Tương lai của Syria: Đất nước bị chia cắt ?
Về quốc tế chủ đề được bình luận, phân tích nhiều hôm nay vẫn là tình hình chiến tranh Trung Đông, với sự năng nổ của Nga can thiệp mạnh mẽ và trở nên một tác nhân trọng yếu trong hồ sơ Syria. Trong bài « điều tra » của nhà báo George Malbrunot, tựa đề « Syria ngày mai có thể ra sao ? » Le Figaro nhìn thấy đây sẽ là quốc gia bị chia cắt. Trước mắt, trên thực tế, nhiều vùng Syria bị các nhóm, tổ chức cạnh tranh nhau kiểm soát.

Sự can thiệp ngày càng nhiều các quốc gia bên ngoài (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Iran), càng làm tăng thêm việc xé nhỏ Syria, tạo trên thực tế 4 vùng ảnh hưởng. Theo Le Figaro, trong những tháng tới đây, những người đỡ đầu cho các ‘mini quốc gia’ này sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng cho các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng cuối cùng, nếu không có thỏa thuận giữa các phe lâm chiến và những « sponsor » của họ, thì sẽ đi đến việc chia cắt đất nước, phân chia theo cộng đồng như Liban đã kinh qua sau 15 năm nội chiến.

Le Figaro nhìn thấy như sau bản đồ phân chia các vùng Syria hiện nay:

Thứ nhất là khu vực do chế độ Damas kiểm soát, thân Nga và Iran, trải dài từ vùng Đại Damas, gồm thủ đô Syria và vùng phụ cận, vươn ra đến Địa Trung Hải. Đây là khu vực mà Mátxcơva có những quyền lợi chiến lược, và có những thành phố quan trọng như Homs, Hama, và có những khu vực nằm trong Alep. Đây là nước « Syria hữu ích » mà các đồng minh của ông Assad từng khuyên ông giữ lại trong lúc thiếu quân để đương đầu với phe nổi dậy, hy sinh những vùng bị xem là « không cần thiết ».

Vùng thứ hai, phía tây bắc Syria là vùng chịu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út, có tỉnh Idlib và một phần của Alep. Phe nổi dậy đã chiếm vùng này nhờ hậu thuẫn của không những Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út mà cả Qatar. Dưới tên gọi « Quân đội Chinh phục », họ tập hợp nhiều tổ chức vũ trang, trong đó có cả quân thánh chiến al Nostra.

Trong hàng ngũ thánh chiến có cả người Tchetchenya, Uzbekistan, Tadjikistan… Không lạ là Nga đã cho oanh kích vào các lực lượng này.

Vùng thứ 3 là vùng người Kurdisstan ở phía bắc, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Và thứ tư là vùng trong tay Daesh – Tổ chức Nhà nước Hồi giáo bao trùm phía bắc và đông Syria. Daesh đang tìm cách vươn xuống Damas. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo kiểm soát như thế phần lớn các mỏ dầu hỏa.

Le Figaro nêu câu hỏi một sự chia cắt toàn bộ Syria còn có thể tránh được không ? Theo tờ báo, nếu nhìn tính toán chiến lược của các người đứng sau lưng các phe lâm chiến, như Nga, Iran, Ả Rập Xê Út, thì có lẽ không dễ.

Syria: Vai trò không thể bỏ qua của Nga

Muốn kềm hãm tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã chiếm đa phần lãnh thổ Syria, và vãn hồi hòa bình tại đây, thì không thể bỏ qua Matxcơva, tuy phương Tây vẫn bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria al Assad mà Tổng thống Nga vẫn muốn duy trì.

Trên vấn đề này Le Monde trở lại cuộc gặp giữa hai tổng thống Pháp Nga thứ Sáu vừa qua, và ghi nhận trong hàng tựa trang nhất: « Tại điện Elysée, trao đổi « thẳng thắn » với Putin. Tờ báo nêu lại là Putin tái khẳng định hậu thuẫn đối với chế độ Assad, còn Tổng thống Hollande thì nói rõ là « tương lai của Syria thông qua sự ra đi của ông Assad ».

Ở mục bình luận, tờ báo tự hỏi trong tình hình này thì còn có thể nói đến liên minh thế giới chống lại Daesh hay không ? Theo chuyên gia François Géré, Viện phân tích chiến lược IFAS của Pháp, có thể hợp tác với Nga, nhưng liên minh thì khó thể và cũng nguy hiểm.

Le Figaro cũng nhìn thấy khó liên minh được với Nga. Tờ báo cũng trích lời tổng thống Pháp đã khẳng định Putin « không phải là đồng minh của chúng ta ở Syria ».

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề