Ngôi nhà thuần Việt của một ‘người Việt’ ở nước Mỹ

Đón chúng tôi từ sân bay Boston giá lạnh vào lúc nửa đêm là ông già mảnh khảnh David Thomas. Ông là một họa sĩ đồ họa, giảng viên mỹ thuật Trường Cao đẳng Emmanuel ở thành phố Boston bang Massachusetts.
David từng có mặt tại Việt Nam ở Kon Tum và Pleiku từ 1969 tới 1970 với vai trò lính công binh. Sau này, ông trở lại Việt Nam hơn 50 lần thực hiện những dự án kết nối Việt – Mỹ. Kỷ lục này chắc chắn chưa dừng lại.

David thực hiện các cuốn sách về nghệ thuật, nghệ sĩ Việt Nam như “Nhìn từ hai phía”, “Huỳnh Phương Đông – góc nhìn chiến tranh và hòa bình” và đặc biệt là cuốn sách về lãnh tụ Hồ Chí Minh đặt trong hộp sơn mài được in trên giấy dó rời với kỹ thuật in đơn chiếc bằng máy tính; ông đã tặng bảo tàng của Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh với ý tưởng rằng Huế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập, TP Hồ Chí Minh là nơi Người ra đi tìm đường cứu nước và Hà Nội là nơi Bác đã đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cùng với làm sách, ông đã vẽ hơn 50 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều lồng ghép các hình ảnh Việt Nam. Nhìn vào mỗi bức chân dung, người xem có thể cảm nhận phần nào lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.

Những ngôi nhà trên vùng New England thấp thoáng sau rừng phong và hoa magnolia rực rỡ tuy cùng phong cách cổ nhưng không ngôi nào có thiết kế giống cái nào. Mỗi ngôi nhà là một tác phẩm, nhưng nội thất ngôi nhà màu mận chín của David khiến nhiều người bất ngờ bởi tất cả đều bài trí bằng đồ Việt Nam. Ngoài vườn đặt chum sành, trong nhà dùng ghế tre, tủ sơn mài Huế đặt tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Phòng khách treo tranh Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, trên tường treo đàn bầu. Trần xưởng vẽ treo rợp toàn diều Huế với công bay phượng múa. Trên giá sách là tượng Bác Hồ.

Những cuốn sách về Việt Nam được bọc trong lá cờ đỏ sao vàng.

Những cuốn sách về Việt Nam được bọc trong lá cờ đỏ sao vàng.

Lần trở lại Việt Nam đầu tiên, David 41 tuổi, thế mà nay đã gần 70, ông già David tuy không còn nhanh nhẹn nhưng vẫn rất chu đáo và hài hước. Ông coi chúng tôi như con trai và tự tay đi chợ mua thức ăn về nấu cho chúng tôi ăn. Món chiêu đãi là cơm rang thập cẩm với thực phẩm hòa trộn Mỹ – Việt.

Ở Mỹ thì ông già David cũng như hầu hết đàn ông đều làm bếp chứ không phải vợ hay con gái. Sau bữa đầu tiên, ông tự thấy chưa hài lòng nên quyết định thết bù chúng tôi một bữa bít tết do chính tay ông chế biến. Quả thật là món thịt bò ngon nhất mà tôi từng được nếm… David thích ăn món Việt Nam. Ông bảo món Việt Nam rất ngon và không béo. Trong 2 năm làm việc tại Việt Nam, David thường xuyên ăn bún chả, món khoái khẩu, theo ông là “không bao giờ chán”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm trí David vẫn còn nguyên. Ông đang thực hiện viết và in một cuốn sách về chất độc da cam bằng tiếng Anh là “Agent Orange”. Mục đích chính là cho người Mỹ hiểu hơn về chất độc này. Hiện nay người Mỹ hầu như đã quên và thậm chí không ai biết về chất độc da cam. Người Việt Nam thì ai cũng biết tác hại của nó, David bộc bạch.

Chính đơn vị của David ngày xưa đã sử dụng chất độc này nhưng chẳng ai biết tác hại của nó thế nào. Đã có những người lính Mỹ bị nhiễm và để lại hậu quả cho con cháu. Tất nhiên hậu quả nặng nề nhất thì vẫn là người Việt Nam. Chiến tranh đã qua sau 1 năm với lính trong đơn vị của David, nhưng với người Việt Nam thì di chứng vẫn tiếp tục đeo bám suốt 40 năm nay.

Ý tưởng bìa sách được làm khá đặc biệt. Đó là hình thùng phuy đựng chất độc. Ban đầu, ông làm bằng kim loại nhưng quá nặng nên phải làm bằng composite. Phần minh họa bên trong cũng đặc biệt không kém. Ông dành 1 tháng để chụp một cành hoa màu da cam. Bắt đầu chụp liên tục khi nó nở căng cho tới khi héo úa lụi tàn. Khi đưa vào sách, phần minh họa liên hoàn này không khác gì một đoạn phim quay rút gọn về sự hủy diệt. Các cuốn sách thủ công của ông đều rất đắt. Chưa có nguồn tài trợ nào nên ông chi phí cho nó 5.000 USD.

“Chính tôi và vợ tôi chứ không phải ai khác tài trợ cho dự án này” – David cười hóm hỉnh. Nhưng cuốn sách sẽ được bán với giá 2.000 USD. Toàn bộ số tiền thu được sẽ trao cho quỹ “Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Hiện đã có đại học Văn Lang bày tỏ muốn xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt.

Không chỉ có người Việt Nam mà ngay cả những lính Mỹ tham gia phun chất độc này cũng bị nhiễm mà sau này mới biết. David là người may mắn. Những đứa cháu nội và ngoại của ông vẫn mạnh khỏe và nghịch ngợm. Hiện sức khỏe David vẫn tốt nhưng hàng năm, y tế của New York và Washington vẫn lấy mẫu máu của ông để xét nghiệm, theo dõi các biểu hiện lạ. David bảo: “Có thể tôi may mắn, con tôi may mắn, cháu tôi may mắn, nhưng chắt của tôi sau đó thế nào thì lạy chúa! tôi không thể biết được”.

David tới Việt Nam khi 21 tuổi, khi ông không biết ông đến đó để làm gì. David trở lại Việt Nam sau chiến tranh năm 41 tuổi và lần trở về này đã làm ông biết rõ ông sẽ làm gì trong phần đời còn lại. Ký ức Việt Nam thật đau buồn nhưng lại tiếp sức cho ông trong cuộc sống hôm nay. Những vết sẹo chiến tranh muốn liền lại không chỉ cần đợi thời gian, mà phải có những người thợ hàn gắn kết lại. Họa sĩ David đang làm công việc của một thợ hàn. Tâm hồn của David đã thuộc về Việt Nam.

Giúp đỡ David trong dự án làm sách này có nhiều người bạn Việt Nam và Mỹ như Hồ Thị Hải Âu, Lã Hồ Minh Khuê, Catherine Karnow, Susan Maquire, Jean Thomas..


 

Có thể nói ở Boston bên bờ Đại Tây Dương có một người Việt Nam mang tên David. Trong ngôi nhà gỗ màu mận chín giữa rừng phong và hoa Magnolia ấy, ông già David tiếp tục vẽ và viết về con người, đất nước Việt Nam. David nói: “Mỗi khi nghĩ về Việt Nam, những cái tên thân thuộc lại hiện lên như Lê Huy Tiếp, Vũ Giáng Hương, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương… Những người bạn cũ của ông, có người đã qua đời. Thời gian chẳng đợi ai cả. Cần phải khẩn trương hoàn thành các tác phẩm về chiến tranh để thế hệ sau không thể lãng quên”.

CAND


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề