Cục diện Trung Đông đã bắt đầu thay đổi?

“Iran có thể đàm phán mà không cần nhìn đồng hồ”, câu nói này dường như không chỉ đúng với Tehran. Sự kiên nhẫn của các bên, đặc biệt hai đối tác chủ chốt là Mỹ và Iran thông qua các cuộc trao đổi thâu đêm suốt sáng, cuối cùng cũng đã hóa giải lo lắng của cộng đồng quốc tế. \

Dù vượt qua thời hạn chót 31-3 tới hai ngày, nhưng thỏa thuận khung mà nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) cùng Iran vừa đạt được sau những cuộc đối thoại giằng co và cân não, đã tiếp thêm niềm tin vốn gần như tàn lụi về việc cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran có thể sẽ được khép lại vào ngày 30-6 tới.

Khi giới hạn đỏ 31-3 dần bị bỏ xa, trong khi các bên vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong các vấn đề chủ chốt, Mỹ đã cảnh báo hoặc phải đạt được một thỏa thuận hoặc không có gì. Như thế có nghĩa là một khi cơ hội này tuột khỏi tay, Washington sẽ không chờ đợi 3 tháng nữa để ký thỏa thuận cuối cùng.

Tuy nhiên, “những nỗ lực bền bỉ” – theo lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cứu vãn được một kết cục bi đát có thể sẽ làm sụp đổ giải pháp chính trị mà chính quyền của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Bất chấp sự phản đối từ nhiều nghị sĩ Quốc hội (hiện đang nằm trong tay đảng Cộng hòa), Tổng thống B.Obama vẫn quyết tâm tìm được lối thoát cho cuộc đối đầu dai dẳng giữa phương Tây và Iran bằng con đường ngoại giao.

Thiện chí đó đã được Ngoại trưởng John Kerry mang tới Laussane (Thụy Sĩ) không chỉ để ông chủ Nhà Trắng tạo lập một dấu ấn đối ngoại trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo nhiều thử thách, mà còn là một bước đi cần thiết để Mỹ thực hiện những tính toán chiến lược trong tình hình mới.

Hai cuộc chiến đầy mất mát tại Afghanistan và Iraq, một Mùa xuân Arab để lại nhiều thương tích, rồi cuộc nổi dậy Syria và giờ là Yemen ngày càng trở nên khốc liệt, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine đứng bên bờ vực thẳm và đặc biệt là sự nổi lên của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…, có quá nhiều vấn đề tại vùng đất Trung Đông, do vậy, nước Mỹ không muốn có thêm một cuộc đối đầu quân sự vô tiền khoáng hậu nữa với Iran.

Không giống như bất kỳ một quốc gia nào khác tại khu vực, dẫu bị cô lập về ngoại giao và phong tỏa về kinh tế, nhưng quốc gia khởi phát cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 vẫn có tiềm lực quân sự khá mạnh và ảnh hưởng chính trị tương đối rộng lớn ở Trung Đông. Tehran được xem là “nhà bảo trợ” của phong trào Hezbollah ở Lebanon, đồng minh thân thiết của Tổng thống Bashar Al-Assad tại Syria, có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Baghdad tại Iraq và là “hậu phương” của lực lượng Houthi đang nuôi tham vọng cầm quyền ở Yemen.

Với những diễn biến xấu tại khu vực, trong giai đoạn này, việc sử dụng vũ lực với chính quyền của Tổng thống có quan điểm khá ôn hòa Hassan Rohawni là bất lợi. Thay vào đó, Washington vận dụng một chính sách khôn ngoan hơn là “làm hòa” với thủ lĩnh của phái Shiite để giải quyết mớ bòng bong hỗn độn đang diễn ra ở những quốc gia do dòng Hồi giáo này nắm quyền. Trong đó, sự hợp tác với Iran nhằm tiễu trừ nhóm khủng bố khát máu và kỳ dị gây nên nỗi khiếp sợ khắp thế giới là một phương án mà Nhà Trắng cho rằng hợp lý nhất trong bối cảnh phương Tây không muốn thúc đẩy một cuộc tấn công trên bộ để loại bỏ mối đe dọa từ IS.

Tất nhiên, Iran hiểu rõ những gì mà họ có. Thế nhưng, như thế cũng không có nghĩa là mục tiêu thoát khỏi các lệnh trừng phạt và có mặt trở lại trên thị trường dầu mỏ thế giới của Tehran sẽ nghiễm nhiên đạt được mà không có sự nhượng bộ.

Theo thỏa thuận sơ bộ, sau khi ký kết một thỏa thuận toàn diện vào trước ngày 30-6, 2/3 năng lực làm giàu uranium của Iran sẽ bị hủy bỏ và chịu sự giám sát trong 10 năm khi số máy ly tâm giảm từ 19.000 xuống còn 6.000. Iran cũng sẽ phải pha loãng hoặc chuyển ra nước ngoài hầu hết trữ lượng uranium đã làm giàu. Các hạn chế khác đối với chương trình hạt nhân của nước này sẽ tiếp tục trong vòng 1/4 thế kỷ để bảo đảm rằng quốc gia Hồi giáo không thể sở hữu vũ khí nguyên tử.

Những điều khoản này khác biệt khá lớn so với những phát biểu cứng rắn của chính quyền Tổng thống H.Rohawni trước đó, khi kiên quyết bảo vệ quyền được phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp là có thể hiểu được, bởi đây là chiếc chìa khóa duy nhất để mở ra cánh cửa vốn đang khép chặt đưa xứ Ba Tư trở lại hòa nhập tốt hơn với thế giới bên ngoài và cải thiện nền kinh tế có dấu hiệu kiệt quệ.

Quan trọng là, vị thế của Iran không bị suy chuyển sau cái bắt tay với Mỹ và phương Tây mà ngược lại quốc gia này có thể giữ một vị trí xứng đáng hơn trên sân khấu chính trị khu vực thông qua việc cùng với Mỹ đối phó trước những thách thức an ninh chung.

Vì vậy, những lợi ích chung đang đẩy hai quốc gia thù địch Mỹ và Iran tiến vào một hành trình mới. Cũng chính những ràng buộc lợi ích khiến cả hai nước phải cân nhắc thiệt hơn để hướng tới một văn bản lịch sử giúp đóng lại vĩnh viễn hồ sơ hạt nhân kéo dài 12 năm của Iran sau 3 tháng nữa.

Nếu không gặp bất chắc gì, viễn cảnh rất gần này sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi hoàn toàn cục diện tại Trung Đông.

HaNoimoi


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề