Chú thỏ bông và câu chuyện toàn cầu hóa

Một nhà báo của Bloomberg đặt câu hỏi: “Tại sao đã 45 năm rồi mà vẫn có thể mua được thỏ bông giá 3 USD?”

Khi nhà báo lão làng Virginia Postrel của Bloomberg đi tìm mua một chú thỏ bông làm quà tặng, bà đã nhận ra một điều lạ lùng: giá thỏ bông đã không thay đổi bao nhiêu so với lúc bà còn là một cô bé. Năm 1970, Postrel có thể mua một chú thỏ bông với giá 2,97 USD. Năm 2015, bà vẫn có thể mua một chú thỏ bông với giá 2,99 USD.

Nếu điều chỉnh lại mức giá 2,97 USD của năm 1970 theo mức lạm phát trong vòng 45 năm qua thì giá của một chú thỏ bông bây giờ đúng ra phải là 17,97 USD. Tại sao giá thỏ bông thực tế lại không thay đổi?

Hơn nữa, mức lương tối thiểu của nước Mỹ vào năm 1970 là 1,45 USD, còn bây giờ là 7,25 USD. Điều này nghĩa là một người Mỹ hưởng lương tối thiểu cần phải làm việc hơn 2 tiếng vào năm 1970 để mua được một chú thỏ bông, so với vỏn vẹn 25 phút của ngày hôm nay. Nói cách khác, giá trị tương đối của một chú thỏ bông đã giảm gần 5 lần so với cách đây 45 năm.

Vẫn chưa phải là hết: Postrel nhận ra rằng chú thỏ bông của ngày hôm nay có lớp lông nhân tạo cực kỳ mềm mại và không gây ngứa da như chú thỏ bông của năm 1970. Như vậy là trong vòng 45 năm qua, thỏ bông vừa giảm giá rất nhiều lần, mà lại vừa có chất lượng tốt hơn rất nhiều.

Điều gì đã xảy ra?

Bàn tay vô hình của toàn cầu hóa

Khi Postrel tìm hiểu về lịch sử ngành sản xuất thú bông trong vòng nửa thế kỷ qua, bà đã phát hiện một sự chuyển dịch khổng lồ của các chuỗi cung ứng trong ngành này. Bắt đầu được các doanh nghiệp Mỹ khoán cho người Nhật từ những năm 1960, các dây chuyền sản xuất thú bông đã được chuyển dịch theo dạng gợn sóng ra khắp châu Á.

Khi giá nhân công và chi phí sản xuất tại Nhật gia tăng, công việc này đã được chuyển cho người Hàn Quốc. Từ Hàn Quốc, nó lại được chuyển từ Đài Loan, rồi sang miền Nam Trung Quốc, đến miền Bắc Trung Quốc, từ đó đi xuống các nơi sản xuất chính hiện nay là Indonesia và Việt Nam.

Bằng cách chuyển dịch không ngừng như vậy, bàn tay vô hình của toàn cầu hóa đã giữ cho giá thành của một chú thỏ bông ở mức thấp nhất có thể. Đây là yếu tố chính khiến cho giá bán của một chú thỏ bông đã hầu như không đổi trong 45 năm qua và thực tế là đã giảm đi nhiều lần nếu so với mức thu nhập gia tăng tại Mỹ.

Bằng cách chuyển dịch không ngừng như vậy, bàn tay vô hình của toàn cầu hóa đã giữ cho giá thành của một chú thỏ bông ở mức thấp nhất có thể.

Tại sao lông nhân tạo còn mịn hơn cả lụa?

Trong ngành dệt may, có một đơn vị đặc biệt dùng để đo mức độ mịn màng của một chất liệu, đó là decitex, với tiêu chí là càng thấp thì càng mịn. Tóc người được đánh giá là có từ 30 đến 50 decitex. Lụa được đánh giá là từ 1,1 đến 1,3 decitex. Các chất liệu lông nhân tạo từng được đánh giá ở mức 3 decitex, nhưng nay đã xuống còn 0,5 decitex và thậm chí có thể xuống tới 0,3.

Nói cách khác, lông của thú nhồi bông bây giờ có độ mịn ít nhất là gấp đôi so với lụa. Đây chính là thành quả của những tiến bộ vượt bậc trong việc sản xuất sợi polyester cao cấp, còn gọi là microfiber, trong hơn 40 năm qua.

Và quan trọng hơn nữa, những tiến bộ công nghệ này còn được đưa vào sản xuất hàng loạt, nhờ các khoản đầu tư mạnh tay của những nhà sản xuất tại Trung Quốc. Nhờ vào các nhà máy có quy mô cực lớn, giá của sợi microfiber đã giảm xuống cực mạnh trong những năm gần đây, trở thành một yếu tố khác giữ cho giá của thỏ bông cực kỳ rẻ.

Như vậy, cái giá 2,99 USD của một chú thỏ bông ngày hôm nay chính là một bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của toàn cầu hóa cùng tiến bộ công nghệ trong hơn 45 năm qua. Victoria Postrel bình luận: “Chú thỏ bông nhắc chúng ta nhớ rằng các tiến bộ của thế giới hiện đại không phải lúc nào cũng là những dòng lệnh hay những pixel, mà có thể được hiển hiện qua những thứ mà bạn ôm vào lòng được”.

Trí Lê (Theo brandsvietnam)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề