Brexit và cán cân quyền lực toàn cầu

Năm 1973, Anh gia nhập tổ chức mà sau này là Liên minh châu Âu (EU). Nước này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 6 tới về việc có rời bỏ EU hay không. Vậy Anh có nên rời EU?

Những cuộc thăm dò hiện tại cho thấy cử tri đang rất chia rẽ. Thủ tướng David Cameron tuyên bố rằng những nhượng bộ mà ông giành được từ các đối tác EU có thể xoa dịu lo ngại về việc mất chủ quyền trước EU và một dòng nhập cư lao động từ Đông Âu. Nhưng Đảng Bảo thủ của Cameron và nội các của ông đang chia rẽ sâu sắc, trong khi thị trưởng dân túy của London, Boris Johnson, đã gia nhập phe ủng hộ Anh rời EU “Brexit”).

Báo chí Anh cũng chia rẽ về vấn đề chi phí và lợi ích của tư cách thành viên EU của Anh. Nhiều tờ báo có lượng phát hành lớn ủng hộ Brexit, trong khi các báo tài chính ủng hộ Anh ở lại. Ví dụ, tờ The Economist chỉ ra rằng khoảng 45% lượng xuất khẩu của Anh đi đến các nước EU, và nếu Anh rời khỏi EU, các đàm phán thương mại sau đó nhiều khả năng là rất khó khăn.

Ngoài ra, EU đã làm rõ với các nước phi thành viên như Na Uy và Thuỵ Sĩ rằng họ chỉ có thể có quyền tiếp cận hoàn toàn với thị trường chung nếu chấp nhận phần lớn các quy tắc, bao gồm tự do đi lại, và đóng góp vào ngân sách EU. Nói cách khác, một nước Anh ở ngoài EU sẽ có ít lợi ích về mặt “chủ quyền”; trái lại, nó sẽ mất tiếng nói và ảnh hưởng đối với những điều khoản về sự tham gia của mình trong thị trường chung. Trong khi đó, các trung tâm tài chính đối thủ như Paris và Frankfurt sẽ nắm bắt cơ hội để đưa ra những luật lệ nhằm giành lại khách hàng từ London.

Một khía cạnh phức tạp khác là chính trị: sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Scotland và hệ quả của Brexit đối với sự sống còn của Vương quốc Anh. Năm 2014, cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland cho kết quả ở lại Vương quốc Anh, nhưng phe chủ nghĩa dân tộc đã giành đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử tám tháng sau đó. Vì Scotland nghiêng về EU hơn Anh, nhiều người tin rằng Brexit sẽ dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý ly khai khác. Cameron có thể sẽ được nhớ đến như vị thủ tướng đã giúp chia rẽ Vương quốc Anh (và có thể cả châu Âu).

Ở Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thể hiện rõ niềm tin rằng Anh và châu Âu sẽ mạnh hơn nếu ở lại cùng nhau. Ảo tưởng về một mối quan hệ đặc biệt, trong đó Mỹ thay thế ảnh hưởng của châu Âu, là sai lầm. Nhưng trong khi người Anh xem xét có ủng hộ Brexit hay không, thì việc Mỹ đặt tay lên bàn cân có thể sẽ phản tác dụng.

Đồng thời, theo lời của Douglas Alexander, cựu ngoại trưởng đối lập (shadow foreign secretary) của Đảng Lao động, “kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ đã là nước vận hành hệ thống trật tự thế giới được xây dựng trên một Liên minh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh và ổn định, được hỗ trợ bởi hai trụ cột là NATO và EU. Nếu Anh rời EU, liên minh thân cận nhất của Mỹ sẽ bị vô hiệu hoá… và toàn bộ dự án châu Âu sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong đúng thời điểm các mối đe dọa mới về an ninh và kinh tế đang đứng trước phương Tây.” Chắc chắn Kremlin của Vladimir Putin sẽ hoan nghênh Brexit và can thiệp vào nền chính trị nội bộ của các nước châu Âu nhằm làm suy yếu EU.

Những hệ quả địa chính trị của Brexit có thể không xuất hiện ngay lập tức. Thậm chí EU có thể còn tạm thời thống nhất, nhưng sứ mệnh và quyền lực mềm của nó có thể sẽ bị ảnh hưởng. Đảm bảo ổn định tài chính và quản lý nhập cư cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Với sự hồi sinh của chủ nghĩa ly khai Scotland, xu hướng hướng nội của Anh trong những năm gần đây có thể diễn ra nhanh hơn. Về mặt dài hạn, những tác động lên cán cân quyền lực toàn cầu và trật tự thế giới tự do – nơi Anh có lợi ích quốc gia sâu sắc – sẽ là tiêu cực.

Với tư cách một thể thống nhất, châu Âu là nền kinh tế lớn nhất thế giới, và dân số gần 500 triệu, lớn hơn đáng kể so với dân số 325 triệu của Mỹ. Nó có thị trường lớn nhất thế giới, chiếm 17% thương mại toàn cầu, và cung cấp một nửa viện trợ quốc tế. Nó cũng có 27 trường đại học được xếp hạng trong top 100 trường tốt nhất thế giới, và nền công nghiệp sáng tạo của nó đóng góp khoảng 7% GDP châu Âu. Thu nhập bình quân đầu người của Mỹ cao hơn, nhưng về vốn con người, công nghệ, và xuất khẩu, châu Âu là một đối thủ kinh tế ngang tầm.

Về chi tiêu quân sự, châu Âu chỉ đứng sau Mỹ, chiếm 15% chi tiêu quân sự thế giới, so với 12% của Trung Quốc và 5% của Nga. Tất nhiên, con số này có phần gây hiểu nhầm vì châu Âu không có sự hội nhập quân sự. Pháp và Anh là hai nguồn chi tiêu quân sự lớn nhất của châu Âu.

Các nguồn lực của châu Âu và Mỹ đang củng cố lẫn nhau. Đầu tư trực tiếp ở cả hai chiều đều cao hơn so với đầu tư với châu Á, và thương mại Mỹ-Âu cân bằng hơn thương mại Mỹ-Á. Ở tầm văn hoá, người Mỹ và châu Âu chia sẻ với nhau những giá trị của dân chủ và nhân quyền nhiều hơn với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Đối diện với một Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga đang suy thoái nhưng nhiều rủi ro, và triển vọng bất ổn mãn tính ở Trung Đông, sự hợp tác chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương là hết sức quan trọng trong việc duy trì một trật tự thế giới tự do trong dài hạn. Nếu thừa nhận rằng Brexit sẽ nhiều khả năng mang lại một hệ thống quốc tế vô trật tự bằng cách làm cả châu Âu và Anh yếu đi, chúng ta nên ủng hộ việc duy trì nguyên trạng.

Joseph S. Nye, Jr., cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, là giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn Is the American Century Over?

Theo Nghiencuuquocte.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề