Xây dựng thương hiệu gạo VN phải gắn với chuỗi giá trị, đảm bảo sự phát triển bền vững để tiếp cận vào phân khúc thị trường chất lượng cao…
Sáng 20-10, tại hội nghị triển khai đề án phát triển thương hiệu gạo VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng việc chưa có thương hiệu gạo Việt đã ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu gạo VN.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết VN hiện là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ ba trên thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ, với sản lượng xuất khẩu từ 6 – 8 triệu tấn/năm, mang về cho đất nước 3 – 3,7 tỉ USD. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một thương hiệu quốc gia cho gạo VN là không thể chấp nhận được.
Gạo Việt “đội lốt” gạo Thái
Ông Nam bức xúc cho biết trong những lần tham dự hội chợ lương thực quốc tế tại nhiều nước, ông không thấy bóng dáng sản phẩm gạo mang thương hiệu VN, trong khi các doanh nghiệp khẳng định có gạo Việt nhưng lại “đội lốt” dưới nhãn mác gạo Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí là gạo đặc sản Campuchia.
Trong khi đó, theo ông Nam, chính yếu tố thương hiệu mới quyết định giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của gạo Việt, chứ không phải yếu tố giá cả như quan niệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lâu nay.
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng thiếu vắng thương hiệu gạo Việt là do quy mô sản xuất lúa gạo của VN còn nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng lúa gạo không đồng đều do nông dân sử dụng nhiều loại giống, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế…
Đặc biệt, theo ông Phạm Thái Bình – giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), không chỉ thiếu thương hiệu, văn hóa kinh doanh xuất khẩu lúa gạo của một số doanh nghiệp Việt cũng có vấn đề, chỉ chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào chứ không quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu.
“Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chờ đến lúc lúa thu hoạch rộ, giá thấp để thu gom rồi xuất khẩu với giá thấp, chứ chẳng quan tâm chuyện xây dựng thương hiệu”, ông Bình nói. Do đó, ông Bình cho rằng đến giờ này mới có đề án phát triển thương hiệu gạo Việt là đã quá muộn, nhưng “muộn còn hơn không”.
5 dự án xây dựng thương hiệu gạo Việt
Ông Nam cho rằng mục tiêu của đề án là đến năm 2020 phải xây dựng được thương hiệu gạo VN gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống, chất lượng sản phẩm và lợi thế của VN. Thương hiệu này sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại VN và ít nhất là 50 quốc gia khác. Hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo quốc gia.
Theo đó, các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo VN tham gia trực tiếp chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2020. Đến năm 2030, phải xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo VN trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm với 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo VN.
Để thực hiện đề án này, Bộ NN&PTNT đã xây dựng năm dự án trọng điểm với tổng kinh phí khoảng 171 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và sẽ được phân bổ theo phân kỳ thực hiện từng hợp phần, từng giai đoạn cụ thể.
Theo đó, năm dự án trọng điểm gồm: xây dựng và quản lý thương hiệu quốc gia gạo VN, quảng bá thương hiệu gạo VN, xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm mang thương hiệu gạo VN…
* Bà Lê Thị Bích Thu (Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT): Phải gắn với chuỗi giá trị
Xây dựng thương hiệu gạo VN phải gắn với chuỗi giá trị, đảm bảo sự phát triển bền vững để tiếp cận vào phân khúc thị trường chất lượng cao, trên cơ sở duy trì và giữ vững các thị trường truyền thống.
Thương hiệu quốc gia gạo VN chính là sự khẳng định, cam kết của VN về giá trị, đặc tính và những yếu tố về sản phẩm nhằm xác định, duy trì lòng tin của người tiêu dùng. Thương hiệu gạo VN chính là sự định vị, tạo dựng hình ảnh gạo VN được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại.
* Ông Huỳnh Minh Huệ (tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN): Nên chọn giống Jasmine
Để sản xuất gạo mang thương hiệu quốc gia VN nên chọn giống lúa jasmine (giống thuần chủng). Bởi giống lúa này cho ra hạt gạo chất lượng cao, hạt dài, dẻo, thơm, tỉ lệ phần trăm tấm 5% đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, thời gian canh tác ngắn ngày và cho năng suất cao.
Với hai yếu tố là chất lượng cao, có thể sản xuất quy mô lớn và ổn định thời gian dài, theo tôi, giống jasmine thích hợp nhất để xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Lan Hương (Theo Tuổi trẻ)
- Nông sản Việt Nam 'mê hoặc' người Nga
- Người Việt ăn gạo... Campuchia
- Gạo Việt, chè Việt: Chật vật tồn tại, thời gian đâu mà nghĩ tới làm thương hiệu
- Khi 3 tỷ USD xuất khẩu gạo đem... uống bia hết
- Người giỏi ra nước ngoài hết, lấy ai phát triển đất nước?
- Nghịch lý hạt gạo Việt: 70% lợi nhuận thuộc về thương lái, cò lúa và doanh nghiệp
Trả lời