Thái Lan bơm nước, Việt Nam bị đe dọa

Thái Lan vừa vận hành ba trạm bơm công suất lớn hút nước từ sông Mê Kông mà không hề tham vấn các nước có liên quan.

Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và khu vực, Thái Lan vẫn tiến hành dự án “nắn” dòng sông Mê Kông nhằm dẫn nước vào các khu vực hạn hán vùng đông bắc. Tờ Bangkok Post dẫn lời phát ngôn viên Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái (RID) Thanar Suwattana cho hay cơ quan này đã tiến hành bước đầu tiên của dự án là vận hành 3 trạm bơm có công suất 12.000 lít/giây mỗi trạm để chuyển nước từ sông Mê Kông đến lưu vực sông Huay Laung ở tỉnh Nong Khai.

Né tránh nghĩa vụ

Tờ Bangkok Post dẫn một nguồn tin am tường dự án tiết lộ RID đã dùng từ “sử dụng” nước thay vì “chuyển dòng” nhằm né nghĩa vụ tham vấn trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Kông (MRC). Theo nguyên tắc, bất kỳ dự án chuyển dòng nào từ sông Mê Kông cũng cần phải có sự tham vấn hoặc cho phép của các thành viên MRC. Ông Thanar Suwattana cũng phân trần rằng “số lượng này nhỏ nên sẽ không có bất kỳ tác động nào đến mực nước”.

Tuy nhiên, ông Senglong Youk, Giám đốc chương trình hành động liên minh ngư nghiệp Campuchia (FACT) cho biết “sử dụng” nước chỉ là cách “nói tránh”, và đây là dự án xấu vì sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sống dọc sông Mê Kông. “Tham vấn cộng đồng và nghiên cứu toàn diện, ví dụ như đánh giá tác động môi trường, là rất quan trọng. Đối với dự án này, ngay cả người Thái cũng không ủng hộ. Chính quyền Thái phải biết lắng nghe dư luận”, ông Senglong Youk nói.

Trong khi đó, ông Sopheak Meas, người phụ trách truyền thông của MRC, khẳng định: “Ban Thư ký MRC không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc chính phủ Thái Lan muốn chuyển hướng nước từ sông Mê Kông”.

Ảnh hưởng lớn đến hạ lưu

Ông Philip Hirsch, Giáo sư về địa lý nhân văn tại Đại học Sydney (Úc), cảnh báo việc bơm nước quy mô lớn từ sông Mê Kông sẽ là mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh nguồn nước vào mùa khô của Campuchia và Việt Nam. Ông giải thích: “Người dân đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc nhiều vào dòng nước mùa khô khi dùng để tưới tiêu, sinh hoạt và ngăn mặn. Vì vậy, giảm dòng chảy do khai thác phía thượng nguồn sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ lưu”.

Về vấn đề này, bà Pianporn Deetes, Giám đốc truyền thông của Tổ chức Sông ngòi quốc tế nói với Thanh Niên: “Thái Lan phải nhớ rằng sông Mê Kông là nguồn tài nguyên chung của 6 quốc gia, trong đó còn có 2 quốc gia sử dụng nước ở hạ nguồn. Bất kỳ kế hoạch bơm, chuyển hướng, hoặc sử dụng nước từ sông Mê Kông đến Thái Lan cần phải trình qua khu vực và tuân thủ pháp luật cũng như các điều ước quốc tế. Quan trọng hơn, Thái Lan bắt buộc phải tham khảo ý kiến của các cộng đồng bị ảnh hưởng và đánh giá các tác động xuyên biên giới của kế hoạch này”.

Động cơ chính trị ?

Thái Lan đang trải qua đợt khô hạn nặng nề nhất trong 10 năm qua, và các tỉnh vùng đông bắc Thái bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này dẫn đến việc hai sản phẩm xuất khẩu chủ đạo là lúa gạo và cao su giảm mạnh, càng làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay tại Thái Lan. Để giải quyết tình trạng này, Thái Lan đã lập kế hoạch chuyển hướng dòng Mê Kông với tổng số tiền đầu tư lên đến 1,8 tỉ USD. Hiện chính phủ Thái đã và đang xây dựng các cống dọc theo một trong các nhánh sông Mê Kông và đến nay đã xây dựng được 30 hồ chứa gần lưu vực sông.

“Chính quyền quân đội hiện đang bị chỉ trích nặng nề vì không thể giải quyết nhiều vấn đề, nhất là hạn hán. Vì thế, để xoa dịu sự tức giận của nông dân, giải pháp bơm nước từ sông Mê Kông không chỉ là đáp ứng nhu cầu tưới tiêu mà còn vì lý do chính trị”, Phó giáo sư Pavin Chachavalpongpun tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) nhận xét.

Trí Lê (Theo Zing)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề