‘Nhục quốc thể’ hay cơn lên đồng tập thể của người Việt ?

Ý thức về tinh thần dân tộc là một hành động đáng trân trọng song không phải chỉ là việc a dua, tích cực ném đá vào một thông tin nào đó mới được tung hê.

Ai cũng có thể gào lên “nhục quốc thể”?

Có lẽ chưa khi nào, chưa bao giờ cụm từ “nhục quốc thể” được nhắc đi nhắc lại nhiều trên mạng xã hội như thời gian gần đây.

Mặc dù, theo các chuyên gia xã hội học thì “nhục quốc thể” đối lập với cảm giác tự hào, hạnh phúc với đất nước tôi/bạn.Tuy nhiên, “quốc thể” không thuộc sở hữu cá nhân quốc thể cũng không thể nói lên tiếng nói của mình, thế nên khi người ta gắn cho “quốc thể” một nỗi “nhục” tượng trưng nào đó thì nó cũng chẳng thể lên tiếng phân bua.

Rất bức xúc vì điều này, một TS xã hội học từng có thời gian sống và làm việc tại nước ngoài phải thốt lên rằng, người Việt Nam có “nét đẹp” mà khó tìm thấy ở các nước phát triển, đó là thói… tọc mạch, săm soi và buôn chuyện. Bất cứ cá nhân bình thường hay người nổi tiếng chẳng may có lời nói hay hành vi không đẹp là ngay lập tức thành câu chuyện đàm tiếu bên quán trà đá, trong văn phòng thậm chí có khi ở cả… buồng ngủ.

Sự “ném đá tập thể” càng trở nên ồn ào hơn khi được trợ giúp bởi mạng xã hội. Bất cứ sự cố nào xảy ra là cả cộng đồng mạng dậy sóng. Bất chấp bản chất của mạng xã hội là ảo, thông tin chưa chắc là xác thực nhưng người ta vẫn hỉ hả bàn tán, hỉ hả dè bỉu, hỉ hả với những nỗi đau mà chính bản thân người mắc lỗi (có thể không) đã đang đau khổ đến tận cùng.

“Bên cạnh việc thích phán xét người khác, thì người Việt đôi khi lại hay quan trọng hóa vấn đề. Gần đây nhất là hội chứng mang tên “nỗi nhục quốc thể”. Sinh viên ăn cắp, cũng được cộng đồng mạng nêu tên: nỗi nhục quốc thể hay du khách nước ngoài bị mất đồ trên xe khách ở Việt Nam không đòi lại được cũng nhục quốc thể. Và thậm chí, việc trình bày sơ sài tại một hội chợ quốc tế cũng bị định danh: Nhục quốc thể. Ai cũng có thể rêu rao điều này, nhưng tôi tin khi hỏi thế nào là nhục quốc thể và bản thân bạn có cho rằng rằng mình không làm gì xấu mặt quốc gia hay không thì nhiều người không trả lời được” – vị Tiến sĩ (đề nghị không nêu tên) này chua chát bình luận.

Văn hóa “xấu hổ thay”

Đồng tình với quan điểm này, Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành (giảng viên trường ĐH FPT) cũng cho rằng, dường như xã hội đang mắc phải hội chứng “tự động chửi”. Điều này chỉ phản ánh bản chất của một dân tộc tự ti mà thôi.

“Nhục quốc thể đối lập với cảm giác tự hào, hạnh phúc với đất nước tôi. Nhục quốc thể là thứ chung chung, nhưng nếu ai ai cũng gào lên nhục quốc thể chẳng khác gì một cuộc lên đồng tập thể. Xã hội cứ rên xiết như vậy có làm cho đất nước thay đổi được không? Khi mà quê hương, đất nước đâu có dễ thay đổi.

Chúng ta cứ lải nhải điều này khiến cho những người không quan tâm cũng bị kéo theo,cộng hưởng. Không lạ gì, khi thời điểm này, nếu bạn vào Facebook có 10 người thì 8 người rên “nhục quốc thể”. Họ không viết trên status thì comment. Người ta cứ rên xiết, cứ gào rú vô tình đẩy cả xã hội rơi vào bi kịch, khiến chúng ta như đang cảm thấy sống trong xã hội khốn cùng” – Ths Hà Thành nhấn mạnh.

Vấn đề mấu chốt ở đây là, trên bản đồ văn hóa, thành tích về mặt đóng góp cho nhân loại của nước ta còn khiêm tốn. So với văn minh nhân loại, với các nước tiên tiến, Việt Nam còn khoảng cách khá xa. Vì thế, việc người Việt đi ra nước ngoài sẽ có những lỗi lầm là điều không tránh khỏi. Bộ môn Giáo dục công dân trong trường học giúp mỗi cá nhân nhận ra và cần phải nỗ lực… Xã hội nên giúp họ thay vì nhảy bổ vào chửi rủa.

Theo Ths. Hà Thành thì những sự việc gần đây thu hút của dư luận không cần phải khái quát hóa lên đến nhường ấy. Người Việt có cái lạ là văn hóa “xấu hổ thay” trong khi bản thân họ chưa chắc đã làm tròn bổn phận của mình. Giống như người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường nhưng lại cứ dòm một cô gái khác để bình luận hở rốn, hở ti.

“Nếu như ở nước ngoài, sự yêu nước được thể hiện bằng việc đầu tiên mỗi công dân là làm tròn bổn phận của chính cá nhân mình thì ở Việt Nam lại ngược lại. Tại những quán cà phê, 8h sáng vẫn la liệt các công chức cổ cồn, áo trắng thay vì miệt mài cống hiến tại văn phòng (giờ làm việc bắt đầu từ 8h) thì lại ngồi… chém gió “nhục quốc thể” và 4h chiều cả công sở đã văng hoe. Nếu cứ chiểu theo cách hiểu của số đông hiện nay thì chính hành động ăn cắp giờ hành chính của những công dân này cũng đang làm… nhục quốc thể” – Ths Hà Thành phân tích.

Vì thế, Ths Hà Thành cho rằng, ý thức về tinh thần dân tộc là một hành động đáng trân trọng song không phải chỉ là việc a dua, tích cực ném đá vào một thông tin nào đó mới được tung hê. Nếu có ý thức gìn giữ quốc thể thì việc đầu tiên mỗi công dân cần làm là thay vì chê bai, dè bỉu, rên xiết “nhục, nhục, nhục” thì hãy làm tròn bổn phận công dân của mỗi người nhằm góp phần phát triển đất nước.

Thay vì “xấu hổ thay” mỗi công dân nên làm tròn bổn phận của mình: giáo viên thì dạy cho tốt, bác sĩ tập trung cứu chữa người bệnh hạn chế thấp nhất rủi ro, công chức đừng ăn cắp giờ… Nếu cá nhân nào làm sai, thì bản thân họ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý, thậm chí trước pháp luật chứ không nhất thiết phải cả xã hội “lên đồng” như thế.

Đấy mới là tinh thần yêu nước và không làm “nhục quốc thể”.

Trí Lê (Theo Infonet)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề