Đông Nam Á tham chiến chống IS

Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên vừa chính thức tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Vậy Đông Nam Á với IS có quan hệ gì?

Bộ Quốc phòng Singapore ngày 4/11 thông báo, nước này sẽ gửi nhân viên quân sự và trang thiết bị tham gia liên minh quốc tế chống IS.

Sự tham gia của Singapore sẽ gồm việc cử các cố vấn và sĩ quan liên lạc, máy bay tiếp nhiên liệu và một đội ngũ phân tích hình ảnh. Tuy nhiên, các lực lượng chiến đấu sẽ không được đưa tới Iraq và Syria, mà sẽ được triển khai tại các nước xung quanh với các lực lượng đồng minh khác. Thời gian triển khai sẽ được xem xét theo từng năm.

Tại các quốc gia Hồi giáo như Indonesia và Malaysia, cũng như ở các nước mà người Hồi giáo là cộng đồng thiểu số, nhưng đông đảo như Philippines, ảnh hưởng của tổ chức IS ở nhiều mức độ khác nhau.

Theo các nhà nghiên cứu, Đông Nam Á là vùng đất cung cấp chiến binh cho IS, ngược lai tổ chức này tạo nguồn cảm hứng cho các nhóm cực đoan. Nước chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất là Malaysia. Điều này cũng dễ giải thích: Xu hướng Hồi giáo cực đoan rất mạnh ở Malaysia, còn mạnh hơn cả ở Indonesia chẳng hạn.

Chỉ cần lược qua các bài tường thuật của giới báo chí và truyền thông Malaysia thì có thể thấy là IS đã tuyển mộ được hàng chục thanh niên Malaysia thông qua các mạng xã hội trên Internet. Số thanh niên này được huấn luyện trong nhiều tháng tại Malaysia trước khi đi qua Syria hay Iraq. Đã có ít nhất một trường hợp của một thanh niên Malaysia tiến hành khủng bố tự sát tại Iraq và đã làm thiệt mạng hàng chục lính Iraq.

Ở Indonesia, đạo Hồi nói chung được diễn giải một cách ôn hòa hơn là ở Malaysia. Cho nên số người mà tổ chức thánh chiến tuyển mộ được có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên cũng phải công nhận là ý thức hệ của IS rất gần với phong trào Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamyah, đặt căn cứ ở Indonesia và là tác giả vụ khủng bố đẫm máu ở Bali năm 2002. Tổ chức Jemaah Islamyah cũng muốn xây dựng một vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á.

Thế nhưng tổ chức đã bị suy yếu nhiều sau hàng loạt chiến dịch truy quét của cảnh sát Indonesia. Họ không còn tiến hành khủng bố trong mấy năm gần đây. Cho dù vậy, sự vươn lên của IS cũng nguy hiểm đối với Indonesia vì sự kiện này có thể khơi dậy trở lại lại ngọn lửa cực đoan của phong trào Jemaah Islamyah.

Tại Philippines, có hai tổ chức Hồi giáo vũ trang không đông đảo lắm đã tuyên bố quy phục tổ chức IS thông qua các video được đưa lên mạng Internet.

Nhóm thứ nhất là Abu Sayyaf, ở trên đảo Jolo và Basilan, ngoài khơi vùng bờ biển phía Nam Philippines. Nhóm thứ hai là một tổ chức mới, cũng rất nhỏ, lấy tên là Chiến sĩ Hồi giáo cho Tự do Bangsamoro. Nhóm này là thành phần ly khai từ phong trào Hồi giáo lớn ở vùng Mindanao, miền Nam Philippines – Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro MILF, đã vừa ký kết hiệp định hòa bình với Manila.

Phong trào MILF có 12.000 quân và không ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, do đó tổ chức thánh chiến ở Trung Đông không có ảnh hưởng lớn ở Philippines. Một số nguồn tin đã khẳng định là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo dường như đã tuyển mộ người ở Mindanao, nhưng điều này không được chính thức xác nhận.

Tóm lại, có thể nói rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo là nguồn cảm hứng rõ rệt cho hai nhóm Abu Sayyaf và Chiến sĩ Hồi giáo cho Tự do Bangsamoro. Trong những đoạn video phô trương các con tin mà họ đang cầm giữ, hai tổ chức này đã lấy lại các cảnh dàn dựng và lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Theo giới phân tích, không hề có mối liên hệ nào được thiết lập giữa du kích quân Hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan với IS. Thế nhưng cũng có thể có những liên lạc qua internet.

Cuộc nổi dậy ở miền Nam Thái Lan là một phong trào mang tính chất dân tộc và sắc tộc, trong đó khía cạnh tôn giáo chỉ là thứ yếu. Cuộc nổi dậy này cũng gắn chặt với các vấn đề địa phương, cục bộ, ngay cả tính chất khu vực cũng không có, huống chi là tính chất “thế giới Hồi giáo” nói chung.

Như vậy Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gửi quân tham chiến chống IS. Cái đáng nói ở đây là nếu xét trong tổng thể các nước khu vực này thì Singapore chả dính dáng gì tới nguy cơ từ IS. Giải thích cho quyết định tham chiến, giới chức Singapore nói chiến dịch này phù hợp với những nỗ lực chống lại các mối đe dọa khủng bố của nước này triển khai suốt 10 năm qua.

Nguồn: PetroTimes


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề