Những khoảng cách an toàn

Nếu so thỏa thuận ngừng bắn ngày 12-2-2015 với thỏa thuận ngừng bắn Minsk đầu tiên ngày 19-9-2014 sẽ thấy có một điểm chung.

Đó là sẽ được giám sát bởi Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) gồm 57 quốc gia thành viên, hoạt động theo hiến chương của Liên Hiệp Quốc nhằm cảnh báo và ngăn chặn xung đột, kiểm soát khủng hoảng và tái thiết thời hậu chiến.

Thỏa thuận Minsk II đã nêu lại trách nhiệm giám sát và kiểm soát ngưng bắn cho OSCE, thể hiện việc tôn trọng tính “trung lập” của tổ chức này (chứ không phải là thân phương Tây như có thể hiểu lầm).

Điểm khác biệt rõ rệt đầu tiên giữa thỏa thuận Minsk II với thỏa thuận Minsk I là ở yêu cầu rút ra các loại vũ khí hạng nặng như là điều kiện quan trọng nhất, chứ không phải ưu tiên rút các tay súng ra trước như trong thỏa thuận Minsk I.

Khác biệt thứ hai là khoảng cách rút ra: 50km thay vì chỉ 15km đối với các hệ thống pháo cỡ 100mm hoặc lớn hơn, 70km thay vì chỉ 40km đối với các dàn phóng tên lửa, và xa 140km thay vì chỉ 120km đối với các hệ thống tên lửa Tornado-S, Uragan, Smerch MLRS và hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U.

Tại sao thỏa thuận ngưng bắn mới này lại chú trọng đến việc triệt thoái ra một khoảng cách xa hơn đối với các loại pháo và tên lửa hạng nặng như thế?

Nếu nhìn lại tình hình chiến sự trong thời gian qua tại miền đông Ukraine, có thể thấy phe ly khai ngày càng chiếm ưu thế nhờ hỏa lực pháo binh và tên lửa. Nay nâng khoảng cách rút pháo binh ra xa như thế, chứ không chỉ ở khoảng cách của tầm bắn hữu hiệu (15km cho pháo 100mm, thậm chí 120km cho tên lửa Tochka-U như theo thỏa thuận Minsk I trước đây), là nhằm tạo ra một khoảng cách an toàn hơn nữa.

Hẳn các chuyên gia đã trù liệu rằng nếu bên nào có muốn khai hỏa, sẽ phải di chuyển pháo hay tên lửa lại gần hơn trên một khoảng cách dài hơn từ 30km (cho tên lửa) đến 35km (cho pháo 100mm). Như thế vệ tinh hay máy bay không người lái hoặc rađa của OSCE sẽ dễ phát hiện các vụ vi phạm hơn. Khoảng cách “an toàn” xa như thế và khả năng phát hiện sớm hơn sẽ là một đảm bảo ngưng bắn tốt hơn.

Có phải đây là một “thắng lợi” của phía Ukraine trong cuộc đàm phán không ngủ dài 16 giờ? Hay đây là ý muốn của chính Tổng thống Nga Vladimir Putin?

Mẩu tin sau của Hãng thông tấn Nga Interfax có thể là một câu trả lời khả dĩ: “Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đã khẳng định về việc Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng ông Putin đã gây sức ép lên các lãnh đạo tự phong của Donetsk và Luhansk”.

Có phải ông Putin nay muốn dành thêm công sức cho việc giải quyết các bài toán kinh tế Nga hơn là hỗ trợ các “đồng hương” Aleksandr Zakharchenko (của Donetsk) và Igor Plotnitskiy (của Luhansk)? Nếu quả thật như thế, hi vọng thỏa thuận này sẽ bền hơn một chút.

Thêm một tia hi vọng nữa khi hôm qua, Bộ trưởng kinh tế Nga Alexei Ulyukayev đã nhanh chóng tuyên bố với báo giới rằng ông “thật sự tin tưởng” các lệnh trừng phạt sẽ sớm được dỡ bỏ vì “các bên, đặc biệt là giới doanh nghiệp, đều mệt mỏi vì chuyện cấm vận”.

Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề