Hơn 350.000 di dân đổ vào Châu Âu trong năm nay

Tổ chức Di dân Quốc tế IOM cho hay hơn 350.000 di dân đã thực hiện các chuyến hải hành đầy hiểm trở vượt Địa Trung Hải trong năm nay, chạy trốn tình trạng hỗn loạn và nghèo đói ở Trung Đông và Châu Phi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn tại Châu Âu. Thông tín viên đài VOA Mike Richman có bài tường thuật về một trong những làn sóng di dân lớn nhất Châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai tới nay.

Tổ chức IOM hôm qua loan báo hơn 234.000 người tị nạn đã đặt chân lên bờ biển của Hy Lạp. 114.000 người khác đã tới Italy và các nhóm nhỏ hơn đã cập bến Tây Ban Nha và Malta.

Khoảng 2.600 trăm người đã thiệt mạng, thường là bị chết đuối khi những chiếc tàu ọp ẹp, quá tải do các tay buôn người lèo lái bị chìm.

Hungary là một trong những cửa khẩu chính của di dân để bước vào Liên hiệp Châu Âu, hơn 156.000 di dân đã đặt chân tới đây trong năm nay.

Hôm qua, chính quyền Hungary đóng cửa rồi sau đó cho mở lại nhà ga xe lửa chính của Budapest, nhưng vẫn cấm không cho di dân nhập cảnh.

Một ngày trước đó, chính quyền Hungary bắt đầu cho những di dân đã cắm trại bên ngoài trong nhiều tuần qua được lên tàu mà không bị kiểm tra visa. Nhưng tới hôm qua, nhà chức trách đã đảo ngược quyết định và đình chỉ việc này, khiến hàng ngàn di dân bị kẹt lại bên ngoài. Các giới chức nói họ đang nỗ lực tuân thủ luật lệ của Liên hiệp Châu Âu.

Di dân giơ vé tàu của họ bên ngoài nhà ga đường sắt ở Budapest, Hungary, ngày 1/9/2015.

Di dân giơ vé tàu của họ bên ngoài nhà ga đường sắt ở Budapest, Hungary, ngày 1/9/2015.

Ít nhất 2.000 người bị kẹt tại sân ga quốc tế chính ở Budapest, Hungary sau khi chính quyền đột ngột ngừng không cho những di dân không có visa từ Liên hiệp Châu Âu được lên tàu sang Đức và Áo.

Nhiều di dân thỉnh cầu chính quyền Hungary cho họ được đáp các chuyến xe lửa sang hai nước này.

Một người tị nạn Syria không nêu tên phát biểu:

“Thỉnh cầu của chúng tôi rất ư đơn giản, chúng tôi chỉ cần được phóng thích, chỉ cần qua Hungary. Chúng tôi không cần gì từ chính phủ Hungary cả. Họ muốn gì ở chúng tôi chứ?”

Tuần rồi, Đức loan báo sẽ cho phép di dân từ Syria nộp đơn xin quy chế tị nạn trong biên giới của Đức.

Việc áp dụng các quy định không nhất quán đã khiến nhiều di dân lâm vào thế kẹt vì nhiều người hoặc là không có giấy tờ cần thiết hoặc là không có tiền để mua vé tàu.

Một nhân viên Eurostar (giữa) nói chuyện với hành khách bức xúc và phẫn nộ vì các chuyến tàu bị đình trệ đêm hôm 1/9/2015.

Một nhân viên Eurostar (giữa) nói chuyện với hành khách bức xúc và phẫn nộ vì các chuyến tàu bị đình trệ đêm hôm 1/9/2015.

Các chuyến xe lửa Eurostar nối liền Anh và Pháp đêm qua bị ngưng trệ trong nhiều giờ đồng hồ vì nghi rằng các đường ray bị những di dân bất hợp pháp phong tỏa. Đây là một trong những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng di dân tại Châu Âu. Hàng trăm hành khách bức xúc và phẫn nộ vì các chuyến tàu bị đình trệ đêm qua. Có 5 tuyến xe lửa từ Paris đi London bị ảnh hưởng. Hành khách phàn nàn rằng họ phải chờ đợi trong tình trạng bị cúp điện và hệ thống điều hòa nhiệt độ.

Khoảng 2.000 di dân đã đến được thành phố Munich của Đức. Hôm qua, các nhóm người tị nạn vẫn tiếp tục đổ bộ xuống ga xe lửa của thành phố này.

Cảnh sát ở Munich lâu nay phải đương đầu với số lượng lớn các di dân mới tới, trong khi các tình nguyện viên giúp cung cấp nước uống và thực phẩm cho họ.

Phát ngôn nhân cảnh sát Munich, Matthias Knott, cho biết:

‘Cảnh sát tại Bayern nhiều tháng nay phải đối mặt với một thách thức lớn. Chúng tôi phải tăng viện nhiều lần trong nhiều tuần qua. Tình hình sẽ vẫn là một thách thức lớn, nhưng chúng tôi sẽ giải quyết được.’

Đức tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu, tổng số có thể lên tới 800.000 người vào cuối năm nay.

Trong những tuần sắp tới, dự kiến có thêm hàng ngàn di dân nữa cập bến Châu Âu. Liên hiệp Châu Âu gồm 28 nước thành viên dự định tổ chức các cuộc họp khẩn bàn về vấn đề nhập cư vào ngày 14 tháng 9 tới đây.

Hungary đang cho dựng một hàng rào dài ở biên giới phía Nam với Serbia để đối phó với cuộc khủng hoảng di dân.

Hungary đang cho dựng một hàng rào dài ở biên giới phía Nam với Serbia để đối phó với cuộc khủng hoảng di dân.

Một phát ngôn nhân cho cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc, Babar Baloch, nói với đài VOA rằng ‘Tất cả các nước có trách nhiệm riêng của mình trong việc đương đối với cuộc khủng hoảng di dân.’

Hungary đang cho dựng một hàng rào dài ở biên giới phía Nam với Serbia. Bộ trưởng Quốc phòng Csaba Hende cho các nhà lập pháp biết 3500 binh sĩ có thể sẽ được điều động tới đường biên giới để đương đầu với cuộc khủng hoảng nhưng sẽ không cho phép dùng vũ lực chết người.

Nhà chức trách Áo cho hay tổng cộng có 3650 di dân đã tới Vienna hôm thứ hai. Năm nay, đây là tổng số lớn nhất trong một ngày và là số mới nhất trong làn sóng di dân tìm đường tị nạn sang Liên hiệp Châu Âu.

Nguồn Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề