Rúng động lừa bán tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam

Tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam bị lừa bán cho Quỹ đầu tư ở Qatar. Vụ việc đang gây chấn động Hàn Quốc.

Nhật báo Joongang, một trong 3 tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, ngày 15/5 hé lộ vụ lừa đảo bán tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam cho Quỹ đầu tư Qatar. Vụ việc gây chấn động dư luận Hàn Quốc bởi thủ phạm vụ lừa đảo này lại chính là cháu trai của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon.

Bahn Joo-hyun, Giám đốc điều hành một công ty bất động sản tại New York (Mỹ), đã bị bắt vì liên quan đến vụ lừa bán tòa nhà 72 tầng cao nhất Việt Nam do tập đoàn Keangnam xây dựng. Chủ tịch tập đoàn, ông Sung Wan Jong gần đây đã treo cổ tự tử để lại mảnh giấy có ghi tên những quan chức ông từng đưa hối lộ.

Theo điều tra của nhóm phóng viên tờ Joonggang, Bahn Joo-hyun đã đưa cho lãnh đạo Keangnam lá thư gửi từ Quỹ đầu tư ở Qatar khẳng định thương vụ mua bán đang tiến triển tốt và chỉ chờ sự phê chuẩn của ban lãnh đạo.

Nhật báo Jonogang cho biết ông Ban Ki-sang, em trai của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon, là cố vấn cao cấp của Tập đoàn Keangnam trong 7 năm và đã giới thiệu con trai mình là Bahn Joo-hyun khi biết Tập đoàn muốn bán tòa nhà tại Việt Nam. Khi ông Ban Ki-sang thông báo rằng Quỹ đầu tư Qatar quan tâm tới tòa nhà này, lãnh đạo Tập đoàn Keangnam đã trao cho Bahn Joo-hyun 600 triệu won để xúc tiến thương vụ mua bán khi nhận được thư từ Quỹ đầu tư Qatar rằng họ có ý định mua tòa nhà Kenganm Landmark ở Việt Nam.

Theo Joongang, tin tưởng vào lá thư trên và đặc biệt Bahn Joo-hyun lại là cháu của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon nên tập đoàn Keangnam đã trao các tài liệu.

Thậm chí khi vụ việc bị trì hoãn, Bahn Joo-hyun đã gọi điện, gửi email cho lãnh đạo Tập đoàn khẳng định rằng Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon đã đề cập đến thương vụ này trong cuộc gặp với một nhân vật cấp cao của Qatar khiến họ tin tưởng hơn.

Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Quỹ đầu tư Qatar khẳng định lá thư được trao cho lãnh đạo Tập đoàn Keangnam hoàn toàn là giả, thậm chí giả cả chữ ký và họ cũng không biết đến Keangnam. Lãnh đạo Quỹ đầu tư Qatar cho biết thêm rằng Bahn cũng đã gửi email cho họ nhưng họ đã từ chối và không còn liên lạc với Bahn từ lâu.

Trước đó, vào ngày 8/4, một ngày trước khi tự tử, Chủ tịch Keangnam, ông Sung Wan Jong tổ chức họp báo tại Seoul. Tại đây ông Sung còn hé lộ thương vụ bán tòa nhà Keangnam với số tiền “rất lớn”, nhưng không cho biết cụ thể bởi mọi việc đang tiến hành.

Tập đoàn Keangnam đối mặt với khoản nợ 530 tỷ won trong việc xây dựng tòa nhà Keangnam Landmark nên dẫn tới việc phải bán.

Cư dân tòa nhà Keangnam “kêu cứu”

Trong những ngày gần đây, thông tin về việc toà án Hàn Quốc rao bán toà nhà Keangnam Hanoi Landmark cao 72 tầng tại Việt Nam với mức giá gần 800 triệu USD đã gây xôn xao dư luận.

Việc này còn khiến cộng đồng dân cư sinh sống tại đây vô cùng lo lắng vì giữa họ và chủ đầu tư vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc chưa thể giải quyết. Một trong số đó là việc Keangnam có nguy cơ phá sản và mất khả năng thanh toán quỹ bảo trì 2% lên tới hơn 160 tỷ đồng. Trước nguy cơ này, ngày 8/5, Ban Quản trị Nhà Chung cư Keangnam đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính Phủ “kêu cứu.”

Theo TTXVN, văn bản ghi rõ: Theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, quỹ bảo trì 2% của tòa nhà chung cư sẽ chuyển lại cho Ban quản trị khi được thành lập để duy tu, bảo trì tòa nhà. Chung cư Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt nam có nhiều thiết bị hiện đại cần có kinh phí và quy trình bảo trì nghiêm ngặt.

Theo tính toán của Ban quản trị, quỹ bảo trì của chung cư Keangnam khi chưa tính lãi suất ngân hàng lên tới 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư chỉ đưa ra con số 125 tỷ.

“Vấn đề này, Ban quản trị đã nỗ lực làm việc và gửi 8 văn bản liên quan đến quỹ bảo trì tới chủ đầu tư, đồng thời gửi 2 công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội để yêu cầu chính quyền vào cuộc giúp cư dân. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến chỉ đạo nào,” văn bản thể hiện rõ sự bức xúc.

Cho đến tháng 12/2014, Keangnam Vina thừa nhận số tiền quỹ bảo trì đã thu được là 125 tỷ (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại) và đã sử dụng sai mục đích số tiền này.

Tháng 3/2015, Keangnam Vina gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỷ đồng và trả trong vòng 25 năm. Phương án này Ban quản trị không chấp nhận do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Trong khi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết quỹ 2% kể trên, thời gian vừa qua, người dân Keangnam đã vô cùng lo lắng trước việc báo chí Hàn Quốc đưa tin tập đoàn Keangnam có nguy cơ bị phá sản và các tài sản tại Việt Nam cũng bị rao bán. Điều này dẫn tới việc quỹ bảo trì của cư dân có khả năng bị mất.

Trước thực tế này, Ban quản trị chung cư Keangnam đã kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp Tập đoàn Keangnam bị phá sản, phải bán tòa nhà 72 tầng, Chính phủ chỉ chấp thuận chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam quỹ bảo trì này,” đại diện cư dân kiến nghị trong văn bản.

Ngoài ra, cộng đồng dân cư tại tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác quỹ bảo trì 2% để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho cư dân.

Vũ Văn (Theo Báo Giao thông)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề