Tại sao Mỹ chỉ “đặt một chân” ở khủng hoảng Ukraine?

Hiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bị chỉ trích vì “thờ ơ” với cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, đó có thể là chính sách đúng đắn, bảo vệ tốt nhất các lợi ích của Mỹ.

Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine diễn ra đã gần một năm, khiến khoảng 6000 người thiệt mạng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nặng nề bởi các cuộc giao tranh.

Trong khi đó, tờ Washington Post cho rằng, bất chấp những hành động mạnh mẽ của Nga ở Ukraine, Mỹ vẫn chưa có động thái gì đáng kể đối với cuộc xung đột này. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao lại như vậy?

Ông Yuval Weber, một chuyên gia về Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia thuộc Trường Đại học Kinh tế ở Moscow và cộng sự Andrej Krickovic đã thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn chuyên gia để hiểu rõ hơn về các mối quan tâm chiến lược của Nga.

Yuval Weber khẳng định, kết quả cho thấy chính sách hiện tại của Mỹ có thể là chính sách đáp ứng tốt nhất các lợi ích về đối ngoại của Mỹ bằng cách không để cho Nga có được một cuộc chiến mà nước này hiện đang mong muốn.

Ông Weber và ông Krickovic khẳng định các cuộc phỏng vấn cho thấy rằng cuộc chiến ở Ukraine là dấu hiệu thể hiện sự không hài lòng của Moscow đối với trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh.

Ông Evgeny Lukyanov, Phó Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Nga, nói: “Chúng tôi cần phải ngồi với Mỹ và đàm phán lại toàn bộ những thỏa thuận sau Chiến tranh Lạnh”.

Các chuyên gia cũng nói thêm, việc để mất Ukraine sẽ đe dọa trực tiếp tới khả năng theo đuổi hội nhập Á – Âu, trọng tâm trong chiến lược lớn hơn của Nga về việc phát triển một khối liên minh Á-Âu (thông qua việc củng cố Liên minh Kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập Thể ) nhằm chống lại thế đơn cực của Mỹ và cạnh tranh trong thế giới đa cực mà Nga hy vọng có thể trở thành một quốc gia nổi bật.

Cũng theo Yuval Weber và Krickovic, qua các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia, họ cũng thấy rằng Nga đang tìm kiếm một điều kiện để mặc cả với Mỹ trong việc xác định rõ vai trò của Mỹ ở trật tự quốc tế đa cực đó cũng như đưa ra những giới hạn đối với hành động của Mỹ để Washington trở nên dễ đoán hơn và dừng việc có những hành động “vượt quyền” của mình.

Ba nguyên tắc của điều kiện mặc cả giúp đảm bảo an ninh Nga bao gồm một hiệp ước an ninh tập thể ràng buộc Nga, Mỹ và các quốc gia hàng đầu châu Âu; một cơ quan ra quyết định siêu quốc gia mà Thủ tướng Dmitry Medvedev đã từng đề xuất nhằm kết thúc sự thống trị của NATO ở châu Âu; và “Học thuyết Monroe” cho không gian hậu Xô Viết.

“Học thuyết Monroe” cho không gian hậu Xô Viết có nghĩa là các nước khác không can thiệp vào các vấn đề thuộc các nước hậu Xô Viết hay các quốc gia Châu Âu hãy tránh xa không gian hậu Xô Viết.

Ý tưởng này phù hợp với đề xuất “lãnh đạo tập thể” của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp Câu lạc bộ Valdai (nhóm các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu nước Nga) hồi tháng 10/2014.

Theo Washington Post, những lập luận trên giải thích rất rõ động thái hiện tại của Nga ở Ukraine. Đó có lẽ là lý do khiến Tổng thống Obama do dự hay nói đúng hơn là không hành động gì đáng kể ở Ukraine.

Hơn nữa, việc đối đầu với Nga ở Ukraine có thể khiến cuộc xung đột leo thang tới mức Mỹ không thể giải quyết bằng một cái giá chấp nhận được.

Chính sách trên của Mỹ khiến ông Obama phải chịu những chỉ trích đáng kể cả ở trong nước và quốc tế, nhưng nó có thể đảm bảo cho Mỹ một vị thế mạnh mẽ hơn đối với Nga trong tương lai.

 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ và hãng tin Russia Today (RT) của Nga.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Nguyen Hong giới thiệu


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề