Trong nhiều hoạt động của Hoa hậu Phạm Hương tại vòng loại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế, clip cô nhanh chân chọn chỗ tốt nhất để đứng trong đội hình được dư luận đánh giá nhiều chiều. Có người cho rằng cô mất lịch sự, thiếu văn hóa cư xử trên đấu trường quốc tế. Có người cho rằng cô khôn ngoan, biết cách tỏa sáng bản thân.
Ứng xử ‘chân tình’ thay cho ‘khéo léo, tế nhị’
Trong từ điển tiếng Việt, có rất nhiều khái niệm về “khôn”. Đây cũng là một trong những tính cách nổi trội của người Việt trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải sự “khôn” nào cũng nhận được sự vỗ tay đồng tình của số đông. Các khách mời của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần trong chuyên mục này sẽ bày tỏ quan điểm cá nhân của mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền: Đám đông chi phối giá trị
Tôi nghĩ rằng, khôn khéo hay khôn lỏi đều là những tính từ chứa đựng hai mặt của một vấn đề. Ngữ nghĩa các khái niệm trên thực tế khá rắc rối. Khôn lỏi thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, thế nhưng khôn khéo cũng không hoàn toàn có nghĩa chân thực. Và dù là khôn khéo hay khôn lỏi thì cũng đều là những “cái khôn” chủ động để tiến thân/tồn tại trong cuộc sống, mang mục đích rõ ràng.
Song, tùy thuộc vào những góc nhìn khác nhau để có thể đánh giá hành vi một con người là khôn khéo hay khôn lỏi. Bởi theo góc độ tâm lý, sự phán xét của một con người thường bị chi phối theo cảm tính. Cùng một hành vi, người yêu quý có thể gọi bạn là khôn khéo nhưng người không ưa bạn sẽ gọi bạn là khôn lỏi.
Ở môi trường cơ quan công sở, nếu thăng tiến bằng sự luồn cúi, dù bạn được gia đình, người thân đánh giá là khôn khéo thì xã hội vẫn gọi bạn là khôn lỏi và cái khôn lỏi ở đây được chấp nhận.
Một công ty tặng lô sữa sắp hết hạn cho trẻ em vùng cao. Trong kinh doanh, đó là hành vi quảng cáo thương hiệu thể hiện sự tính toán/ thủ đoạn rõ ràng thế nhưng sự “đóng góp từ thiện” của công ty, xã hội vẫn buộc phải ghi nhận. Trường hợp này, ta gọi đó là khôn lỏi hay khôn khéo là rất khó!
Như vậy, khôn khéo hay khôn lỏi cũng chưa chắc đã nói lên bản chất chủ thể. Cũng vì thế mà ranh giới giữa hai cái sự khôn này là không rõ ràng, thậm chí mập mờ, lồng vào nhau. Nhiều khi, nó còn bị chi phối bởi đám đông “thẩm định”.
Ví như “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nếu nhìn hướng tích cực thì đây là sự thích nghi mang tính bản năng tự nhiên, lối ứng xử mềm dẻo khôn khéo trong sinh tồn, nhưng ở góc độ khác, cũng có thể coi đó là một lối sống khôn lỏi. Trong sự phát triển chung của lịch sử loài người, với hệ tính cách đó, một cộng đồng dân tộc khó có thể vươn ra biển lớn.
Khôn lỏi nhiều hơn cũng thể hiện tầm phát triển của dân trí xã hội còn chứa đựng nhiều “bản năng tự nhiên”. Trong một xã hội văn minh, sự giành giật bản năng “hoang dã” luôn cần được kiểm soát bởi hệ thống luật pháp/đạo đức. Nếu không, nó sẽ kìm hãm xã hội ở dạng chậm phát triển, thậm chí “không chịu phát triển”. Cái sự khôn lỏi lan tràn trong xã hội ta, tôi cho đó là điều đáng buồn bởi nó sẽ chi phối cơ bản lòng tốt nói chung của con người.
Ca sĩ Phạm Thu Hà: Chân thành là sự khôn ngoan cao cấp
Theo quan điểm của tôi, người khôn khéo thường làm đẹp lòng người khác và dễ đạt những thành công, được nhiều người yêu mến. Thế nhưng, khi khôn và khéo một cách quá mức sẽ trở thành khôn lỏi, thủ đoạn… Và một thực tế là khôn khéo và khôn lỏi chỉ cách nhau một ranh giới rất mong manh nên làm sao để “khôn khéo” mà không bị cho là “khôn lỏi” là cả một vấn đề lớn cần bàn.
Sự tế nhị khôn khéo mà vẫn giữ được sự chân thành chia sẻ thì đó là điều nên phát huy trong cuộc sống. Chắc chắn đó là điều tốt đẹp và được chấp nhận hơn sự khôn lỏi, bởi xét cho cùng khôn lỏi thực sự là một “vấn nạn“ cần lên án và bài trừ trong cuộc sống xung quanh chúng ta và điều này cũng là những gì tôi vẫn thấy trong cuộc sống xung quanh mình bởi cách sống hai mặt giả tạo. Vì những lời mực thước thậm chí mang sự hoa mỹ dễ gây được ấn tượng tốt cho người đối diện mình nên nhiều người, để nhanh chóng đạt được những mục đích riêng, họ đã cố làm đẹp lòng người khác bằng mọi cách, kể cả sự dối trá.
Nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống là cả một quãng đường dài mà mỗi người trong chúng ta luôn phải học hỏi. Tôi vẫn nghe đâu đó câu nói: “Chân thành là sự khôn ngoan cao cấp” và nghĩ rằng, nếu được sống trong một xã hội nhiều người khôn khéo, tế nhị và chân thành thì khác nào chúng ta đang được sống giữa thiên đường nơi trần thế phải không!?
Nhà thơ Vi Thùy Linh: Khôn khéo hay khôn lỏi cũng không bằng khôn ngoan
Với tôi, khôn khéo và khôn lỏi đều có chung chữ “khôn” nhưng khác nhau ở chỗ khôn khéo là người biết suy tính về cư xử với tính mục đích và tương quan bối cảnh, tính cả hậu quả cũng như hệ quả của ứng xử. Còn khôn lỏi là không cần biết đến những điều nói trên mà thường xuất phát vào tính thực dụng ngắn hạn.
Người khôn khéo bao giờ cũng tính đến nước đi dài của quan hệ, của những hệ quả từ sự khôn của mình trong khi khôn lỏi chỉ nhìn vào tư lợi trước mắt. Ranh giới của hai sự khôn này, theo tôi được kiểm soát bởi lòng tham và điều phối ứng xử vì khôn vừa vừa thì mới khéo chứ tham quá sẽ hóa…mờ mắt.
Khi nói đến hai khái niệm này, thì chúng ta thường nghĩ đến sự khôn gắn với vật chất, lợi ích có thể đo đếm. Nhưng theo tôi, cần bàn sâu hơn đến văn hóa ứng xử, giao tiếp.
Trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có những câu răn dạy trong nói năng như “người khôn ăn nói nửa chừng/để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”, trong ứng xử như “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Sự khôn lỏi cũng được thể hiện qua các câu như “ông thò chân giò, bà thò chai rượu”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”…
Nếu nói tính cách này về người Việt cần bàn rộng, giai tầng nào, đặc điểm dân sinh. Vì mỗi giai tầng, đặc điểm tính cách này cũng có sự khác biệt. Khôn gì thì khôn, văn hóa nền tảng không chỉ là bằng cấp mà còn là giáo dục, môi trường sống và cả sự tham vọng trong mỗi con người tác động đến nhiều trong ứng xử đời sống, trong đó có sự khôn này.
Ở mức thượng tầng, khôn khéo chính là nghệ thuật ngoại giao mà bất cứ nhà ngoại giao nào ở tầm quốc gia đều phải có. Trong khi khôn khéo ở đời sống thực tế, nhiều khi hiểu cực đoan chỉ là người đầu môi chót lưỡi.
Trong giới showbiz, chúng ta thường nhắc đến ca sĩ Hồng Nhung là một nghệ sĩ quá khéo. Tôi cũng đã từng nghĩ ca sĩ Hồng Nhung khéo đến mức… giả. Nhưng kiểm định theo thời gian, tôi nghĩ nhiều ca sĩ hiện nay cũng nên học tập ca sĩ Hồng Nhung bởi sự khéo của ca sĩ Hồng Nhung là khéo có tri thức.
Trong khi nhiều ngôi sao đương thời lên truyền hình trực tiếp nói cười rất bản năng, thường xuyên dùng khẩu ngữ sinh hoạt thì mỗi ứng khẩu lưu loát của ca sĩ Hồng Nhung luôn toát lên một hàm lượng văn hóa của một người có sự từng trải cũng như ý thức phát ngôn của người nổi tiếng.
Xã hội ta đi lên từ nền văn hóa lúa nước và trước sự suy thoái kinh tế toàn thế giới đang diễn ra hiện nay, lại càng phát triển mạnh tính khôn lỏi, thực dụng, chớp nhoáng, ăn xổi ở thì, tranh thủ.
Đơn giản như khi tôi đi chợ, thường được người bán hàng giới thiệu: “rau quê nhà em, gà quê nhà em” như một thương hiệu về sự thật thà của người nông dân nhưng thực tế, rau họ bán thì họ phun thuốc, còn luống rau nhà ăn thì không phun. Đó là một sự khôn lỏi rất ác.
Khoảng cách giữa khôn lỏi, láu cá, với giả dối, lừa đảo cũng không xa nhau đâu. Và tôi tin vào luật nhân quả. Nghề nào cũng cần đến đạo đức nghề. Cư xử có đạo đức là khôn vừa thôi, đôi khi phải biết ngây thơ, chân thành, thậm chí chịu thiệt một chút.
Suy cho cùng, tôi thấy khôn khéo hay khôn lỏi không bằng khôn ngoan. Mình tích nạp tri thức nhưng vẫn phải nuôi dưỡng sự chân thành được nhào luyện và tráng qua lớp văn hóa ứng xử. Đó gọi là khôn bền, vì chẳng ai – dù là những kẻ ngờ nghệch nhất cũng không thể bị lừa mãi vì xảo ngôn.
Lan Hương (Theo TT&VH)
Trả lời