAD, Aegis, Patriot. Đáp lại, Nga thường xuyên đưa ra những tuyên bố tên lửa của mình đủ sức xuyên thủng hệ thống này, nhưng hãy nhớ rằng: từ nói đến làm rồi làm thành công là quãng đường rất xa. Nga vẫn chỉ mới thử nghiệm.
Giống như S-400, chiến đấu cơ thế hệ 5 của Nga là Sukhoi T-50 cũng được Moscow ca tụng lên mây. Tuy nhiên, đến nay, loại máy bay này vẫn chỉ ở mức thử nghiệm, chưa được triển khai thực tế. Trong khi đó, tính đến tháng 10 năm nay, chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 và F-35 của Mỹ đã được sản xuất tổng cộng gần 400 chiếc, theo thông báo từ tập đoàn Lockheed Martin. F-22 đã được triển khai từ năm 2007 và cũng đã chính thức tham chiến khi tấn công Syria gần đây. Như vậy, nếu T-50 được triển khai vào năm 2017 theo đúng kế hoạch (chưa biết khi nào có thể tham chiến) thì Nga cũng đã muộn hơn 10 năm so với Mỹ trong việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5. Đó là chưa nói, từ 5 năm trước, Mỹ đã bắt tay phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 giữa lúc Nga đang ngụp lặn hoàn thiện chiến đấu cơ thế hệ 5.
Về hải quân, việc Nga cố gắng mua lại tàu đổ bộ lớp Mistral của Pháp chính là câu trả lời thực tế nhất cho công nghệ tàu chiến của Nga hiện nay. Gần như các công nghệ tối tân không hiện diện nhiều ở các lớp tàu chiến xứ Bạch Dương. Lớp tàu khu trục mới nhất của nước này là Udaloy II không thể hiện ưu điểm nào nổi trội so với lớp Arleigh Burke của Mỹ. Udaloy II vẫn chỉ mới sở hữu khả năng phòng thủ tên lửa kiểu truyền thống chứ chưa sở hữu hệ thống tối tân như Aegis trên Arleigh Burke. Tất nhiên, càng không thể so Udaloy II với lớp Zumwalt của Mỹ. Zumwalt được trang bị 80 ống phóng cho phép khai hỏa những loại hỏa tiễn đối không, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, ngư lôi… Nó còn được trang bị 2 khẩu pháo tầm xa 155 li có tầm bắn tối đa lên đến 190 km tích hợp hệ thống vệ tinh định vị, cường độ khai hỏa 10 quả pháo mỗi phút.
Bên cạnh đó, đến nay, tàu sân bay của Nga vẫn phải dùng đến mũi hếch, chứ chưa có hệ thống đẩy catobar. Khi nào Nga đủ sức trang bị công nghệ này cho tàu sân bay vẫn còn phải chờ thời gian trả lời. Ngược lại, toàn bộ tàu sân bay Mỹ suốt hàng chục năm qua đã sử dụng công nghệ này và thậm chí đã dần chuyển sang sử dụng bộ catobar điện từ chứ không còn loại hơi nước.
Cuối cùng, sức mạnh nổi trội nhất của Nga chính là lực lượng vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, đây là thứ vũ khí mà nếu đem ra sử dụng thì chẳng khác nào “đồng quy ư tận – ôm nhau cùng chết”. Đó không phải là thứ dùng trong chiến tranh quy ước. Đến nay, thế giới chỉ một lần chứng kiến vũ khí hạt nhân phát huy uy lực thì đó cũng là chương tăm tối nhất thời hiện đại. Bởi thế, với một quốc gia kinh tế còn nhiều bất trắc như Nga thì việc tốn chi phí quá lớn để giữ kho vũ khí hạt nhân cũng như thầy tu bán vàng lấy tiền mua lược. Hơn thế nữa, bên cạnh niềm tự hào về năng lực quốc phòng, kho vũ khí hạt nhân mà Nga đang có cũng là một phần đáng kể về nỗi đau ngày trước, góp phần dẫn đến Liên Xô sụp đổ. Nỗi đau đó chính là sập bẫy của Mỹ khi chạy đua phát triển kho vũ khí hạt nhân khủng, lẽ ra không cần nhiều thế, để rồi kinh tế kiệt quệ nhanh hơn. Hậu quả thì ai cũng rõ.
Chính vì vậy, dù thực lực quân sự và công nghệ vũ khí Nga có thể thuộc nhóm trên của thế giới, nhưng chưa thể chứng minh thực tế về ưu thế so với đối thủ cùng cấp, nếu không muốn nói là có phần “kèo dưới”.
Trí Lê (Theo NB Ngô Minh Trí/Báo Thanh Niên)
- Kết quả của cuộc họp ở Paris: núi ảo vọng bị xua tan
- KASPAROV: NƯỚC ĐỨC PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO NHỮNG HÀNH ĐỘNG TÀN BẠO CỦA PUTIN
- NGA VÀ CHINA – ĐÔI BẠN BẤT ĐẮC DĨ
- Putin đã không được người ta mời đến dự lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ của quân Đồng minh ở Normandy
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
Trả lời