Trong một thông điệp đăng trên website ngày 26/12, quân Taliban tại Afghanistan đã phủ nhận nguồn tin cho rằng họ « cần sự trợ giúp của bất kỳ ai về vấn đề tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chúng tôi không có bất kỳ mối liên lạc, hay bất kỳ cuộc trao đổi nào về chủ đề này ».
Trước đó, ngày 23/12, phát biểu với hãng tin Interfax, ông Zamir Kaboulov, lãnh đạo phụ trách về các vấn đề Afghanistan thuộc Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định: « Lợi ích của phiến quân Taliban khách quan trùng hợp với mục tiêu của Nga. Trước đây, tôi đã từng nói là chúng tôi có những kênh riêng để trao đổi thông tin với quân Taliban ».
Từ cuối tháng 9 vừa qua, Nga đã tiến hành nhiều trận oanh kích tại Syria nhắm vào « các nhóm khủng bố », trong đó có cả Daech. Nhóm thánh chiến cực đoan theo hệ phái Suni trở thành kẻ thù chung của cả Matxcơva và quân Taliban.
Dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang có mặt tại miền đông Afghanistan, phe Taliban khẳng định rằng kẻ thù của họ « hiện chỉ có mặt tại một tỉnh (Nangarhar, giáp với Pakistan) trong tổng số 34 tỉnh và chưa phải lo lắng về vấn đề này ».
Chiến binh tự nhận thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan thường là cựu quân nhân của Taliban. Những người này bất mãn về việc ban lãnh đạo phong trào chỉ mới công bố hồi mùa hè năm 2015 cái chết của Giáo sĩ Omar, trong khi thủ lĩnh hàng đầu của Taliban đã chết từ năm 2013.
Phiến quân Taliban hình thành từ sau khi chế độ Afghanistan sụp đổ vào năm 2001. Trái với tổ chức Nhà nước Hồi giáo hiện đang kiểm soát nhiều vùng đất rộng lớn tại Irak và Syria, quân Taliban hạn chế hoạt động của họ ở khu vực biên giới Afghanistan.
RFI tiếng Việt
Trả lời