Khi Mỹ vuốt râu con rồng Trung Quốc

Đã thành lệ, cứ vào khoảng thời gian trước mùa mưa bão hàng năm trên biển Đông, con rồng Trung Quốc lại tiến hành những động thái được xem là gây hấn và phá vỡ thế cân bằng và sự ổn định giữa các quốc gia tại vùng biển.

Năm 2014, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Mỹ và thế giới bị cuốn vào vấn đề Đông Âu, thiếu đi sự quan tâm cần thiết đến việc Bắc Kinh ngang ngược đưa giàn khoan Haiyang Shizou-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn tại khu vực.

Năm 2015, Bắc Kinh theo thói quen lại tiếp tục bằng việc bất chấp luật pháp quốc tế, mở rộng các đảo san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông.

Nhưng lần này Trung Quốc đã tính sai, khi ngay lập tức sự kiện này khiến cả thế giới chú ý và các cường quốc đã lên tiếng.

Các phản ứng của thế giới với Trung Quốc qua vụ việc này được xem là cứng rắn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Và đã đến lúc con rồng Trung Quốc cần phải bị vuốt râu.

Các phản ứng của Trung Quốc thời gian qua cho thấy, nước này đang thực sự bị sốc trước những phản ứng mạnh từ phía thế giới về việc mở rộng các đảo san hô của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Có lẽ phải từ sau sự kiện quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đây mới là lần thứ hai phản ứng và sức ép của thế giới lên Bắc Kinh mới lại lớn đến vậy.

Nếu như những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trước đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng được xem là những bất đồng mang tính đơn lẻ giữa các quốc gia, thì việc mở rộng trái phép các đảo san hô ở Trường Sa được xem như dấu hiệu của sự đe dọa của Trung Quốc đến an ninh hàng hải toàn cầu.

Nói cách khác, việc mở rộng các đảo này sẽ được coi là ranh giới cuối cùng mà Trung Quốc không thể vượt qua nếu như không muốn gây hấn với thế giới.

Mỹ, như thường lệ đang là quốc gia đưa ra những chỉ trích gay gắt nhất. Trong một bài phát biểu tại Washington vào thứ Sáu tuần trước, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố thẳng thừng, rằng “hành động xây dựng quy mô trái phép của Trung Quốc ở biển Đông được coi là một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định”.

Đây được xem là những tuyên bố nặng nề nhất mà một quan chức ngoại giao Mỹ dành cho Trung Quốc trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây.

Với nhận xét này, Mỹ đang bắt đầu xem xét vấn đề trên khía cạnh Trung Quốc là một kẻ dùng sức mạnh để xâm lược ở biển Đông, thay vì coi đó là một cuộc tranh chấp lãnh hải giữa nhiều quốc gia trong khu vực như trước.

Những phát biểu cứng rắn của ông Blinken đang mở ra giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Sự cứng rắn này còn diễn ra ở lĩnh vực công nghệ thông tin, khi lần đầu tiên Mỹ công khai chỉ trích đích danh Trung Quốc đã sử dụng tin tặc để đánh cắp khoảng hơn 10 triệu hồ sơ nhân viên trên toàn liên bang của Mỹ.

Có thể nói, Mỹ đã chờ đợi cơ hội này từ rất lâu, khi đây được xem là lần đầu tiên sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đặt ra một thách thức đối với an ninh thế giới một cách cụ thể, thay vì chỉ đơn thuần là dự báo như trước.

Với việc Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải qua eo biển Malacca, Mỹ có thể dùng nó làm cái cớ để cảnh báo thế giới về những thách thức mà Trung Quốc đang tạo ra với cả nhân loại, và cần thiết phải có những động thái cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Nói cách khác, với việc mở rộng đảo trái phép ở Trường Sa, Trung Quốc đang lâm vào cảnh há miệng mắc quai và đang bị Mỹ lợi dụng.

Mục đích chủ đạo của Mỹ với thái độ và những phát biểu cứng rắn hiện nhắm tới việc ép Trung Quốc vào khuôn khổ và phải tôn trọng các điều ước quốc tế.

Ông Blinken tuyên bố, Mỹ không có lợi ích quốc gia trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông, nhưng Mỹ luôn quan tâm đến tự do hàng hải ở khu vực, và rằng “con đường phía trước với Trung Quốc, và tất cả các bên tranh chấp, là chấm dứt các hoạt động cải tạo của họ và giải quyết các vấn đề theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc vẫn đang duy trì quan điểm giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông bằng cách đàm phán song phương và từ chối sự tham gia của các tổ chức luật pháp quốc tế, trong một bài phát biểu gần nhất ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn viện dẫn yếu tố tổ tiên để làm cái cớ cho cái Bắc Kinh gọi là chủ quyền không thể tranh cãi trên biển Đông.

Với việc Bắc Kinh đang phải chịu sức ép lớn từ phía thế giới thông qua hoạt động xây đảo, đó sẽ là thời cơ rất tốt để Mỹ ép Trung Quốc phải dần dần vào khuôn khổ, trong đó tôn trọng các nguyên tắc và ứng xử theo luật pháp quốc tế.

Việc so sánh động thái cải tạo đảo trên biển Đông của Trung Quốc với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng đang là một thông điệp ngầm mà Mỹ gửi đến Trung Quốc.

Rằng Mỹ và các nước phương Tây hoàn toàn có thể đưa ra một lệnh trừng phạt kinh tế với Trung Quốc như đã làm với Nga, nếu như Bắc Kinh vẫn tiếp tục các động thái gây bất ổn ở khu vực trong thời gian tới.

Kinh tế Nga có thể chịu đựng được một lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, nhưng Trung Quốc thì chắc chắn là không, khi mà nước này đang có mức độ phụ thuộc vào mối quan hệ kinh tế thương mại với phương Tây quá lớn.

Việc Trung Quốc mở rộng các đảo trái phép ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vì thế có thể sẽ là một sai lầm chính trị lớn nhất thế giới trong năm 2015, cũng vì sai lầm chết người này mà Trung Quốc đang lần đầu tiên bị Mỹ “vuốt râu” trong vòng hơn 20 năm qua.

Trí Lê (Theo Sputnik News)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề