Tình báo tiết lộ lý do thực sự Nga vẫn bố trí “sát thủ” S-400 ở Syria

Sau quyết định rút lực lượng chính ra khỏi Syria, Nga mới đây tuyên bố nước này vẫn sẽ để hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 ở lại quốc gia đồng minh Trung Đông.
Nhận định về quyết định này trên báo Nga RIA Novosti, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov cho biết:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì bảo vệ cho các lực lượng còn lại ở Syria từ trên không, trên biển và trên cạn.
Nhằm đảm bảo an ninh hiệu quả, đặc biệt là từ trên không, cần phải có các phương tiện phòng không hiện đại nhất. Chính vì vậy, hệ thống phòng không S-400 của Nga vẫn ở lại Syria”.
Tuy nhiên, theo một báo cáo độc quyền của trang tin tình báo Debka (Israel), có một lý do khác đằng sau quyết định này của Nga. Sau khi nhận được thông tin về S-400, Debka đã liên hệ với một số quan chức cấp cao chính phủ Moscow để xin bình luận.
Các quan chức giấu tên nói trên lý giải: S-400 rốt cục cũng sẽ rời Syria trở về Nga, song sự hiện diện của hệ thống này tại Syria là tối cần thiết vào lúc này, để phòng ngừa các động thái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.
Theo các nguồn tin tình báo của Debka, sau khi Riyadh điều 4 chiến đấu cơ tới đóng tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng, Saudi Arabia đã âm thầm tăng số lượng máy bay tại Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham chiến ở Syria lên con số 16.

Cùng lúc đó, các quan chức cấp cao Saudi tuyên bố cả Riyadh và Ankara đã sẵn sàng hợp đồng tác chiến tại Syria nếu cần.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Debka cho biết các binh đoàn xe thiết giáp và bộ binh nước này đã xâm phạm lãnh thổ Syria, sau đó bày binh bố trận tại các khu vực phía bắc tỉnh Idlib, chỉ cách đường biên giới Syria-Thổ vài trăm mét.
Đây cũng chính là những gì Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov muốn nhắc đến hôm 14/3 vừa qua, khi ông nói rằng Moscow có bằng chứng về việc “Thổ Nhĩ Kỳ đang dần bành trướng vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Tuyên bố của ông Lavrov có thể coi như một lời cảnh báo rằng phía Nga sẽ không bỏ qua cho bất kì hành động “lấn sân” nào khác của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria trong tương lai, và các động thái vi phạm không phận của Saudi Arabia, nếu có, cũng không phải ngoại lệ.
Theo Debka, phía Nga cho rằng những động thái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới mang theo mưu đồ thiết lập một vùng đệm ở Syria, điều mà Moscow luôn kịch liệt phản đối.
Do đó, Nga quyết định để S-400 ở lại Syria như một “kẻ gác đền” nhằm đập tan những toan tính trên không của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.
Debka đánh giá, việc S-400 tiếp tục hiện diện tại Syria cũng không khỏi khiến không quân Israel lo ngại. Hiện đang “cư ngụ” tại căn cứ Latakia, S-400 bao phủ không phận rộng lớn, trong đó có cả phía bắc và miền trung Israel nếu hệ thống này được chuyển về phía nam.
Các nguồn tin của Debka cho biết, quân đội Nga đã trấn an Israel rằng Moscow rốt cục cũng sẽ thu hồi S-400, và chỉ để lại Pantsir-S1, hệ thống mà không quân Israel vốn không gặp mấy trở ngại trong việc qua mặt.
Bên cạnh đó, Debka cũng cho rằng cho đến thời điểm này, ông Putin vẫn giữ lời hứa với Thủ tướng Israel Netanyahu, với việc liên tục trì hoãn thương vụ S-300 với Iran.
Mới đây, phía Nga cho biết phải đến tháng 8, tháng 9, nước này mới chuyển giao S-300 cho Iran. Nhưng theo Debka, đây nhiều khả năng sẽ không phải lần cuối cùng Nga trì hoãn thương vụ này.
Đức Huy (trí thức trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề