Thói quen 
xài tiền ngân sách

Tổng thu 190 tỉ đồng, chưa đạt 15% so với tổng chi là 1.757 tỉ; đó là một tỉ lệ quá thấp so với nhiều nước chủ nhà SEA Games. Và đây là câu chuyện đáng để suy nghĩ…

SEA Games 2021 tổ chức tại Việt Nam là điều không có gì phải bàn cãi, vì đây là sân chơi mà các nước thành viên ASEAN phải luân phiên gánh vác.

Cách đây vài tháng, có một cuộc bàn luận là SEA Games 2021 nên tổ chức ở đâu, thì xét về lý, TP.HCM là nơi đáng ưu tiên.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nên đành phải chấp nhận tổ chức tiếp tại Hà Nội, vì nếu tổ chức ở TP.HCM sẽ tốn nhiều tiền hơn do phải xây mới một sân vận động chính cả 100 triệu USD.

Mới nhất, Bộ VH-TT&DL đã có dự án về kinh phí tổ chức SEA Games 2021 với tổng chi 1.757 tỉ đồng – tương đương 78 triệu USD ở thời điểm hiện tại (không tính chi phí đào tạo VĐV vì đây là khoản phải chi cho việc tham gia SEA Games 2021 dù VN không tổ chức) và tổng thu là 190 tỉ đồng.

Xét về phần tổng chi, phải nói rằng nếu các cơ quan chức năng cam kết xài đúng con số dự báo thì đã là điều đáng mừng! Bởi, so sánh với các kỳ SEA Games gần đây thì phần tổng chi dự trù của SEA Games 2021 quá nhẹ nhàng.

Ví dụ, Singapore chi gần 300 triệu USD cho SEA Games 2015, Myanmar tốn hơn 400 triệu USD cho SEA Games 2013, Indonesia tốn 232 triệu USD cho SEA Games 2011, Lào chi 95 triệu USD cho SEA Games 2009…

Tuy nhiên, ở phần tổng thu thì rất đáng bàn.

Hôm qua, phóng viên Tuổi Trẻ liên lạc qua điện thoại với ông Lim Teck Yin – giám đốc điều hành Tổng cục TDTT Singapore kiêm trưởng ban tổ chức SEA Games 2015 (SINGSOC) – được ông này cho biết tổng kinh phí tổ chức SEA Games 28 vào khoảng 300 triệu USD.

Trong đó, họ huy động được tài trợ khoảng 50 triệu USD trước thềm SEA Games.

Những nguồn thu xã hội hóa khác giúp cho tổng số tiền tài trợ mà ban tổ chức SEA Games 28 nhận được khoảng 90 triệu USD, cộng thêm tiền bán vé và bản quyền truyền hình thì con số này vào khoảng 100 triệu USD.

Tức SINGSOC thu lại khoảng 33% kinh phí tổ chức SEA Games. Ông Lim cũng cho biết những con số nói trên chỉ là thống kê trong khuôn khổ thể thao, còn nguồn thu lớn nhất vẫn thuộc về du lịch.

Nói về tỉ lệ tổng thu đạt 33% so với tổng kinh phí tổ chức mà ông Lim cho biết, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam – xác nhận:

“Trong tất cả các kỳ SEA Games mà tôi biết, các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia đều đạt tỉ lệ từ 30 – 35% giữa thu với chi. Trong đó, tỉ lệ được ghi nhận cao nhất là 35% đối với Malaysia vào năm 2001”.

Tại sao việc huy động nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực thể thao lại kém như thế? Ông Nguyễn Hồng Minh thú nhận: “Anh em cán bộ ngành thể thao chỉ quen xài tiền ngân sách thôi.

Chính vì thế, trong ngành mới có câu “có thẳng xài thẳng, có cong xài cong”, còn không có thì chịu chết chứ chẳng mấy ai làm tốt được việc vận động nguồn lực xã hội”.

Để thay đổi thói quen tai hại này, không thể chỉ nói khơi khơi được mà phải thay đổi từ gốc, đó là tính toán lại bộ máy quản lý thể thao, sao cho phần nhà nước ngày càng giảm bớt và phần xã hội – Ủy ban Olympic quốc gia cùng các liên đoàn – ngày càng phát triển, đi vào thực chất chứ không phải xã hội hóa giả hiệu như bao lâu nay.

Trí Lê (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Thói quen 
xài tiền ngân sách”:

  1. nguyen ha viết:

    Bao nay toan viet khong co co. Viet bay ba

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề