QUAN HỆ NGA-TRUNG. NGOÀI ẤM TRONG LẠNH

LỜI GIỚI THIỆU

Năm 2014, sau khi chiếm đóng Crimea và can thiệp vào Donbass Ukraina, nước Nga bị Phương Tây cấm vận. Các nhà lãnh đạo Nga lập tức quay sang Phương Đông, tìm cách xích lại gần Trung Quốc với nhiều kỳ vọng có được một quan hệ hợp tác chiến lược. Trung Quốc cũng tỏ ra sẵn sàng “mở rộng vòng tay”. Các nhà lãnh đạo hai nước luôn trình diễn một quan hệ không thể nồng ấm hơn trước toàn thế giới.

Truyền thông chính thống Nga vẽ ra những viễn cảnh hợp tác Nga-Trung huy hoàng. Trung Quốc được coi là một đối tác đáng tin cậy, thậm chí một “đồng minh chiến lược” trong cuộc chiến lâu dài chống sự thống trị của Phương Tây. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nhà nghiên cứu và bình luận chính trị xã hội Nga, đây chỉ những động thái thuần túy tuyên truyền dành cho công chúng Trung Quốc và cử tri Nga, trên thực tế mọi chuyện hoàn toàn khác.

Gần đây trước thềm năm mới 2019, ngày 23/12/2018, Trung Quốc chính thức từ chối ký kết Bản thỏa thuận về thanh toán các hợp đồng thương mại Nga-Trung bằng đồng rúp Nga. Một thỏa thuận đã được bàn thảo và chuẩn bị đã lâu (2014), và được các quan chức Nga coi như đã hoàn tất. Thậm chí Bắc Kinh còn từ chối ký kết ngay cả một Bản ghi nhớ về vấn đề này, một văn bản chẳng có gì ràng buộc.

Nghĩa là ở Bắc Kinh, người ta không còn thấy cần thiết phải giữ kẽ và tuân thủ những nguyên tắc “giữ thể diện” tối thiểu trong quan hệ với Nga, một quốc gia mà họ coi là phá sản về chính trị và kinh tế. Điều này đã gây shock và một “cơn địa chấn” trên truyền thông và mạng xã hội Nga. Một điều quả là không dễ chịu cho lòng tự hào dân tộc Nga, đặc biệt khi mà phần lớn người Nga luôn nghĩ rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, Trung Quốc rất cần đến sự ủng hộ của Nga.

Tôi xin phép điểm lại một vài tình huống quan trọng trong quan hệ Nga-Trung những năm gần đây. Có thể nói status này là một tổng kết những bài tôi đã viết về quan hệ Nga-Trung trong năm 2018.

TRUNG QUỐC THỰC TẾ ỦNG HỘ PHƯƠNG TÂY CẤM VẬN NGA

Trước hết, về mặt chính trị đối ngoại, Trung Quốc chưa bao giờ ủng hộ Nga trong các cuộc “phiêu lưu” quân sự của Nga ra nước ngoài. Bắt đầu là việc trong các cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea, cũng như không ủng hộ nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia (những lãnh thổ “ly khai”, bị Nga “tách” khỏi Gruzia và hiện được Nga bảo trợ). Ngoài ra, sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các hành động của Moskva tại Syria cũng rất tượng trưng.

Thứ hai, trên thực tế là “đồng minh chiến lược” Trung Quốc luôn ủng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga của Phương Tây, thể hiện ở việc tất cả các công ty Trung Quốc đã “tránh né” làm việc với bất kỳ công ty Nga nào (ngay cả với những công ty Nga không bị Phương Tây áp lệnh trừng phạt).

Ở đây cách hành xử của các công ty Trung Quốc, tuyệt đối không thể coi là thuần túy xuất phát từ lợi ích kinh tế. Như chúng ta biết, phần lớn các công ty Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây, đều một phần hoặc toàn phần thuộc sở hữu nhà nước (đồng thời ngay cả các công ty tư nhân Trung Quốc thường cũng không dám coi nhẹ thái độ của chính quyền).

Vì vậy, việc các công ty Trung Quốc tìm mọi cách “tránh né” giao dịch với các công ty Nga, mà không cần có bất cứ chỉ đạo công khai nào của chính quyền cho thấy, đây là chính sách nhất quán của nhà nước Trung Quốc. Moskva đã nhiều lần nhắc nhở Bắc Kinh về tình huống khó hiểu (đúng ra là chẳng có gì khó hiểu) này, và Bắc Kinh luôn hứa hẹn sớm dàn xếp. Nhưng đã 5 năm trôi qua mọi sự vẫn như cũ, mặc dù để giải quyết việc này, có lẽ chính phủ Trung Quốc chỉ cần một ngày.

Thứ ba, Trung Quốc thực tế luôn ủng hộ Phương Tây trong việc hạn chế giao dịch tín dụng với các công ty và các tổ chức Nga. Sau khi bị Phương Tây cấm vận và mất khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng từ các ngân hàng và tổ chức tài chính Phương Tây, người Nga đã từng rất kỳ vọng vào những khoản tín dụng từ Trung Quốc. Tuy nhiên trong thời gian qua, các ngân hàng và tổ chức tài chính Trung Quốc không hề tỏ ra “mặn mà” trong việc giao dịch tín dụng với các công ty Nga. Đồng thời những điều kiện giao dịch tín dụng của Trung Quốc cũng “khó chịu” hơn của Phương Tây nhiều.

Ngoài ra, việc đầu tư vào trái phiếu nhà nước Trung Quốc cũng làm người Nga thất vọng. Năm 2018, sau khi bán hết trái phiếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát hành, Nga đã mua một số trái phiếu nhà nước Trung Quốc bằng nhân dân tệ (NDT). Tuy nhiên, người Nga lại không thể bán được trái phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Moskva bằng NDT, để giữ vốn đầu tư ở lại nước Nga. Lý do là vì, Trung Quốc chỉ cho phép người nước ngoài mua các trái phiếu gấu trúc, và giao dịch ở thị trường nội địa Trung Quốc. Nghĩa là trên thực tế, Nga lại trở thành nhà đầu tư vào Trung Quốc.

QUAN HỆ KINH TẾ NGA-TRUNG

Trong quan hệ kinh tế Nga-Trung, khác với những tuyên bố nồng ấm từ hai phía (trước hết từ phía Nga), nhìn chung, Trung Quốc luôn theo đuổi một chính sách ưu tiên hợp tác ngắn và trung hạn, né tránh các chương trình hợp tác dài hạn, trừ những dự án liên quan đến kế hoạch chiến lược “Một vành đai, một con đường”.

Thứ nhất, về dự án “Sức mạnh Siberia”, một trong những dự án lớn và tiêu biểu nhất cho quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung. Và được giới truyền thông chính thống Nga tôn vinh là “một chiến thắng địa chính trị lịch sử trong thế kỷ 21”.

Dự án “Sức mạnh Siberia” là công trình xây dựng đường ống dẫn khí vận chuyển khí đốt từ Yakutia (Đông Siberia) đến Khu vực Duyên hải Nga và các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đường ống này có tổng chiều dài 2158 km, đường kính ống 1420 mm, công suất lưu thông thiết kế 38 tỷ m3 khí năm. Chi phí dự án này ước tính là 800-1100 tỷ rúp (từ 20-23 tỷ USD). Dự kiến những lô khí đốt đầu tiên sẽ được chuyển cho Trung Quốc qua đường ống này vào 12/2019.

Dự án được bắt đầu khởi động từ 05/2014, sau khi Tập đoàn Gazprom Nga ký kết với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) một hợp đồng cung ứng khí đốt trị giá 400 tỷ USD trong 30 năm (khối lượng cung ứng mỗi năm dự kiến là 38 tỷ m3 khí đốt, nhưng chưa thống nhất giá cụ thể). Ban đầu có thông tin từ phía Chính phủ Nga, là Gazprom sẽ nhận được từ CNPC một khoản thanh toán tạm ứng cho dự án là 25 tỷ USD.

Nhưng về sau, thông tin này bị phía Trung Quốc bác bỏ và Chính phủ Nga đã chính thức tuyên bố, là phía Nga sẽ đảm nhận toàn bộ kinh phí đầu tư dự án. Cuối 07/2018, Gazprom thông báo việc hoàn thành xây đoạn đường ống dẫn khí từ mỏ khí Chayanda (Yakutia) Nga đến biên giới với Trung Quốc dài 1954 km (90,5% chiều dài tuyến đường).

Theo một số chuyên gia kinh tế Nga, hợp đồng khí đốt kỷ lục giữa Gazprom và CNPC đã được ký kết với những điều khoản, chủ yếu có lợi cho Trung Quốc. Còn đối với nền kinh tế tư bản độc quyền nhà nước Nga, rất có thể lợi nhuận chỉ là tối thiểu. Trước hết, vì không có những khoản thanh toán tạm ứng từ phía Trung Quốc (như trong các dự án xây dựng đường ống dẫn khí của Nga hợp tác với Châu Âu), nên toàn bộ kinh phí đầu tư dự án (lấy từ ngân sách nhà nước Nga) và nhà thầu xây dựng là các tập đoàn xây dựng thuộc phía Nga. Đương nhiên, chi phí thi công dự án sẽ “đội lên” rất cao.

Cũng theo các chuyên gia này, ngược lại theo nếu trong các điều khoản hợp đồng có khoản thanh toán tạm ứng, và việc thi công dự án là do các tập đoàn xây dựng phía Trung Quốc đảm nhận, thì chi phí thi công dự án sẽ giảm được 3 lần. Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia Nga, dự án “Sức mạnh Siberia” sẽ chỉ hoàn được vốn trong thời hạn hợp lý, nếu giá khí đốt tại biên giới Trung Quốc sẽ ở mức 360-400 USD/ 1.000 m3 (hơn gấp đôi giá khí đốt của Gazprom bán tại Châu Âu trong chín tháng đầu 2017).

Một điều hoàn toàn không tưởng. Vì ngược lại, chắc chắn Trung Quốc sẽ mua khí đốt của Nga với giá thấp hơn nhiều, so với giá mà Gazprom bán cho Châu Âu. Lý do rất đơn giản, một là trước khi ký kết hợp đồng này, Tập đoàn CNPC đã ký kết thỏa thuận với Gazprom về nguyên tắc chung xác định giá khí đốt, theo đó giá khí đốt sẽ được gắn với giá dầu hỏa. Nghĩa là giá này sẽ được điều chỉnh hàng năm. Rõ ràng trong thời hạn 30 năm của hợp đồng, giá dầu hỏa chắc chắn sẽ chỉ ngày một thấp hơn.

Hai là cạnh tranh từ phía Turkmenistan. Đường ống dẫn khí
Turkmenistan-Trung Quốc tổng chiều dài hơn 1900 km (đi qua lãnh thổ Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan, công suất lưu thông thiết kế 38 tỷ m3 khí năm) xây dựng từ 2007-2009. Tổng chi phí cho công trình đường ống này chỉ là hơn 6,5 tỷ USD, phần lớn kinh phí đầu tư và việc thi công đường ống do phía China đảm nhận. Từ tháng 12/2009, mỗi năm Turkmenistan cung cấp cho China hơn 25 tỷ m3 khí đốt qua đường ống này. Đương nhiên Turkmenistan đang là đối thủ cạnh tranh rất nặng ký của Nga, trước hết về mặt giá cả.

Tóm lại, theo đánh giá thống nhất của nhiều chuyên gia kinh tế Nga, dự án “Sức mạnh Siberia” không thể sinh lời và sẽ không có khả năng hoàn vốn trong thời hạn hợp lý. Thực ra, bản chất sâu xa của vấn đề là người China không hề mặn mà với dự án này, Trung Quốc hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu khí đốt của mình bằng việc nhập khí đốt Turkmenistan và khí đốt hóa lỏng. Trong khi lãnh đạo Nga lại rất cần có một “dự án lịch sử thế kỷ” để nói chuyện với cử tri. Vì vậy, người Nga đã tìm mọi cách và phải rất vất vả mới “cưa đổ” được Trung Quốc ký hợp đồng này, và do đó đương nhiên phải nhận phần rủi ro về mình.

Vậy thì ngoài mục tiêu tuyên truyền, tại sao chính quyền Nga nhất thiết phải thực hiện dự án “thế kỷ” này? Theo nhận định của nhiều nhà phân tích chính trị kinh tế Nga, đằng sau dự án này, còn có một mục tiêu khác. Đó là tạo cơ hội “làm ăn” cho các doanh nghiệp xây dựng sân sau của chính quyền. Vào 12/2015, không qua đấu thầu, Gazprom đã chọn Tập đoàn Xây dựng Stroygazmontazh (100% thuộc sở Arkady Rotenberg, một nhà tài phiệt thân hữu Điện Kremlin) làm nhà thầu chính, được phép thi công một phần dự án ”Sức mạnh Siberia”. Tổng trị giá của một phần (dự án “Sức mạnh Siberia”) này là 197,7 tỷ rúp (4.5 tỷ USD).

Thứ hai, về đầu tư của Trung Quốc vào kinh tế Nga. Nhìn chung, các nhà đầu tư Trung Quốc rất “ngại” đầu tư vào Nga, vì môi trường đầu tư không thuận lợi, cơ quan chức năng sách nhiễu, kỳ thị, đồng thời thu nhập, sức mua người dân Nga ngày càng suy giảm. Mặc dù có rất nhiều lời kêu gọi, hứa hẹn từ lãnh đạo Nga, các Cty Trung Quốc từ chối đầu tư vào khu vực sản xuất của kinh tế Nga và tiếp bước doanh nghiệp Phương Tây rút vốn ra khỏi nước Nga. Trong nửa đầu năm 2018, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rút số vốn tổng cộng hơn 1 tỷ USD. Theo tạp chí Finanz.ru, tổng vốn đầu tư của China vào Nga hiện giảm xuống chỉ còn 3.184 tỷ USD (khoảng 1/6 khối lượng đầu tư từ Đức).

Đồng thời, 921 triệu USD (92% số tiền 1 tỷ USD), mà người Trung Quốc rút ra khỏi nước Nga, được lấy trực tiếp từ vốn của các công ty Nga. Theo Ngân hàng Trung ương, như vậy đã hơn một năm nay, dòng vốn đầu tư của China tiếp tục ra khỏi nước Nga. Đối với Nga, điều này lại càng bức bối hơn trong bối cảnh, Trung Quốc đang hết sức tích cực tăng đầu tư ra nước ngoài. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, từ tháng 01-07/2018, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 65 tỷ USD vào 4.000 doanh nghiệp nước ngoài tại 152 quốc gia và khu vực trên thế giới, cao hơn 14% so với năm ngoái.

KHÔNG THỂ CÓ LIÊN MINH QUÂN SỰ NGA-TRUNG

Năm 2018, từ 11/09-17/09 tại Viễn Đông nước Nga và các vùng lãnh hải lân cận ở Thái Bình Dương thuộc Nga, đã diễn ra một cuộc tập trân rất lớn mang tên “Phương Đông – 2018” (qui mô tương đương những chiến dịch lớn nhất trong Thế Chiến 2). Tham gia vào những cuộc diễn tập này là các lực lượng quân đội Nga (300.000 quân), Trung Quốc (2500 quân) và Mông Cổ (một tiểu đoàn).

Cuộc diễn tập này đã được tiến hành trong điều kiện gần thực chiến tối đa, để kiểm tra khả năng tác chiến của người lính, của đội ngũ chỉ huy các cấp, cũng như hiệu năng của hàng loạt thiết bị và khí tài quân sự. Bao gồm hơn 1000 máy bay, máy bay trực thăng, máy bay không người lái, gần 36.000 xe tăng, xe thiết giáp và các loại xe cộ khác, cùng với 80 tàu chiến.

Cuộc tập trận được sự quan tâm chăm chú và rộng rãi của công luận trên toàn thế giới. Giới nghiên cứu bình luận chính trị quốc tế “đọc ra” một vài thông điệp nổi bật, mà người Nga muốn gửi đến các bên liên quan (toàn thế giới và trước hết là Washington): địa điểm tiến hành tập trận cho thấy, đối với Nga, cuộc chiến với NATO không phải là ưu tiên; sức mạnh quân sự của Nga hiện vẫn vượt trội hơn rất nhiều sức mạnh quân sự Trung Quốc; các nước láng giềng Viễn Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên) cần có thái độ đúng mức hơn đối với Nga; khả năng hợp tác quân sự, phối hợp hành động giữa Nga và Trung Quốc là một hiện thực.

Tuy đánh giá cao thông điệp cuối cùng về khả năng hợp tác quân sự Nga-Trung, nhưng hầu hết giới nghiên cứu bình luận và các nhà chính trị quốc tế, lại không cho rằng giữa Nga và Trung Quốc có thể hình thành một liên minh quân sự. Ngày 11/09/2018, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ, về việc liệu những cuộc tập trận chung Nga-Trung có đồng nghĩa với sự hình thành liên minh quân sự hay không? James Mattis Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã trả lời: “Tôi nghĩ rằng các quốc gia này đang hành động vì lợi ích riêng của họ, tôi không thấy nhiều điều trong triển vọng dài hạn, có thể gắn kết Nga và Trung Quốc”.

Cũng dịp đó, ông Kiril Kotkov, một chuyên gia Nga hàng đầu về Trung Quốc sau khi bày tỏ việc tán thành nhận định của James Mattis, trong bài trả lời phỏng vấn Hãng Thông tấn NSN đã cho biết: “Đúng là Nga và Trung Quốc không có chung những mục tiêu chiến lược”. Ngược lại, “Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ những đòi hỏi đối với một phần quan trọng (Siberia) của lãnh thổ Nga. Đơn giản là, có những đòi hỏi thẳng thừng trong các câu chuyện riêng tư, và có những đòi hỏi đang âm thầm ẩn giấu”, Kiril Kotkov nhận xét.

Theo ông thái độ này của người Trung Quốc thể hiện rõ ràng, qua phản ứng của báo chí Trung Quốc (được chính quyền ngầm ủng hộ) đối với phong trào “Chống phá rừng Siberia” ở Nga. Cụ thể, hơn 640.000 chữ ký đã được thu thập trong một Kiến nghị gửi Chính phủ Nga, để “ngăn chặn nạn phá rừng ở Siberia, mà sau đó gỗ được bán cho Trung Quốc với giá “bèo bọt”. Cùng lúc đó ở Trung Quốc, đã xuất hiện một bài báo với nội dung như sau:”nếu những khu rừng này không bị chặt phá, nó đơn giản là sẽ bị thối rữa, và nói chung đấy là vùng đất tổ tiên của chúng ta, cả Siberia trước đây đã từng thuộc về Trung Quốc”.

“Bây giờ chúng ta đang có một mối quan hệ ấm áp với Trung Quốc, nhưng xin phép nhấn mạnh, mối quan hệ này khá một chiều. Người Trung Quốc không quan tâm đến việc có một nước Nga đồng minh mạnh mẽ, họ chỉ quan tâm đến Nga như một thuộc địa. Như một lãnh thổ, ở đó người ta có thể mua tài nguyên với giá rẻ, và có thể xây dựng những doanh nghiệp sản xuất độc hại”, ông Kotkov cay đắng nhận định.

THAY CHO LỜI KẾT

Phải nói rằng, khác với những người Nga bình thường, phần lớn giới tinh hoa Nga (chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật) rất ít ảo tưởng về quan hệ Nga-Trung. Ngược lại, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, họ thường bày tỏ với tôi sự lo ngại (có phần bản năng) sâu sắc trước sự bành trướng của Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng hiểu một cách rõ ràng và đầy đủ rằng, Trung Quốc và Nga không bao giờ có thể là đồng minh thực sự lâu dài. Vì Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử của mình, chưa bao giờ có (cần) đồng minh. Ngoài ra, giới tinh hoa Nga cũng luôn khẳng định rằng đối với họ, các giá trị văn hóa Châu Âu trước hết là chính trị và thể chế, gần gũi và dễ tiếp nhận hơn rất nhiều, so với các giá trị của văn hóa Trung Quốc.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung là một cuộc chiến lâu dài, làm thay đổi trật tự và bộ mặt thế giới. Chiến tranh thương mại chỉ là những hiệp (trận) đầu tiên, và không ai có thể đứng ngoài cuộc. Nước Nga với lịch sử và vị trí địa chính trị đặc biệt của mình sẽ đóng vai trò quan trọng. Còn đối với người Nga, nguồn gốc những điều “cay đắng” nói trên nằm trong bản chất và tương quan lực lượng trong quan hệ Nga-Trung, một quan hệ “phức tạp và cay đắng”. Cũng như trong tính cách (bản sắc) của họ. Tôi xin phép tiếp tục trao đổi về mối quan hệ này trong các status sau.

PS. Trong diến văn chào mừng Năm Mới 2019 của Putin, có một tuyên bố “táo bạo” về việc “nước Nga chưa và sẽ không bao giờ cần có người giúp”. Tuyên bố này là một thông điệp mà ông gửi đến các nhà lãnh đạo Phương Tây, trong bối cảnh năm 2018, quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng tiếp tục gia tăng. Theo tôi, có lẽ thông điệp “cay đắng” này còn được gửi cho cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

 

Trần Công Tâm


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “QUAN HỆ NGA-TRUNG. NGOÀI ẤM TRONG LẠNH”:

  1. Cao Nam viết:

    Không chỉ quan điểm chính trị, năng lực chiến lược vĩ mô, mà cả bản tính cá nhân và phẩm giá của Putin đã được bộc lộ qua sự kiện Crime. Theo đó, nếu tập hợp chuỗi sự kiện về chính sách đối ngoại, đối nội và các hành động, bài phát biểu cùng các tấm hình quảng bá có thể được hiểu rằng Putin đề cao đánh giá của dư luận về bản lĩnh, quyết đoán, táo bạo, thông minh và tầm nhìn của cá nhân ông ta còn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Riêng về chính sách đối ngoại mặc dù trong nước còn nhiều tranh cãi nhưng thực tế đã cho thấy đó là thất bại rất lớn đối với nước Nga trên bình diện uy tín quốc tế, kinh tế quốc gia và thụ hưởng đời sống của người dân. Thất bại trên người dân có thể khoan dung, thậm chí còn nhiều người ủng hộ nếu Putin đề cao chủ lòng tự tôn dân tộc. Nhưng, nếu tất cả các thất bại trên là kết quả của sự ích kỷ, hãnh tiến cá nhân và được núp dưới danh nghĩa lòng tự tôn dân tộc thì sẽ là thảm họa rất lớn cho nước Nga, thậm chí Thế giới. Hy vọng rằng điều này chỉ đúng một nửa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề