Kéo kiểm duyệt Trung Quốc vươn ra toàn thế giới

Tham vọng kiểm soát tư tưởng con người bên ngoài biên giới của chính quyền Bắc Kinh là chủ đề chính mục thảo luận của Le Monde. Bài « Bắc Kinh muốn kiểm duyệt toàn thế giới như thế nào » của nhà văn Trung Quốc Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun), vén lộ thực trạng, với nhiều cảnh báo chua chát.

Mộ Dung Tuyết Thôn nhắc lại một ấn tượng đặc biệt của ông cách nay hai năm, khi ông tiếp xúc với trang mạng của một tạp chí Anh, nơi mời ông viết bài. Nhà văn đọc được rất nhiều bài viết ca ngợi hết lời đảng Cộng sản Trung Quốc. Người phụ trách biên tập giải thích tạp chí Anh này phải đăng tải các bài viết nói trên theo yêu cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc, khách hàng đăng quảng cáo. Ông cho biết thêm, nếu trang mạng có quá nhiều bài phê phán đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc, thì các doanh nghiệp sẽ ngừng cộng tác.

Tìm hiểu thêm, Mộ Dung Tuyết Thôn biết rằng tại nhiều nước Châu Âu khác, tại Hoa Kỳ, Úc cho đến Châu Phi, thực tế này là phổ biến. Chỉ riêng tại thành phố Sydney đã có tới 6 tờ báo Trung Quốc, có quan điểm gần gũi với chính quyền. Chính vì thế mà tại Úc, quan điểm của chính quyền Trung Quốc ngày càng có nhiều ảnh hưởng, cho dù phần lớn mọi người dường như không nhận ra.

Nhà văn nhắc lại, hồi tháng 5 vừa qua, tổ chức văn bút Hoa Kỳ Pen America, trong bản báo cáo mang tên « Kiểm duyệt và ý thức: các tác giả nước ngoài và thách thức của kiểm duyệt Trung Quốc », cho thấy nền công nghiệp xuất bản Mỹ và một số nhà văn Mỹ đã bị đặt dưới sự kiểm duyệt của Bắc Kinh. Tình hình tại Úc là rất rõ. Một bài viết trên The Australian năm 2014 cho biết, kênh truyền thông có tiếng ABC đã ký một thỏa thuận đối tác, chia sẻ nội dung, với tập đoàn truyền thông Trung Quốc Shanghai Media. Điều đó có nghĩa là các chương trình tại Úc sẽ được kiểm duyệt từ Trung Quốc.

Riêng tại Hồng Kông, từ khi thành phố 7 triệu dân trở về thuộc chủ quyền Trung Quốc, theo nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn, « gần như không còn một kênh truyền thông nào còn giữ được sự độc lập thực sự, các nhà chính trị thì càng ngày càng giống với các bí thư chi bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Những người biểu thị thái độ chống chính quyền Bắc Kinh ngày càng bị mafia đe dọa nhiều hơn ».

Nhà văn Trung Quốc kết luận, nền văn minh (nhân loại) là một hiện thực toàn thể. Khi chính phủ một nước tìm cách bịt miệng người viết, thì đó không chỉ đối với cư dân một nước, mà đối với cả nhân loại. Ông cảnh báo: ở Phương Tây, nạn kiểm duyệt Trung Quốc là một chuyện dường như xa xôi, nhưng nếu một ngày nào đó, các vị nhận thấy báo chí của các vị ngày càng ít các bài phê phán Trung Quốc, các trí thức và truyền thông đồng thanh ca ngợi Trung Quốc, và nhiều chính trị gia công khai bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, hy vọng lúc đó các vị sẽ nhớ lại lời tôi hôm nay.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề