Cuộc chiến Syria xoay chiều

RFI – Bên cạnh sự kiện châu Âu ngày càng theo xu hướng dân túy, một chủ đề thời sự đập mắt khác hôm nay 09/02/2016 trên trang nhất báo Pháp là tình hình chiến sự Syria có vẻ đang xoay chiều. Quân đội Damas, được không quân Nga yểm trợ, tiếp tục tiến quân nhằm tái chiếm Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria hiện đang ở trong tay phe nổi dậy.

Báo Le Monde nhận định trong hàng tựa đầu: «Aleppo, trận đánh quyết định đối với chế độ Assad». Tờ báo Pháp nhận thấy Aleppo, được gọi là thành trì của phe nổi dậy, sắp bị bao vây, và cuộc tiến quân của lực lượng chính phủ Damas từ đầu tháng này với sự yểm trợ của không quân Nga, là một bước ngoặt trong cuộc nội chiến Syria.

Le Monde đã vạch mặt chỉ tên Nga là phía đã chọn lá bài tấn công quân sự, và nhấn mạnh trong hàng tít lớn trang trong: « Chiến dịch tấn công Aleppo làm ngành ngoại giao chết đứng ». Tờ báo cũng khéo léo quy trách nhiệm: Thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, phe nổi dậy Syria và các đồng minh của họ đã không thể đối phó với chiến dịch tấn công của Nga.

Không chỉ thế, phe nổi dậy chống chế độ Damas còn vấp phải nạn đào ngũ. Các trận oanh kích ồ ạt của Nga nhắm vào lực lượng Quân Đội Syria Tự Do đã làm cho các chiến binh mất tinh thần. Họ cũng không thấy triển vọng sáng sủa gì, cho nên hàng trăm người đã rời bỏ chiến trường, chạy đi tị nạn, chạy sang Đức, như một người đã kể lại với tờ báo. Trong tình hình đó, phe nổi dậy Syria đã phải chiêu mộ ngày càng nhiều thanh niên không có kinh nghiệm chiến đấu.

Báo Le Figaro cũng dành một tựa đập mắt trang nhất, nhưng nêu góc độ khác: « Trận đánh Aleppo làm quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nghiêm trọng thêm », vì chiến sự không chỉ đẩy hàng ngàn người chạy lánh nạn về biên giới Thổ, mà cả phe nổi dây cũng đã phải tháo lui rút về đấy.

Le Figaro còn dành hai trang trong mục Sự kiện cho đề tài Syria, và cũng nhận định trong hàng tít chạy dài cả hai trang: « Aleppo bước ngoặt của cuộc nội chiến Syria». Cuộc tiến công của quân đội Damas với các cuộc oanh kích của Nga đã làm thay đổi ván cờ quân sự và ngoại giao. Tiến trình hòa bình đàm phán ở Vienna và Genève kể như đang thoi thóp.

Theo quan sát của tờ báo, ông Putin đã áp dụng chiến lược từng thực hiện ở Grosny để loại trừ phe nổi dậy Tchetchenia: Diệt trừ đối thủ dưới thảm bom, buộc thường dân phải di tản, và đồng thời gạt bỏ những thành phần có thể ngồi vào bàn đàm phán cho một giải pháp chính trị. Ở Aleppo, một người thuộc phe nổi dậy trả lời tờ báo qua điện thoại, mô tả cảnh có khi có đến 10 chiếc máy bay nã tên lửa cùng một lúc. Trong tình hình hiện nay, Le Figaro e ngại phương Tây có nguy cơ không còn « đòn bẩy » ở Syria, mất đi ảnh hưởng chiến lược ở Trung Đông.

Aleppo: Uy tín phương Tây bị sứt mẻ

Libération cũng cùng nhận định trong bài phân tích đề tựa: « Aleppo, một thách thức cho uy tín của phương Tây ». Trận đánh Aleppo phơi bày một thực tế mà Washington và các thủ đô phương Tây khác không muốn nhìn nhận, khi dấn thân vào cuộc chiến với ưu tiên là chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Tờ báo chỉ trích thái độ thận trọng, e dè nhất là từ phía tổng thống Mỹ, và cho là nếu Aleppo thất thủ, đó sẽ là một thảm kịch không chỉ đối với người dân tại đấy, với lực lượng nổi dậy, mà cả đối với uy tín của phương Tây.

Libération cho là tình hình rất khẩn cấp, phải tìm cách trợ giúp phe nổi dậy, kể cả về mặt quân sự. Nếu không phương Tây sẽ bị xem thường về thái độ yếu đuối, hèn nhát của mình.

Đồng yuan Trung Quốc làm kinh tế thế giới đứng ngồi không yên

Mới đầu năm mà chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã khiến cả thế giới bồn chồn. Ngay trên trang nhất của mình, trong một hàng tựa nhỏ, báo Le Monde đề ngày hôm nay, 09/02/2016 đã đặt câu hỏi « Tại sao đồng yuan – tức đồng nhân dân tệ – lại làm thế giới run rẩy ». Ở trang nhất phụ trang kinh tế, tờ báo giải thích là « chính sách tiền tệ mập mờ của Trung Quốc đang tạo ra bất ổn trên thị trường và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng lên một cuộc chiến tranh tiền tệ ».

Đối với Le Monde, năm 2016 đã bắt đầu một cách gian nan cho Trung Quốc với một loạt sự kiện không hay, từ việc thị trường chứng khoán sụp đổ, vốn nước ngoài ồ ạt tháo chạy, cho đến môt tiến trình chuyển đổi kinh tế tế nhị. Theo số liệu của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc công bố hôm Chủ nhật 07/02, dự trữ ngoại hối của nước này đã bị mất đến 99,5 tỷ đô la riêng trong tháng Giêng, làm cho kho tiền khổng lồ này chỉ còn là 3.230 tỷ đô la, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Nếu tính từ tháng 6 năm 2014, khi kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 4.000 tỷ đô la, thì tổng số ngoại tệ mà Trung Quốc phải tung ra để mua lại đồng nhân dân tệ lên đến 770 tỷ đô la. Sở dĩ Bắc Kinh đã phải tiêu tốn cả trăm tỷ đô la như vậy, theo Le Monde, đó là để hỗ trợ đồng yuan của mình trong cơn điêu đứng.

Nhận định của tờ báo Pháp rất rõ ràng: Nếu vài tháng trước đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn làm cho mọi người tin tưởng, thì vào lúc này, nó đang trở thành nguyên nhân gây lo ngại. Tình trạng tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, kèm theo mối hoài nghi về khả năng chính quyền nước này kiểm soát được tình hình đã thường xuyên làm rung chuyển các thị trường chứng khoán thế giới.

Điểm tệ hại hơn nữa, theo Le Monde, là các thông tin mâu thuẫn mà Bắc Kinh nhỏ giọt ra về vấn đề này lại càng làm cho mọi người thêm lo. Tờ báo Pháp đã nêu bật một ví dụ điển hình:

Trong những tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã phá giá mạnh đồng tiền của mình so với đồng đô la Mỹ, với tỷ lệ âm 1,3% riêng trong tháng Giêng, sau khi đã hạ giá đồng yuan khoảng 4,5% vào năm 2015. Thế nhưng bên cạnh đó, Bắc Kinh lại khoe khoang tính chất ổn định của đồng tiền Trung Quốc so với rổ tiền tệ bao gồm 13 ngoại tệ chủ chốt được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế áp dụng kể từ tháng 12 năm ngoái. Đối với Le Monde, chiến lược tiền tệ của Trung Quốc quả là mù mờ khó lường.

Trừng phạt Bình Nhưỡng: Đồng thuận quốc tế chỉ là bề ngoài

Về châu Á hôm nay, Bắc Triều Tiên tiếp tục thu hút chú ý. Le Monde trên trang nhất ghi nhận: « Quốc tế lớn tiếng phản đối sau vụ bắn tên lửa ». Tờ báo nhắc lại là trong một cuộc họp khẩn cấp, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 07/02 đã đồng thanh lên án Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên tờ báo cũng mỉa mai cho là sự đồng thuận được phô trương chỉ là bề ngoài mà thôi, và nhắc lại rằng Nga và Trung Quốc, tuy bất bình, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng, không muốn một nghị quyết trừng phạt cứng rắn. Le Monde đặt vụ bắn hỏa tiễn ngày 07/02 trong bối cảnh kinh tế khó khăn ở Bắc Triều Tiên, và mục tiêu của Bình Nhưỡng là đánh lạc hướng dư luận trong nước và động viên họ. Tờ báo cũng nhắc đến bối cảnh Đại Hội lần thứ VII của Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên mà theo tờ báo, sẽ tiến hành vào đầu tháng 5 này.

Libération trong một bài phân tích cũng mỉa mai: « Quả thực là Bắc Kinh vẫn thuận thảo với Bình Nhưỡng ». Dĩ nhiên là Trung Quốc đã đi theo những tuyên bố vô hại của Hội Đồng Bảo An, lên án những vụ vi phạm của Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh cũng không cho thấy rõ là sẽ gây sức ép lên đồng minh của mình. Tờ báo trích lời chuyên gia Valérie Niquet, cho là dù Bình Nhưỡng có sai trái, nhưng Bắc Kinh cần một trái độn chiến lược.

Báo Les Echos cũng tiếp tục chú ý đến vụ bắn tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng và đề nghị của Mỹ đặt lá chắn chống tên lửa Thaad ở Hàn Quốc. Tờ báo nêu câu hỏi Bắc Triều Tiên sẽ còn khiêu khích các cường quốc đến bao giờ nữa ? Và nhất là Trung Quốc sẽ bao che, không lên án người láng giềng bé nhỏ của mình trong bao lâu nữa? Lần này thì Hoa Kỳ đã đơn phương bước một bước lớn, đó là đề nghị đặt lá chắn chống tên lửa ở Hàn Quốc, cho dù có làm Bắc Kinh bất bình hay không.

Đối với Les Echos, đề nghị hỗ trợ nêu trên là hành động tối thiểu mà Washington có thể làm, trong lúc mà Kim Jong Un liên tục khiêu khích. Tờ báo cũng nhận định là có lẽ Bắc Triều Tiên chưa thật sự nắm được công nghệ hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, nhưng chắc chắn họ đủ khả năng đánh vào các láng giềng Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Ý ngày càng thưa dân

Trên bình diện Xã hội Libération hôm nay có một bài đáng chú ý, liên quan đến dân số nước Ý với hàng tựa: « Ý, nước trên đà giảm dân số ». Tờ báo liệt kê: Tỷ lệ sinh đẻ tuột giảm, số tử vong tăng cao, cư dân bỏ ra nước ngoài, người Ý cũng như người nhập cư. Hệ quả là dân số giảm thiểu, điều chưa từng thấy từ chiến tranh Thế Chiến Thứ Nhất.

Libération trích số liệu vừa được công bố: Dân số Ý giảm đi 150.000 người trong năm qua, tương đương với số dân của thành phố Rimini chẳng hạn. Tính như thế là cứ mỗi ngày dân số Ý giảm đi 400 người. Một thảm kịch đối với một quốc gia mà gia đình từng nổi tiếng là đông con. Giờ đây thì phần đông gia đình dừng lại ở một con. Khó khăn kinh tế, nhà cửa đắt đỏ, nếu chỉ có một đầu lương thì phải hạn chế vấn đề com cái.

Dân số Ý cũng già đi nhanh chóng: Số người trên 65 tuổi chiếm hơn 21,4%, khiến nước Ý trở nên nước già nhất châu Âu ! Trong điều kiện kinh tế Ý suy sụp, ngày càng có nhiều người Ý đi ra ngoài sinh sống: Năm 2013, có 95.000 người. Người lao động nhập cư cũng bỏ đi: Năm 2014, số người bỏ đi là trên 250.000 người. Người Ý đi qua các nước Bắc Âu tìm công việc làm và lương bổng tốt hơn. Kết quả là số người ở Ý hiện này ngang bằng với dân số năm 1919.

Mai Vân


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề