Người Việt nhập cư lậu vào Anh là nạn nhân?

Trước khi tới Hà Nội trong chuyến công du Á châu, Thủ tướng Anh David Cameron nói hàng ngàn trẻ em Việt Nam tại Anh Quốc đang bị các băng đảng tội phạm lợi dụng, khai thác làm giàu và mỗi tháng ước tính có thêm hàng chục thiếu niên Việt được đưa vào nước Anh.

Ông nói Anh quốc cần hợp tác với Việt Nam để xử lý nạn buôn người này, và tuyên bố sẽ tài trợ cho việc xây dựng cơ sở thứ hai tại Việt Nam nhằm tiếp nhận các em cùng các nạn nhân của tình trạng buôn người khác được hồi hương về Việt Nam và giúp họ tái hòa nhập xã hội.

Tuy nhiên, một thành viên cộng đồng người Việt ở Anh Quốc nói rằng thực sự tỷ lệ trẻ vị thành niên người Việt được đưa vào Anh chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.

Nói với BBC Tiếng Việt với điều kiện ẩn danh, người này nhận xét: “[Đa phần] người Việt sang đây thậm chí 25, 30 tuổi vẫn khai dưới [18] tuổi bởi mặt người Việt nhìn non hơn mặt người bản xứ.”

‘Tỷ lệ tội phạm cao’

Lượng người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh tuy nhiên không nhiều so với các sắc dân khác, tuy nhiên, lại thuộc nhóm có tỷ lệ phạm tội hình sự nghiêm trọng cao hơn.

Nhiều trại trồng cần sa bị phát giác được cho là thuộc về các băng đảng người Việt

Nhiều trại trồng cần sa bị phát giác được cho là thuộc về các băng đảng người Việt

Người Việt “nổi trội” nhất trong hoạt động trồng cần sa; các tường thuật trên truyền thông Anh Quốc về các vụ đột nhập, phát hiện ra các trại trồng cần sa thường gắn với người Việt hoặc người gốc Việt.

Một số nghề khác mà người Việt nhập cư lậu thường làm là “đi làm chui tại các nhà hàng, thậm chí đi làm nghề xây dựng nếu là đàn ông, và đi làm nail (làm móng tay)”, theo nhận xét của người ẩn danh.

Với việc giới chức Anh siết chặt kiểm soát người nhập cư, thì “người Việt nhập lậu xuất hiện bên ngoài [các trại trồng cần sa] trong các dịch vụ khác giảm đi nhiều trong thời gian gần đây”, người ẩn danh nói với BBC.

Tuy nhiên, người Việt “thích nghi” bằng những cách khác, người này nói thêm.

“Những người [nhập cư lậu] không có giấy tờ làm việc trong các tiệm nail (làm móng tay), nếu là con gái thì tìm con đường hôn thê hoặc tìm cách có con với người có giấy tờ [để được hợp pháp] ở đây và cuối cùng chỉ trong một thời gian ngắn khi có con là họ sẽ có giấy tờ, được phép đi làm. Vì vậy, dần dần số người làm nail có giấy tờ có được giấy tờ tăng lên rất nhiều, rất nhanh.”

Làm móng tay cũng là một nghề cộng đồng người Việt ở Anh chiếm ưu thế

Làm móng tay cũng là một nghề cộng đồng người Việt ở Anh chiếm ưu thế

Với những trường hợp chưa có giấy tờ, khả năng bị giới chức Anh bắt và trục xuất về nước cũng không cao.

Người ẩn danh nói với BBC: “Có nhiều trường hợp tôi biết, sau khi cảnh sát Anh bắt, họ lại được thả ra. Rất nhiều trường hợp được thả ra trong lúc chỉ có một vài trường hợp bị đuổi về.”

Ngoài việc đi làm lậu, những người nhập cư lậu cũng phải thuê nhà bất hợp pháp. “Họ thuê chỗ chỉ để ngủ, thuê lậu, một nhà có tới mười mấy hai mươi người ở.”

Tuy nhiên, những gì báo chí Anh nêu như “thảm cảnh” của người Việt nhập cư lậu, như bị bóc lột trong các trại cần sa, hay bị đẩy vào con đường bán dâm là “rất ít xảy ra”, người này nhận xét.

“Theo quan sát và kinh nghiệm của tôi, ở độ tuổi đó thì ở Việt Nam họ cũng đã làm đủ thứ nghề. Họ sang đây thực ra có sự đồng lõa của hai bên, giữa người đưa người và người đi. Họ đã có những khế ước với nhau từ ban đầu. Khó có thể nói ai là nạn nhân, ai là thủ phạm.”
“Họ biết thừa việc đó [sang Anh sẽ làm việc ở các trại cần sa], sẽ sống thế nào, sống ở đâu. Thậm chí họ còn có cả người đón.”

Theo tin đăng chính thức của chính phủ Anh, thì kể từ năm 2013 tới nay, Anh đã “trực tiếp hỗ trợ cho 110 nạn nhân [người Việt] của nạn buôn người và những người hồi hương dễ bị tổn thương, giúp họ tái thiết cuộc sống và giảm nguy cơ lại trở thành di dân lậu hoặc hoặc lại bị buôn vào Anh”.

Anh quốc cũng đã tài trợ cho việc xây dựng trung tâm tạm trú ở Lào Cai, nơi hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em trở về từ những đường dây buôn người, và hỗ trợ cho 76 nạn nhân kể từ khi khai trương, tháng Bảy 2013, cho tới nay.

Vũ Văn (Theo BBC)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề