Hoa lá khô cuối thu Kharkov

Đã cuối thu. Kharkov xem chừng dễ chịu hơn thủ đô Kiev. Nhưng thì giờ ít quá, tôi phải đi phía Đông Ukraina, về miền Donetsk.

Thật tiếc khi không đến thăm tượng đài nhà thơ lớn nhất Ukraina – Taras Shevchenko – ở Kharkov. Thật ra ở Kiev tôi đã gặp lại ông, trước đó thì chỉ qua thơ dịch, tất nhiên đó là một tượng đài đẹp. Taras Shevchenko (1814 – 1861) có mặt ở nhiều thành phố Ukraina thì đã đành, bởi ông còn lớn hơn mọi tượng đài bằng vật liệu. Ông chính là tượng đài của tâm hồn và ý chí của người Ukraina. Cũng đã khá lâu rồi, người ta còn lấy ông làm biểu tượng của tình anh em giữa nước Nga và Ukraina, khi dựng thêm một tượng đài mới của ông ở Saint Peterburg – nơi từ một cậu bé nông nô có tài được gửi đến đó và học vẽ khi sau khi trở thành người tự do – với sự có mặt của Tổng thống Nga – Putin, Tổng thống Ukraina – Kuchma. Tượng đài ông còn đầy ra đấy, ở tận thủ đô nước Mỹ đến cả đất nước Brazil xa xôi… Điều tôi tiếc là không đến được đài tưởng niệm những Kobzar (từ chỉ Người hát rong) bị giết hại và đầy đọa ở Kharkov. Rất nhiều người trong số họ bị xem là kẻ thù, đối tượng phản động của chế độ Nga hoàng và chế độ Soviet. Taras Shevchenko có tập thơ mang tên “Kobzar” (Người hát rong) là bởi thế, và cũng vì ông chính là một người hát rong bằng thơ ca để bị tù, lưu đày suốt 15 năm…

Việc của tôi, lúc này cũng không phải lần theo những danh nhân văn chương nghệ thuật, những cảnh đẹp, nơi chốn thù tạc… Nhưng tôi phải đến các quảng trường. Cái từ quảng trường – Maidan đã trở thành thông dụng khi nói về cuộc nổi dậy của người dân Ukraina mong muốn một đất nước có cơ hội để phát triển, để dân chủ hơn, công bằng hơn hàng chục năm qua. Đương nhiên tôi phải đến Quảng trường Độc lập ở Kiev, nơi những dấu tích đau thương còn đó. Ngày tôi qua Quảng trường Tự do ở Kharkov – đứng hàng thứ 8 ở Châu Âu – tượng đài Lenin vừa bị kéo sập trước đó mấy ngày, khi tôi còn ở Kiev. Quảng trường quạnh hiu, dù đã gần trưa và trời rất đẹp. Đầy nắng, ít gió và chỉ hơi lạnh. Không mấy khách du lịch nước ngoài vì bất ổn về xung đột. Và có lẽ, rất ít dân nội địa du lịch, vì nền kinh tế đang tuột dốc. Người Ukraina kiêu hãnh và tự trọng, nên tôi chỉ thấy có hai ông già ăn xin nhưng vẻ mặt xem ra khá vui tính, không hề đóng vai đau khổ dù có đang ở dưới đáy.

preview_original

Tôi đi về phía mấy người đàn bà, bán hoa khô và dăm món đồ lưu niệm bày gọn ghẽ trên bờ tường. Họ chỉ khẽ cười, nói gì đó nhỏ nhẹ như tự nói một mình. Tôi chọn mua một con cú bện bằng vải, lông nhân tạo và có đôi mắt nhựa to của cái cô bán hàng nhơ nhỡ tuổi, còn khá đẹp. Con cú tinh nhanh và vẫn hồn nhiên. Ấy là tôi muốn tặng cô bạn gái để treo trong xe ôtô, dù cô đã đủ sự tinh nhanh nhưng không hồn nhiên lắm. Tôi vừa đi vừa ho dữ dội. Bị cảm lạnh nặng nên viêm họng suốt từ những ngày ở cái tỉnh dựng cột mốc Á – Âu của nước Nga – Ekaterinburg. Anh bạn vốn học bên Nga, giờ làm ăn ở Kharkov kéo tôi dừng lại bên hàng của một bà già đang lào thào gì đó như cầu kinh. “Bà ấy bảo anh nên mua nắm lá, nắm cỏ này về uống sẽ khỏi”. Rất rẻ. Anh bạn mua cho tôi và dịch lại bà cụ nhắc nhở cách dùng. Tôi muốn mua một bó lá và hoa khô được tết lại cẩn thận và khá đẹp. Cỏ và hoa nhiều màu sắc. Rung rung trên tay tôi những hạt cỏ rơi khe khẽ… Bà cụ bảo, cố mà mang về, nó mang lại điều hy vọng và sự may mắn…

Trước mắt tôi, qua ô cửa sổ tàu nhanh là cánh đồng đang chờ vụ gặt mới trải dài suốt dọc đường về Kiev. Tôi còn nhớ anh lính xuất khẩu lao động giờ ở lại, và cũng trở lại gốc nông dân, làm thuê cho một trang trại, xòe bàn tay thô ráp bốc nắm đất khoe, đất tốt lắm, quê nhà mình không có được đâu… Tôi đã đi hầu khắp các vùng đất Ukraina, chỉ trừ phía Tây sang Ba Lan. Đúng thế! Đất tốt lắm. Người Ukraina cần cù, nhân hậu, Thế mà sao qua bao thế kỷ đến tận giờ này… Ukraina sẽ ra sao? Bó hoa lá khô tôi vẫn để trên cái bàn nhỏ trước mặt. Không biết bao giờ tôi mới có thể trở lại xứ này. Tôi đã nói với bạn bè rằng, rất khó, bởi còn phải dành chút thời gian và sức khỏe không còn nhiều để đi đến những xứ sở khác. Nhưng tôi sẽ nhớ, và sẽ nhớ bó hoa lá khô, và gói lá khô chữa cảm cúm, viêm họng này. Và tôi cũng sẽ nhớ những câu thơ của người hát rong Taras Shevchenko về “Người cắt cỏ”: “Người cắt cỏ trong đêm/ Không phải mùa cắt cỏ… Gặp những con cú vọ/ Người không hề ngơi nghỉ/ Không để ý một ai/ Hỏi hay không cũng thế/ Không van xin nài nỉ/ Người không mài lưỡi đao/ Ngoại ô hay thành phố/ Giống như con dao cũ/ Không cần mài lần nào…”. Khi ấy nhà thơ đang ở trong tù: “Đến lượt người thấy tôi/ Ở nơi chốn xa xôi/ đang ngôi sau song sắt/ Không ai cho thập ác/ Và quên lãng giữa đời” *.

Tôi tin thế giới này không quên Ukraina, không quên Taras Shevchenko. Còn tôi có lẽ cũng thế. Ít nhất là nhớ đến bó hoa lá khô và gói thuốc bằng lá cỏ cuối mùa thu này, ở Kharkov…

* Theo bản dịch từ tiếng Ukraina của Nguyễn Việt Thắng.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề