Những điều ước nhỏ

Dẫu biết đầu năm thì không nên nói chuyện buồn, nhưng có nỗi niềm theo tôi sang cả năm mới và tôi hy vọng mọi thứ sẽ dần thay đổi, dù chỉ là chuyển biến nhỏ.

Chiều cuối năm, tôi và vài người bạn đến xóm trọ của những thợ hồ ở phường An Phú, quận 2. Dân ngụ cư trong xóm phần đông là người miền Tây lên Sài Gòn làm công nhân ở các công trình xây dựng chung cư cao cấp đang mọc lên ngày càng nhiều trên địa bàn quận. Cách cao ốc Cantavil chưa đầy một cây số nhưng cư dân xóm trọ có cuộc sống dường như tách biệt hoàn toàn với văn minh đô thị.

Những phòng trọ ở đây mái lợp lá dừa nước, nền tráng xi măng sơ sài, và nhà vệ sinh là chiếc cầu cá tra được bắc trên một khoảnh ao nhỏ sau nhà, trông như miền Tây thu nhỏ giữa Sài Gòn. Quả thật, đã từng đến nhiều khu trọ công nhân, nhưng tôi chưa thấy nơi nào điều kiện sống tồi tàn như thế này.

Chúng tôi gặp những gia đình thợ hồ, vì một lý do nào đó, chẳng hạn như giá vé xe Tết tăng, chủ thầu nợ tiền công, không đủ tiền về quê… đành phải ở lại Sài Gòn Tết này. Họ đoàn tụ gia đình bằng cách đón con từ quê lên ăn Tết cùng. Theo chị Nương, một thợ hồ ở xóm, đó là cách cả nhà được sum họp mà tiết kiệm nhất có thể. Đứa nhỏ sẽ được ba má sắm cho bộ quần áo mới vài chục ngàn đồng. Đàn ông thì uống xị rượu. Đàn bà đánh vài ván bài. Vậy là Tết đến, xuân về. Không mai, cúc, hồng, cũng chẳng bánh tét, thịt muối, củ kiệu.

Phụng, 10 tuổi, quê Đồng Tháp, cô bé chúng tôi gặp trong sân xóm trọ là một trong số những đứa trẻ được ba mẹ đón lên Sài Gòn trong Tết này. Phụng hớn hở khoe được ba mẹ dẫn lên ăn Tết vui lắm, dù trên này không gần ông bà và chẳng có hoa mai. Dưới quê em, người ta tuốt lá mai từ đợt rằm… giờ mai vàng rực cả góc sân.

Hồi ba mẹ mới lên thành phố làm thợ hồ, Phụng khóc thầm suốt, đi học về là khóc. Chú em thấy em buồn cho tiền đi mua kẹo nhưng lúc ấy em buồn quá, không muốn ăn gì cả. Giờ em ở nhà chú quen rồi, không còn nhớ ba mẹ nữa. Nhưng mỗi lần Tết, trường cho nghỉ học là em lại ngóng ba mẹ về. Sau một hồi tâm sự, Phụng bảo: “Em ước học thật giỏi đặng sau này làm ở công ty để không phải làm việc ngoài nắng và không bị ai quỵt tiền”.

Ở xóm trọ ấy, chúng tôi còn gặp cô bé 9 tuổi người Khmer tên Phăth. Phăth đẹp và thích vẽ. Nhiều đứa trong nhóm bảo con bé sau này đạt danh hiệu hoa hậu các dân tộc như Trương Thị May không chừng. Trong căn phòng trọ chưa đầy 20 mét vuông, ánh sáng như chỉ vào một nửa, nước đọng đầy góc bếp, Phăth vẽ ba mẹ, chị gái và em nắm tay nhau. Tôi lật những trang vẽ trước của Phăth cũng chỉ thấy một hình ảnh tương tự. Cương, chị gái Phăth kể, mấy năm nay, ba mẹ đi làm xa, em ở nhà chăm Phăth.  Em muốn lên Sài Gòn ở cùng ba mẹ vì một mình dưới quê em sợ lắm, nhất là khi đêm xuống, mưa về. Nhà hai đứa thì ở giữa cánh đồng vắng ngắt…

Nhiều thợ hồ gửi con ở quê để lên Sài Gòn mưu sinh – Ảnh: B.U

Ở đó, còn nhiều đứa trẻ khác, chúng nhem nhuốc, chân đầy sẹo do muỗi đốt. Đứa nào cũng gầy nhom, nhỏ con hơn so với lứa tuổi của mình. Tôi hỏi ba mẹ các em sao không ở quê làm việc để gần con cái? Hầu hết câu trả lời là “do không có ruộng đất”. Họ cũng không thể mang con lên thành phố khi công việc thất thường, tiền công không phải lúc nào cũng được chủ thầu trả sòng phẳng, đúng hẹn. Tôi nhớ mẹ Phụng đã phì cười khi nghe tôi đề cập đến việc đưa bọn nhỏ lên trên này học, như thể chị đang nghe chuyện gì viển vông, mơ mộng lắm vậy. “Tiền công một ngày của thợ hồ nam là 220.000 đồng, của nữ là 180.000 đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có việc; trừ đi chi phí nhà trọ một tháng khoảng 1 triệu đồng, tiêu xài tằn tiện, tui chỉ còn đâu chừng 1 triệu để dành’, mẹ Phụng nói sau một hồi nhẩm tính.

Sau chuyến đi, một bạn trong nhóm hỏi, phải làm gì tiếp theo để giúp bọn trẻ ở xóm trọ này. Hỏi thế thôi chứ chúng tôi thừa biết chẳng có câu trả lời. Một hộp sữa, cái bánh giúp bọn trẻ vui hơn trong vài khoảnh khắc nhưng không giải quyết được gì cả. Sau Tết, Phăth sẽ về quê và có thể không lâu sau đó, em sẽ nghỉ học từ lớp 7 như chị gái mình. Hay Phụng có thể sẽ bị lừa bán qua Campuchia như anh trai trong câu chuyện mà cô bé thì thầm với tôi chiều hôm ấy…

 

Một quán bán tạp hóa trong xóm trọ – Ảnh: B.U

Chiều cuối năm, chúng tôi cảm thấy mình bất lực. Đó không phải là sự bất lực trước số tiền cần quyên góp, bởi lẽ nếu thêm nhiều người góp tay vào mọi chuyện cũng sẽ chỉ giải quyết được phần nổi. Phải có gì đó thay đổi về chất chứ không phải là nhiều hơn những hộp sữa hay bộ quần áo mới. Mọi sự dường như ngoài tầm với của chúng tôi…

Cách đó chưa đầy một cây số, ngoài đường song hành với Xa lộ Hà Nội, đường bán cây kiểng Tết mọc lên càng làm cho những chung cư cao cấp thêm sang trọng, phồn hoa. Ba mẹ của chị em Phăth, của Phụng có thể đã từng trộn hồ, tô màu cho những bức tường cao ốc hiện đại này. Những bức tường trắng tinh tươm mà tôi có thể nhìn thấy từ sân xóm trọ. Đó là một cảnh tượng hoàn toàn tương phản với dãy nhà vách lá của xóm thợ hồ.

Người Pháp có câu “C’est la vie” – “Đời là thế”. Phải có sự giàu nghèo, khoảng cách, khác biệt, đó mới là dáng vóc của cuộc đời này. Nhưng giá như, bớt đi những đứa trẻ bị muỗi đốt, thêm nhiều thợ hồ được trả công đúng ngày hay đơn giản chỉ là giá xe ngày Tết không leo thang để những cuộc đoàn viên bớt nhọc nhằn, cuộc đời hẳn vui hơn rất nhiều. Năm mới người ta có quyền tràn trề hy vọng, nhưng những điều trên nào có quá hão huyền, xa vời?

Bảo Uyên (thesaigontimes.vn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề