Nhà báo tự do Phạm Cao Phong có mặt ở quảng trường République, Paris hôm 15/11 nói nhiều người Hồi giáo đã tới đặt nến “và khóc ở trước nhà hát Bataclan.
Và họ hát quốc ca La Marseillaise của nước Pháp ở quảng trường Cộng hòa.
Đây là một phần trong thảo luận của BBC hôm 15/11. (Xem toàn bộ thảo luận tại:http://bit.ly/1PIpRH1)
Loạt tấn công bằng súng và bom khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương ở khu quận 10 và 11. Theo giải thích của ông Cao Phong, đây là khu vực tương đối nghèo của thủ đô Paris, “tập trung người có thu nhập thấp và đông người nhập cư gốc Pakistan, Ấn Độ”. (Xem phần giải thích của nhà báo Phạm Cao Phong tại: http://bit.ly/1X0CygL)
“Tuy nhiên đây là khu rất sống động do có quảng trường Cộng hòa như trái tim của nước Pháp trong cuộc xuống đường năm 1789. Từ chỗ đó dẫn thẳng ra Bastille là quảng trường biểu tượng của nước Pháp cho giải phóng khỏi sự nô lệ, giải phóng tự do tư tưởng, bảo vệ ý chí của nền cộng hòa Pháp.”
Chế tài an ninh
Nhà báo Cao Phong cho rằng, rất khó để có thể đề phòng trước vụ khủng bố như thế này, và các nước châu Âu trước đó đã ngăn chặn được một số âm mưu tấn công khác.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai từ Amsterdam, Hà Lan, nói thêm, “để ngăn chặn được nó thì không phải là những chế tài an ninh mà Pháp đang hiện có”.
“Cần có sự thay đổi trong cách nhìn nhận về người nhập cư thế nào, những người không phải dân bản xứ ra sao mới là việc mà Pháp và châu Âu và các nước phương Tây cần làm để ngăn chặn những cuộc tấn công như thế này.”
“IS hay Al Qaeda không phải chỉ là những tổ chức. Nếu chúng ta chỉ đánh vào những tổ chức, giết người nọ, giết người kia tức là chỉ đánh vào đầu con rắn mà không giết được ý tưởng. IS, Al Qaeda là những ý tưởng và những ý tưởng thì nhảy từ cái đầu này sang cái đầu khác.
Và theo nhà quan sát Trung Đông từ Hà Lan, một trong những nguyên nhân chính khiến một số người bị cực đoan hóa và trở thành những kẻ đánh bom liều chết là sự phân biệt tôn giáo, phân biệt chủng tộc, và vấn đề hòa nhập của những người Hồi giáo vào xã hội phương Tây.
“Nguyên nhân lớn nhất là nội hàm tương đối phức tạp của châu Âu. Trong đó người Hồi giáo là một bộ phận của người di cư, người nhập cư không cảm nhận được họ là một phần của đất nước mới của mình, rằng đất nước, xã hội này dành cho họ.” (Xem đoạn phân tích của Tiến sỹ Phương Mai: http://bit.ly/1Ny8yUm)
“Chống lại quá trình cực đoan là quá trình mà toàn bộ phương Tây, toàn bộ thế giới đang phải đương đầu. Chúng ta không thể coi họ là người xấu mà phải biết cách nhìn vấn đề từ phía những con người đã trở thành cực đoan như thế nào.
Tiến sỹ Phương Mai dẫn một nghiên cứu của Đại học Stanford “cho thấy khi thực hiện thí nghiệm, 4 người có tên da trắng được nhận thì mới có 1 tên Hồi giáo” từ những đơn xin việc được gửi đi.
Chiến thắng bóng tối
Nhà báo Phạm Cao Phong cho rằng, vụ tấn công vừa rồi cho thấy những kẻ khủng bố đang ở trong thế yếu.
“Nước Pháp không phải là nước hung hăng, như giống như một người làm quân sự, là gây ra một cuộc chiến không khó, nhưng rút ra thì như thế nào, và đó là sai lầm sau vụ đánh Tháp Đôi.
“Nước Pháp trong lúc nóng đầu có thể tuyên bố rất mạnh mẽ, nhưng những nhà chính trị sẽ phải rất cẩn trọng.” (Bấm vào đường dẫn để xem lại đoạn phân tích:http://bit.ly/1H3hzYT)
Tổng thống Pháp đã phát biểu ngay sau vụ tấn công rằng đây là ‘hành động tuyên chiến’.
Nhà báo Cao Phong cho rằng, cần ‘phải chữa bệnh’ bằng cách loại trừ các phần tử cực đoan.
Trái với ý kiến đó, nhà quan sát Trung Đông từ Hà Lan nói, quan trọng nhất là liên kết các tổ chức Hồi giáo trung dung “để người Hồi cảm thấy đây cũng là cuộc chiến của họ. Hiện nay chúng ta đang cách ly họ, làm họ cảm thấy họ là kẻ bị tấn công và khi đó chắc chắn họ không thể trở thành cánh tay đắc lực trong cuộc chiến này.”
“Châu Âu có tương lai tương đối phức tạp. Vì chúng ta đang sống trong thế giới phẳng và những người dân thường ở Syria, ở Trung Đông có thể tác động được đến những người đang ăn tối ở quán ăn Campuchia hay xem cuộc giao đấu ở Paris.
“Không ai có thể mặc được chiếc áo giáp tránh đạn cả ngày, ai cũng có thể trở thành đối tượng, nhất là khi quân khủng bố không còn nhằm vào đối tượng cụ thể nữa mà nhằm vào những đối tượng rộng hơn.”
Để đương đầu với tương lai phức tạp này, theo tiến sỹ Phương Mai, cần “đương đầu bằng chính những giá trị khiến châu Âu trở nên mạnh mẽ, những giá trị dân chủ, tự do, nhân đạo”.
BBC tiếng Việt
Trả lời