Nguy cơ sụp đổ Thỏa thuận Minsk 2

Ngày 13/4, dẫn tuyên bố của đại diện Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) xác nhận đã tái diễn các cuộc đụng độ vũ trang giữa quân đội và lực lượng dân quân đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, bất chấp lệnh ngừng bắn được ký kết từ ngày 12/2.
Các thanh tra OSCE cho biết đã không thể thuyết phục được hai bên ngừng bắn. Theo giới phân tích, miền Đông Ukraine vẫn ầm ầm đạn pháo, thêm vào đó là sự có mặt của cố vấn Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ukraine, chính là những nhân tố đang ngày một đẩy Thỏa thuận Minsk 2 tới bờ vực sụp đổ.
Theo các quan sát viên OSCE, các đơn vị vũ trang tình nguyện của Ukraine đã tổ chức tấn công để vượt đường giới tuyến tại khu vực Jabunki, ngoại ô thành phố Donetsk. Các loại vũ khí như pháo tăng, đại bác, súng phóng lựu tự động, súng đại liên… đã được sử dụng. Trong thời gian có mặt tại khu vực để làm nhiệm vụ giám sát, các quan sát viên đếm được 1.160 tiếng nổ của đạn pháo, trong đó cả hai bên đều sử dụng vũ khí hạng nặng, nòng trên 100mm.

Phía Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) cáo buộc các đợt tấn công của quân đội Ukraine đã làm hư hỏng mái một bệnh viện trong thành phố, tuy nhiên không có thương vong do đạn pháo rơi vào bên trong bệnh viện không phát nổ. Trong khi đó, theo một phát ngôn viên của lực lượng dân quân địa phương tại làng Shirokino, phía Nam vùng Donetsk, đã xảy ra đấu súng và nã pháo gay gắt tại khu vực này trong ngày 13/4.

Phát ngôn viên này cho hay: “Pháo từ quận Vostochny ở thành phố Mariupol, do phe Kiev chiếm đóng, đã liên tục tấn công khu vực của chúng tôi cả ngày nay. Chúng tôi buộc phải bắn trả”. Trong khi đó, nguồn tin từ Kiev nói rằng có hai quân nhân đã bị thương trong vụ nã pháo.

Trước tình hình đáng ngại trên, người đứng đầu Phái bộ OSCE tại Ukraine Ertugrul Apakan đã kêu gọi các bên phải kiềm chế tối đa và tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận Minsk. Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi Nga và Ukraine cùng hướng tới giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận hòa bình mong manh đạt được ở Minsk (Belarus) nhằm chấm dứt giao tranh ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn báo Die Welt của Đức, ông Steinmeier nói: “Chúng tôi hy vọng cả Moskva và Kiev sẽ nắm vững vấn đề trung tâm của việc thực thi giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận Minsk”. Theo ông Steinmeier, giai đoạn tiếp theo không chỉ bao gồm “sự chuẩn bị cho các cuộc bầu cử địa phương tại các khu vực lực lượng đối lập chiếm đóng, mà còn có cả sự tiếp cận để hỗ trợ nhân đạo và hoạt động tái thiết ở miền Đông Ukraine”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Vesti (Nga), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ, Chính phủ Ukraine hiện đang phải đối mặt với nhiều tổ chức đối lập trong nước, đồng thời nhấn mạnh nguy cơ tái diễn nội chiến tại Ukraine là không nhỏ.

Trong khi đó, theo chuyên gia phân tích chính trị quân sự độc lập Nga Andrei Biskov, từng tham gia giảng dạy tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, chiến sự ở miền Đông rõ ràng đẩy Thỏa thuận Minsk 2 tới sát bờ vực nhưng sự có mặt của những nhân tố gây chiến như Mỹ hay quân đội NATO mới chính là cú bồi không chỉ xô ngã thỏa thuận ngừng chiến, mà còn gây khó dễ cho giải pháp ngoại giao. Điều này cũng được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nhắc tới trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Rossiiskaya Gazeta.

Thứ trưởng Karasin nêu rõ, Nga khẳng định kế hoạch điều các chuyên gia quân sự Mỹ và NATO tới đào tạo cho lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine là một hành động nguy hiểm ảnh hưởng tới tiến trình xây dựng hòa bình tại quốc gia này.

Nga đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động tăng cường quân sự của các lực lượng NATO tại khu vực Đông Âu cũng như kế hoạch cung cấp vũ khí và các thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine của Mỹ. Và những lời chỉ trích từ phía Moskva càng trở nên gay gắt khi mà Hạ viện Mỹ thúc giục Tổng thống Obama chuyển vũ khí sát thương cho Chính phủ Kiev bất chấp việc quân đội Ukraine và lực lượng đối lập miền Đông đang thi hành thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.

Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Aleksey Pushkov nhấn mạnh nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama đầu hàng sức ép từ phía Quốc hội Mỹ mà hành động thì danh tiếng “vị Tổng thống vì hòa bình” của ông chủ Nhà Trắng sẽ tiêu tan. Nói cách khác, ông Obama sẽ lại “giẫm lên vết xe đổ” của các chính trị gia George W. Bush, John McCain hay Mitt Romney.

CAND


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề