Sa thải hàng loạt: Đòn phương Tây ngấm tới nhân dân Nga

Ngày 29/1, một công ty con của hãng bia Carlsberg tại Nga đã thông báo đóng cửa nhà máy.

Hãng sản xuất xe hơi của Pháp Renault cũng dự tính sa thải 1.400 nhân công tại Nga trong thời gian tới. Hiện tỷ lệ thất nghiệp chính thức là trên 5%.

Khủng hoảng, trừng phạt của phương Tây và giá dầu thô giảm đã ngấm sâu tới các tầng lớp lao động Nga.

Các chỉ số của kinh tế Nga gần đây cũng khá đáng ngại: đồng ruble trượt giá mạnh, lạm phát tiếp tục gia tăng, tiêu thụ giảm, lãi suất cơ bản ở mức cao (15%) nên khó mà trả hết nợ và đảm bảo chi tiêu. Đó là chưa kể đến các lệnh trừng phạt của phương Tây gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường vốn.

Ngày 30/1, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) bất ngờ ra tuyên bố hạ lãi suất chủ chốt từ 17% xuống 15%. Quyết định này ngay lập tức đẩy đồng ruble giảm giá mạnh.

Việc giá đồng nội tệ giảm 50% kể từ mùa Hè năm 2014 đã góp phần đẩy lạm phát tại Nga lên mức cao trong thời gian qua.

Ngay sau động thái hạ lãi suất của BoR, đồng ruble đã giảm xuống khoảng 80 ruble đổi 1 euro và giảm trên 2%, xuống còn khoảng 71 ruble đổi 1 USD, chốt phiên giao dịch ngày 30/1.

Trong khi đó, ngày 28/1, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng các cú sốc bên ngoài, bao gồm cả việc giá dầu giảm, sẽ khiến kinh tế Nga thiệt hại tới 200 tỷ USD.

Ông Siluanov cho hay giá dầu thấp sẽ làm tăng thêm sức ép đối với tỷ giá đồng ruble và lạm phát, dự kiến có thể lên tới 12,5% trong tháng 1/2015. Theo dự đoán chính thức, lạm phát của Nga sẽ ở mức 7,5% năm 2015.

Ngoài ra, ông Siluanov cũng cảnh báo Quỹ tài sản quốc gia và Quỹ dự trữ quốc gia của Nga sẽ cạn kiệt trong vòng 1,5-2 năm tới nếu mức chi tiêu ngân sách vẫn không giảm.

Chính vì vậy, mà tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P) quyết định hạ điểm tín nhiệm của Nga về BB+, ngang với các quốc gia như Bulgaria và Indonesia.

Triển vọng mà S&P dành cho điểm số tín nhiệm này của Nga là “tiêu cực”, đồng nghĩa với khả năng bị cắt giảm tiếp trong thời gian tới, nếu tình hình kinh tế Nga không có sự chuyển biến tích cực.

Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, Nga bị gán định hạng tín nhiệm dưới mức khuyến nghị đầu tư.

Dòng tiền

Một khó khăn thách thức khác, Nga đang phải đối đầu, đó là, theo số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Nga, dòng vốn chảy khỏi Xứ sở Bạch dương trong năm 2014 đã tăng lên mức kỷ lục 151,5 tỷ USD, cao gần gấp ba lần con số 61 tỷ USD của năm 2013.

Dòng vốn chảy khỏi Nga có xu hướng “nhanh dần đều” theo từng quý trong năm 2014 và tăng lên 72,9 tỷ USD trong quý 4/2014.

Trong thời gian qua, Ngân hàng trung ương Nga đã phải tăng lãi suất sáu lần.

Có nhiều dự đoán rằng năm 2015, kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái.

Nguồn: Đất Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề