Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Cha mẹ và tôi đến Tel Aviv một vài tháng trước khi Thế chiến II bắt đầu. Những thành viên còn lại trong đại gia đình của chúng tôi – gồm ba người ông và bà của tôi, bảy anh chị em của mẹ tôi, và năm người anh em họ của tôi – thì vẫn ở Ba Lan. Sau đó, tất cả họ đều bị sát hại trong Thảm sát Holocaust.
Tôi về thăm lại Ba Lan nhiều lần, nhưng luôn cảm thấy nơi này thiếu vắng sự hiện diện của người Do Thái. Những cuốn sách và bài viết của tôi được dịch sang tiếng Ba Lan. Bản thân tôi từng giảng bài tại Đại học Warsaw và Đại học Jagiellonian ở Krakow. Gần đây tôi còn được bầu làm một thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Ba Lan. Mặc dù tiếng Ba Lan của tôi không được tốt, lịch sử và văn hóa của đất nước này vẫn chẳng hề xa lạ với tôi.
Vì những lý do này mà tôi hiểu được tại sao chính phủ Ba Lan gần đây lại đưa ra dự luật xem xét lại các vấn đề lịch sử. Nhưng tôi cũng rất tức giận [vì điều đó].
Có thể hiểu được tại sao người Ba Lan xem mình là nạn nhân chủ yếu của Đức Quốc xã. Bởi không có nước nào bị chiếm đóng ở châu Âu lại phải chịu hoàn cảnh tương tự. Ba Lan là quốc gia duy nhất, dưới sự chiếm đóng của Đức, đã phải giải tán chính phủ và quân đội, cũng như đóng cửa các trường học và đại học. Thậm chí đến cái tên “Ba Lan” cũng bị xóa khỏi bản đồ thế giới. Giống hệt như khi Ba Lan bị Nga và Phổ chia nhau hồi thế kỷ 18, Hiệp ước Molotov-Ribbentrop (1939) đã dẫn đến việc Liên Xô chiếm đóng miền đông Ba Lan sau sự xâm lược của quân Đức. Chẳng còn một dấu vết nào của chính quyền Ba Lan.
Chính phủ Ba Lan và toàn bộ các thể chế của nó đã bị phá hủy hoàn toàn, biến nước này trở thành địa điểm lý tưởng cho các trại diệt chủng của phát xít Đức, nơi sáu triệu công dân Ba Lan – ba triệu người Do Thái và ba triệu người Ba Lan – đã bị sát hại. Trong khi đó, ở những nước châu Âu khác mà Đức kiểm soát, Đức Quốc xã đã phải đối phó, đôi khi với những cách vô cùng phức tạp, với các chính quyền địa phương, một phần vì lý do chiến thuật.
Đây là lý do tại sao Ba Lan đã đúng khi nhấn mạnh rằng chúng ta không nên gọi các trại này là “trại diệt chủng Ba Lan” (ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng nhầm lẫn như vậy.) Vì chúng là các trại diệt chủng của Đức, đặt tại Ba Lan.
Nhưng chính phủ Ba Lan đương nhiệm lại đang mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khi cố gắng hình sự hóa việc nhắc tới khái niệm “trại diệt chủng Ba Lan.” Chỉ có các chế độ phi dân chủ mới sử dụng phương thức đó, thay vì dựa vào công luận, làm sáng tỏ lịch sử, qua các liên lạc ngoại giao, và giáo dục.
Dự luật của chính phủ thậm chí còn đi xa hơn: họ coi bất kỳ việc đề cập nào đến vai trò của người Ba Lan trong Thảm sát Holocaust đều là tội phạm hình sự. Dự luật này cũng đề cập đến những gì gọi là “sự thật lịch sử” liên quan đến vụ thảm sát người Do Thái trong chiến tranh tại thị trấn Jedwabne do những láng giềng người Ba Lan của họ gây ra.
Khi sử gia Jan Gross công bố nghiên cứu của ông, chứng minh rằng người Ba Lan chứ không phải người Đức, đã thiêu sống hàng trăm người Do Thái ở Jedwabne, đất nước Ba Lan tự nhiên bị một cuộc khủng hoảng lương tâm nghiêm trọng. Hai vị Tổng thống Ba Lan, Aleksander Kwasniewski và Bronisław Komorowski, đã công nhận những phát hiện này và công khai xin các nạn nhân tha thứ. Komorowski đã nói, “ngay cả trong đất nước của các nạn nhân, dường như vẫn có những kẻ giết người.” Thế nhưng, giờ đây nhà chức trách Ba Lan lại cho rằng vấn đề này phải được xem xét lại, thậm chí họ còn kêu gọi khai quật các ngôi mộ tập thể.
Quan điểm và tư tưởng của chính phủ là vấn đề nội bộ của Ba Lan. Nhưng nếu họ tìm cách che đậy hoặc phủ nhận khía cạnh “có vấn đề” của lịch sử Ba Lan, thì ngay cả những người đồng cảm với nỗi đau của Ba Lan cũng có thể nêu lên những câu hỏi mà do sự thừa nhận những đau khổ khủng khiếp của người Ba Lan nên đến giờ vẫn đang bị bỏ qua. Những câu hỏi này không phải là vặt vãnh hay chỉ hướng đến hành vi cá nhân. Chúng ám chỉ đến những quyết định của quốc gia.
Câu hỏi đầu tiên liên quan đến thời điểm xảy ra cuộc Khởi nghĩa Warsaw vào tháng 8/1944. Người Ba Lan đã chỉ ra một cách chính xác rằng Hồng Quân Liên Xô, vốn dĩ đã áp sát sông Vistula, đã không giúp đỡ quân Ba Lan và thực sự đã để cho người Đức đàn áp cuộc nổi dậy mà không gặp phải cản trở nào. Đây một trong những hành động đáng xấu hổ nhất của Stalin.
Nhưng tại sao quân đội ngầm của Ba Lan (Armia Krajowa – AK, hay Home Army), do chính phủ Ba Lan lưu vong tại London kiểm soát, lại nổi dậy vào thời điểm đó, khi quân Đức đã rút lui, miền đông Ba Lan đã được giải phóng, và Hồng Quân đang chuẩn bị tiến vào giải phóng Warsaw? Lời giải thích chính thức từ phía Ba Lan nói rằng đây là cuộc nổi dậy chống lại quân Đức, nhưng đồng thời cũng là một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Liên Xô, nhằm đảm bảo rằng quân đội Ba Lan chứ không phải Liên Xô sẽ giải phóng Warsaw.
Điều đó có thể giải thích (mặc dù rõ ràng là không công bằng lắm) về việc Liên Xô từ chối giúp đỡ người Ba Lan. Thế nhưng, một câu hỏi khác lại nổi lên: Tại sao AK lại chờ đợi tới hơn bốn năm mới đứng lên chống lại sự chiếm đóng của Đức? Tại sao họ không ngăn cản thảm họa diệt chủng ba triệu người Do Thái và tất cả các công dân Ba Lan, hay là tham gia vào cuộc khởi nghĩa của người Do Thái ở Khu ổ chuột Warsaw (Warsaw Ghetto, nơi người Do Thái được đưa vào sống tập trung ở một số khu vực của thành phố) – vào tháng 4/1943?
Chúng ta đôi khi được nghe những tranh luận về việc AK đã gửi – hoặc không gửi – bao nhiêu súng ống cho quân nổi dậy ở khu ổ chuột này. Nhưng đó không phải là vấn đề. Quân Đức đã mất hàng tuần mới có thể dập tắt được Khởi nghĩa Khu ổ chuột Warsaw; trong khi đó, ở bên ngoài khu ổ chuột (“Aryan side”[1]), người Ba Lan đã biết hết mọi chuyện, nhưng họ không làm gì cả.
Chúng ta không thể biết kết quả sẽ như thế nào nếu AK tham gia khởi nghĩa cùng người Do Thái – không chỉ ở riêng Warsaw mà là trên toàn bộ đất nước Ba Lan đang bị chiếm đóng, nơi có hàng ngàn thành viên quân đội đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc nổi dậy. Điều chắc chắn là quân phát xít sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi đàn áp các khu ổ chuột. Hơn nữa, việc tham gia vào cái được coi là “cuộc nổi dậy của người Do Thái” sẽ là bằng chứng mạnh mẽ cho tình đoàn kết với những người Ba Lan gốc Do Thái. Điểm mấu chốt ở đây là người ta có thể chất vấn một cách hợp pháp việc nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của quyết định bắt đầu một cuộc nổi dậy nhằm ngăn chặn Liên Xô giải phóng Warsaw, trong khi làm ngơ không ngăn chặn việc thảm sát ba triệu người Ba Lan gốc Do Thái, cũng như không tham gia cuộc nổi dậy của các khu ổ chuột.
Điều này lại làm dấy lên một câu hỏi khác mà lâu nay vẫn bị quên lãng. Tính đến tháng 3/1939, chính phủ Anh và Pháp đã hiểu rằng việc nhân nhượng Hitler đã thất bại: sau khi tiêu diệt Tiệp Khắc, Đức Quốc xã đã chuyển sang nhắm vào Ba Lan. Trong mùa xuân đó, Anh và Pháp đã phải đưa ra một cam kết bảo vệ Ba Lan trước cuộc xâm lược của Đức.
Đồng thời, phía Liên Xô cũng đề nghị với người Anh và người Pháp lập ra một mặt trận thống nhất ngăn chặn Đức xâm lược Ba Lan – nỗ lực đầu tiên để phát triển một liên minh giữa Liên Xô và phương Tây nhằm chống phát xít. Vào tháng 8/1939, một phái đoàn quân sự Anh-Pháp đã đến Moskva, nơi người đứng đầu phái đoàn Liên Xô, Bộ trưởng Quốc phòng Kliment Voroshilov, đã hỏi họ một câu đơn giản: Liệu chính phủ Ba Lan có đồng ý cho quân đội Xô Viết tiến vào Ba Lan, vốn là điều cần thiết để đẩy lùi một cuộc xâm lược của Đức?
Sau nhiều tuần suy nghĩa, cuối cùng phía Ba Lan đã từ chối. Khi được hỏi, một bộ trưởng trong chính phủ Ba Lan đã trả lời: “Nếu quân đội Liên Xô vào Ba Lan, ai mà biết lúc nào họ mới chịu rời đi?” Cuộc đàm phán Anh-Pháp-Xô sụp đổ, và một vài ngày sau đó, Hiệp ước Molotov-Ribbentrop đã được ký.
Người ta có thể hiểu được tại sao Ba Lan lại hành động như vậy: sau khi giành được độc lập vào năm 1918, người Ba Lan đã rơi vào một cuộc chiến tranh tàn bạo với Hồng Quân, vốn đã sẵn sàng để chiếm Warsaw. Nhờ có sự hỗ trợ của quân đội Pháp mà họ mới có thể đẩy lùi người Nga và bảo vệ nền độc lập của mình. Thế nên vào năm 1939, có thể hiểu rằng Ba Lan sợ Liên Xô còn hơn sợ Đức Quốc xã.
Không một ai có thể biết liệu rằng Ba Lan có thể tránh được sự chiếm đóng của Đức nếu họ đồng ý cho Hồng Quân đổ bộ vào nước mình hay không, cũng như chẳng ai biết liệu rằng Thế chiến II hay Holocaust có thể được ngăn chặn nếu Ba Lan làm điều đó? Nhưng cũng hợp lý khi cho rằng chính phủ đã thực hiện một lựa chọn định mệnh và thảm khốc nhất trong lịch sử Ba Lan. Bằng cách này hay cách khác, lập trường của chính phủ Ba Lan đã khiến Hiệp ước Molotov-Ribbentrop được ký, và cuộc Khởi nghĩa Warsaw năm 1944 đã khiến thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Lập luận này không nên bị xem là một nỗ lực đổ lỗi cho các nạn nhân. Tội lỗi cả về mặt đạo đức và lịch sử đều thuộc về Đức Quốc xã, và song song với đó là Liên Xô. Nhưng nếu chính phủ Ba Lan muốn xét lại lịch sử, thì những vấn đề rộng hơn cũng phải được giải quyết. Một quốc gia và các nhà lãnh đạo của nó phải chịu trách nhiệm cho hậu quả từ những quyết định của mình.
Mới đây, tôi đã đến thăm POLIN, một bảo tàng Do Thái ở Warsaw, nơi được khởi xướng xây dựng bởi Tổng thống đương thời Kwasniewski. Tôi đã ấn tượng sâu sắc không chỉ bởi sự phong phú và cách trình bày các tài liệu, mà còn bởi sự tinh tế và chân thực về lịch sử của toàn bộ dự án này. Cuộc triển lãm đã thể hiện một cách rõ ràng rằng: không có người Do Thái, Ba Lan sẽ không phải là Ba Lan.
Tuy nhiên, bảo tàng cũng cho thấy mặt đen tối hơn trong những đan xen lịch sử này, đặc biệt là sự xuất hiện của Đảng Dân chủ Quốc gia bài Do Thái và theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan do Roman Dmowski lãnh đạo vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Một người bạn không phải người Do Thái khi đến triển lãm này cùng tôi đã nói: “Giờ là lúc xây dựng một bảo tàng Ba Lan, với những tiêu chuẩn tương tự.”
Bạn tôi đã đúng. Nhưng chính phủ hiện tại của Ba Lan lại đang đi theo một con đường sai lầm và thiếu khôn ngoan. Như chính người Đức đã cho chúng ta thấy, cách tốt nhất để Ba Lan bảo vệ mình là đối mặt, dù khó khăn, với sự thật lịch sử.
Shlomo Avineri là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Do Thái ở Jerusalem và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Israel. Ông từng là Tổng Vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Israel dưới thời Thủ tướng Yitzhak Rabin. Cuốn sách gần đây nhất của ông là “Theodor Herzl and the Foundation of the Jewish State.”
Copyright: Project Syndicate 2016 – Poland’s Crime Against History
—————–
[1] Aryan side: Những phần còn lại của thành phố, bên ngoài các khu ổ chuột, được gọi là Aryan. Tên gọi này bắt nguồn từ việc bất kỳ ai sống bên ngoài các khu ổ chuột đều phải có giấy tờ chứng minh họ không phải là người Do Thái, mà là người Aryan (tức người Đức).
– See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/09/22/toi-ac-chong-lai-lich-su-cua-ba-lan/#sthash.3wDugN6O.dpuf
Trả lời