Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông. Việt Nam cũng đang theo dõi sát sao giàn khoan Hải Dương 981.
* Đang theo dõi sát sao giàn khoan Hải Dương 981
Đó là khẳng định của ông Lê Hải Bình – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14-5.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về biển Đông tại thủ đô Washington ngày 13-5, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, và an toàn hàng hải là nguyện vọng cũng như là lợi ích chung của những nước trong và ngoài khu vực”.
“Các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC), đồng thời tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trên tinh thần đó, VN hoan nghênh mọi nỗi lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm tiến tới COC” – ông Bình nói.
Liên quan đến câu hỏi về việc Mỹ có ý định đưa tàu và máy bay đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Chúng tôi mong muốn các bên liên quan, các quốc gia trong và ngoài khu vực có những nỗ lực tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, và an toàn hàng hải ở khu vực và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông”.
“Mọi hoạt động của các bên liên quan cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông, đồng thời tuân thủ nghiêm túc DOC,” ông Bình cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hoạt động tôn tạo và mở rộng đảo đá Tây và đá Sơn Ca trên quần đảo của Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định rằng các hoạt động nhằm cải thiện các cơ sở vật chất đã cũ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế trên quần đảo Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp và bình thường, phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), cũng như không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường và không làm phức tạp tình hình tranh chấp.
Trước đó, Báo Wall Street Journal (Mỹ) cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã yêu cầu cấp dưới của ông xem xét nhiều khả năng, bao gồm đưa máy bay do thám và triển khai tàu hải quân Mỹ đến thẳng khu vực nằm trong vòng 12 hải lý tính từ các bãi đá, bãi cạn nơi mà Bắc Kinh đang tăng tốc xây dựng để thực hiện ý đồ “đòi chủ quyền” của mình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về việc Mỹ lên kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay quân sự tới gần khu vực mà Bắc Kinh xây đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Đang theo dõi sát sao giàn khoan Hải Dương 981
Liên quan đến thông tin giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) đang hoạt động ở khu vực giếng Lăng Thủy trên biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của giàn khoan này.
“Đại diện cảnh sát biển Việt Nam ngày 13-5 đã nói rất rõ, trong đó cho biết các cơ quan chức năng đã theo dõi chặt chẽ và đã có những hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó khi có sự việc xảy ra trên biển”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến giàn khoan HD 981 tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 14-5 ở Hà Nội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết đã nắm được thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc về hoạt động của giàn khoan HD 981. Cảnh sát biển đã tiến hành nắm bắt tình hình hướng di chuyển và hoạt động của giàn khoan này.
“Tuy nhiên, những thông tin, dấu hiệu cho đến nay cho thấy giàn khoan này cũng như các giàn khoan khác của Trung Quốc đang hoạt động trên biển Đông nằm ở vùng biển của họ. Do đó, những hoạt động thăm dò, khai thác này không ảnh hưởng, không xâm phạm đến vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Khi phát hiện giàn khoan HD 981 hay các giàn khoan khác có hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có các biện pháp đấu tranh để bảo vệ chủ quyền”, lãnh đạo này thông tin thêm.
Trước đó, trang web của Cục Hải sự Trung Quốc MSA ngày 6-5 thông báo giàn khoan HD 981 sẽ hoạt động từ ngày 6 đến 16-5 tại địa điểm có tọa độ 17°03′44″.5N/109°59′02″.7E. Giàn khoan này đang hoạt động tại khu vực giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở biển Đông, cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam 75 hải lý về phía đông nam.
Tuổi trẻ
- Mỹ sẽ triển khai 8 căn cứ quân sự ở Philippines
- Ông John McCain: Mỹ đang thiếu những hành động quyết liệt ở Biển Đông
- Trung Quốc đòi Mỹ “dừng khoe cơ bắp” ở biển Đông
- Biển Đông 2015: Thái độ chống Trung Quốc gia tăng trong ASEAN
- Biển Đông: Nước cờ TQ và nỗi lo ASEAN mất phương hướng
- VN phản bác phát biểu của ông Tập Cận Bình về Biển Đông
Trả lời