Khi chọn mua tàu ngầm Trung Quốc, Bangkok đang làm cho quan hệ với Mỹ thêm căng thẳng, đồng thời tạo ra nguy cơ thách thức kế hoạch “xoay trục về châu Á” của Washington.
Theo Defense News, ngay từ khi quân đội Thái Lan đảo chính lật đổ chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5/2014, nhiều nhà phân tích đã dự đoán Bangkok sẽ nghiêng về phía Trung Quốc, tìm kiếm hỗ trợ quân sự, chính trị và thiết lập các mối quan hệ hợp tác. Bởi khi đó, Mỹ và châu Âu chỉ trích vụ lật đổ này và không công nhận chính quyền quân sự Thái Lan.
Kể từ tháng 5/2014, quan hệ Mỹ- Thái xấu đi nhanh chóng. Không chỉ cắt giảm tài trợ quân sự cho Thái Lan, Lầu Năm Góc trong năm 2015 đã giảm lực lượng tham gia tập trận Hổ mang vàng (Cobra Gold).
Hổ mang vàng vốn là cuộc tập trận hàng năm quy mô lớn giữa Mỹ và các nước đồng minh diễn ra ở Thái Lan, nhưng đến nay cuộc tập trận năm 2016 dường như đang bị hoãn lại.
Đầu tháng này, nội các Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phê chuẩn kế hoạch mua 3 tàu ngầm tấn công Type 039A lớp Nguyên của Trung Quốc, khiến Bangkok càng rời xa Mỹ.
Bị Mỹ xa lánh, Thái Lan gần Trung Quốc hơn
Trang tin quốc phòng Defense News tuần này đưa ra nhận định trên trong bài phân tích về mối quan hệ với hai cường quốc Mỹ, Trung của chính quyền Thái Lan hiện nay.
Báo trên dẫn lời Giám đốc Trung tâm An ninh hàng hải và Ngoại giao thuộc Viện Hàng hải Malaysia Martin Sebastian cho biết hiện một số nước trong khu vực lo ngại rằng biện pháp cấm vận của Mỹ đang đẩy Thái Lan về phía Trung Quốc. “Mỹ đang có thái độ lạnh nhạt với chính quyền quân sự Thái Lan, một ví dụ điển hình là cuộc tập trận Hổ mang vàng”.
Ông Sebastian nhận định bản hiến pháp mới của chính quyền quân sự Thái chắc chắn sẽ gây khó khăn cho quan hệ với Mỹ. Chính quyền quân sự Thái Lan đang chịu nhiều chỉ trích bởi đưa vào những điều luật nhằm hạn chế sự tham gia của các nhóm chính trị trung thành với gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck.
Trang tin Mỹ dẫn nhận định của giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng lý do chính khiến chính quyền quân sự Thái Lan phải tìm đến sự ủng hộ từ Trung Quốc là do bị Mỹ chỉ trích, lạnh nhạt.
“Bằng chứng là Bắc Kinh cũng từng ủng hộ cả 2 cuộc đảo chính ở Thái Lan hồi năm 2006 và 2014”, ông Thitinan nói. “Được Trung Quốc ủng hộ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chính quyền quân sự, tạo hình ảnh tốt, đồng thời cho thấy sự công nhận quốc tế cho Thái Lan trong lúc phương Tây xa lánh Bangkok”.
Quyết định đáng báo động
Bình luận quyết định của Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc, giáo sư người Thái Lan Thitinan cho hay, nhiều chuyên gia quân sự và an ninh của Thái Lan ngạc nhiên và cho rằng đó là quyết định đáng “báo động” bởi hiện các nước phương Tây như Đức hay Thụy Điển là các nhà cung cấp tàu ngầm uy tín và hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, ông Thitinan cho một điều đáng lo ngại là “chính quyền quân sự không muốn giải thích với công chúng lý do Thái Lan cần tàu ngầm và tại sao phải mua từ Trung Quốc”.
Giáo sư người Thái nhận định “quyết định này đã đưa trò chơi địa chính trị lên tầm báo động mới” . Ông cũng cho rằng nó đã đặt tất cả “trứng Thái Lan” vào một “giỏ Trung Quốc”, “và có lẽ là rất nhiều trứng”.
Trong khi đó, Giám đốc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược – châu Á ở Singapore Tim Huxley, lại cho rằng kế hoạch mua tàu ngầm của chính quyền quân sự Thái Lan có thể là một “chiến thuật để làm Mỹ và phương Tây lo lắng”.
Khi xét tới chiến dịch tái cân bằng của Mỹ, giáo sư Thitinan nhận định hợp đồng tàu ngầm trị giá tới 1,1 tỷ USD với Trung Quốc đang làm quan hệ của hai nước Thái Lan, Mỹ – vốn là hai đồng minh – xấu đi nhiều. Đồng thời, động thái này gây ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục của Mỹ ở khu vực châu Á.
“Hợp đồng mua tàu ngầm này đang tạo ra một tình thế nguy hiểm, đòi hỏi Mỹ phải cân nhắc giá trị và cả lợi ích của mình một cách cẩn trọng bởi Mỹ cố siết chặt quan hệ an ninh với các đối tác châu Á trong chiến lược xoay trục”, giáo sư Thitinan được Defense News trích lời.
Ông Thitinan cũng cho biết khác với Mỹ, Trung Quốc có thể trở thành đối thủ kinh tế không ràng buộc và xung đột trong vấn đề an ninh của Thái Lan. Còn đối với Trung Quốc, Bangkok có vai trò quan trọng trong ASEAN và không phản đối hay chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Trí Lê (Theo Dân Trí)
- Ukraina lần đầu tiên giới thiệu thị thực điện tử cho người nước ngoài
- Thái Lan bơm nước, Việt Nam bị đe dọa
- Trung Quốc đòi Mỹ “dừng khoe cơ bắp” ở biển Đông
- Tổng thống Thein Sein và cuộc giải thoát Myanmar khỏi vòng tay Trung Quốc
- Trưa nay, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Hà Nội
- Ông Tập Cận Bình và chiến lược ngoại giao mới của Trung Quốc
Trả lời