Nhiều công ty gia đình nhỏ và vừa ở Mỹ đang rất chú trọng trong việc đào tạo thế hệ kế cận. Điều họ lưu tâm không chỉ là việc kinh doanh, mà còn là gieo cấy một tinh thần doanh nhân trong những đứa trẻ, để chúng có được khát vọng sở hữu riêng một doanh nghiệp.
Trao gửi
Theo báo New York Times, ngày càng nhiều doanh nhân thành đạt ở Mỹ dành sự chăm chút để con họ trở thành những nhà điều hành chính trong các công ty khởi nghiệp. Công việc này đôi khi được họ bắt đầu ngay từ lúc con cái họ đang học cấp hai.
Gia đình doanh nhân Zietz là một ví dụ. Bên bàn cơm tối ở nhà họ tại Boca Raton ở bang Florida, thường thì câu hỏi “hôm nay ở trường thế nào” sẽ được hỏi sau, bữa cơm hay được bắt đầu bằng việc một trong những đứa trẻ sẽ hỏi bố nó về công việc trong ngày của ông trong tư cách Giám đốc điều hành Công ty TounchSuite.
Đó là công ty thành lập năm 2003 chuyên cung cấp các dịch vụ công nghệ và tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ. Tới năm 2014, TouchSuite đã đạt doanh thu năm là 28 triệu USD.
Ba đứa con của doanh nhân Zietz gồm Rachel 14 tuổi, Jordan 13 tuổi và Morgan 9 tuổi đều hết sức quan tâm tới tình hình kinh doanh ở công ty của bố. Chẳng hạn chúng rất muốn biết về việc TouchSuite đã thâu tóm một công ty của Canada và bổ sung thêm 42 nhân viên khác vào tổng số 80 nhân viên hiện có của công ty của bố ở Mỹ.
Ông Zetz vẫn còn nhớ ngay trong lần sinh nhật thứ 10 của con gái lớn Rachel, cô bé đã khiến ông bất ngờ khi phê phán một doanh nghiệp về việc không sở hữu tài sản trí tuệ của chính mình.
Ông Zietz năm nay 47 tuổi, từng là luật sư chuyên về luật thuế và thương thảo hợp đồng. Ông nói: “Tôi đã luôn muốn kinh doanh. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, việc là một doanh nhân không thú vị như bây giờ. Khi đó tôi kinh doanh chỉ vì không thể tìm việc gì khác”.
Ông Zietz hãnh diện gọi Rachel là “bản sao” của mình. Ông nói: “Tôi có thể mang Rachel đi và để con bé vào bất cứ ngôi nhà nào trên nước Mỹ, con bé cũng sẽ trở thành một doanh nhân. Con trai tôi thì khác, nó sẽ không thành doanh nhân được. Thằng bé thông minh, nhưng nó không có được những tố chất của một người làm kinh doanh trong bộ mã di truyền như Rachel. Tuy nhiên thằng bé lớn lên trong gia đình tôi và kinh doanh là câu chuyện chúng tôi luôn nhắc tới”.
Ông Zietz cho biết: “Tôi cư xử với các con như những người trưởng thành và nói chuyện với chúng như bạn bè vậy. Tôi cố gắng chia sẻ tất cả những gì đã tích lũy được theo năm tháng. Tôi trao cho chúng kiến thức để chúng sẽ tiếp thu và áp dụng nó”.
Trên thực tế cô con gái Rachel đã có dự án khởi nghiệp thành công với Công ty Gladiator Lacrosse từ năm 12 tuổi. Năm nay, doanh thu của công ty đạt 1 triệu USD từ việc nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc và bán trên mạng. Cô bé đã trình bày kế hoạch kinh doanh của mình khi kết thúc chương trình đào tạo 30 tuần do Học viện Doanh nhân trẻ ở địa phương tổ chức. Học viện này có khoảng 113 dự án kinh doanh hoạt động tại 38 bang của nước Mỹ. Cậu em trai Jordan cũng đang sở hữu doanh nghiệp GameReef chuyên cho thuê các hệ thống chơi game video.
Jordan cũng đăng ký tham gia chương trình của Học viện Doanh nhân trẻ ngoài giờ học. Học viện này có trụ sở tại Rochester, chuyên giúp các học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tìm ra đam mê và sở trường của mình, nghĩ ra ý tưởng kinh doanh, lên kế hoạch và cuối cùng là bắt tay thực hiện.
Bà Gayle Jagel, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành học viện cho biết, 50% học viên đều là con của các doanh nhân. Có 50% là nữ.
Theo bà Jagel, để dạy trẻ kinh doanh, “Điều đầu tiên và trước nhất là hãy giúp trẻ tự tìm ra sở thích và đam mê của chúng. Đừng tập trung vào những rủi ro và tiêu cực. Hãy chăm chú vào tính khả thi. Hãy tạo một môi trường có thể gặt hái thành công. Hãy hỏi trẻ nhiều câu hỏi để giúp chúng có thể hoàn thiện các ý tưởng của mình. Hãy cho chúng biết chúng sẽ cần những gì và có thể nhờ ai giúp đỡ”.
Và nuôi dưỡng
Joana Strober là sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành ứng dụng trên di động Kurbo Health chuyên giúp trẻ vị thành niên quản lý cân nặng và giữ gìn sức khỏe. Bà Joana khởi nghiệp một năm trước tại quê nhà ở Palo Alto thuộc bang California với sự giúp đỡ của 3 con tuổi từ 7 đến 15. Joana nhấn mạnh nguyên tắc học thông qua truyền đạt ý tưởng: “Ngạn ngữ nói rằng, ‘bạn không thể là cái mà bạn không thể thấy’”.
Cô con gái lớn Sarah của bà đã có nền tảng khởi nghiệp rất tốt. Cô bé đã thu hút được hàng ngàn người theo dõi tài khoản TasteslikeSF trên Instagram của mình. Đây là kênh riêng của của Sarah chuyên cung cấp thông tin về các nhà hàng và thực phẩm ngon ở địa phương, trưng bày ảnh chụp của những món ăn đặc sắc.
Bà Strober chia sẻ về những bí quyết trong việc dạy trẻ kinh doanh: Khi ai đó nói ‘không’ với chúng, hãy hỏi họ lý do từ chối. Hãy để trẻ tham gia vào việc kinh doanh của gia đình và hãy thử làm mọi công việc khác nhau, không chỉ là mạng xã hội hay phát triển ứng dụng mà còn là dịch vụ khách hàng và công tác nhân sự, để trẻ thấy rằng làm chủ một doanh nghiệp dù nhỏ cũng phải cùng lúc “sắm” rất nhiều vai. Bà cũng khuyên nên khuyến khích trẻ tìm công việc ở các công ty khác ngoài công ty gia đình để quan sát, học hỏi cách vận hành của họ.
Còn với Saili Gosula, một bà mẹ đơn thân với một con trai và một con gái đang sở hữu doanh nghiệp riêng tại San Mateo (bang California) thì quan niệm giản dị hơn, hãy cứ cho con cái tham gia vào công việc với mình hàng ngày, tự khắc nó sẽ có tinh thần của một doanh nhân.
Bà chia sẻ: “Thuở ban đầu bạn sẽ phải làm việc rất vất vả. Tôi đã cố ý để con cái luôn ở bên mình vì tôi không muốn công việc trở thành khoảng cách giữa tôi và chúng. Một trong những điều tuyệt vời nhất của việc tự kinh doanh là bạn có thể mang con cái theo mình trong khi làm việc”.
Con trai bà, Gabriel, vừa tốt nghiệp Đại học California, Chico với tấm bằng thương mại và đang chuẩn bị có một doanh nghiệp của riêng mình. Còn với con gái Isabela, nay mới 14 tuổi, bà Gosula tin rằng từ những gì quan sát, bà tin chắc chắc rồi con bé cũng sẽ đi theo nghiệp kinh doanh của mình.
Gosula nói: “Tôi nghĩ là mình đã tạo dựng được ý niệm tốt đẹp trong các con về việc sở hữu một doanh nghiệp. Trong tấm thiệp tặng mẹ nhân Ngày của mẹ, Isabela đã viết ra những điều để lý giải mẹ nó là một người thật tuyệt vời, trong đó có câu ‘Vì mẹ là một doanh nhân’”.
Trí Lê (Theo DNSG)
- Người Việt đang mụ mị vì những cuốn sách 'dạy làm giàu'?
- Chuyện ly kỳ về doanh nhân giàu nhất Sài Gòn xưa
- Vua đạo nhái Trung Quốc: Sáng tạo không quan trọng, quan trọng là sao chép một cách thông minh
- Những kiểu dạy con trời ơi
- Nhiều doanh nhân Armenia quyết định sang làm ăn ở Georgia
- Bí mật những cách kiếm hàng ngàn tỷ đồng của giới nhà giàu Việt Nam
Trả lời