Ai thấy hết nỗi khổ của hàng triệu học sinh các cấp đang mờ mắt, còng lưng vì học thêm? Ai hiểu được tuổi thơ của các em đang bị đánh cắp vì áp lực học hành, vì căn bệnh thành tích của người lớn? Bao giờ thế hệ trẻ Việt Nam thoát khỏi vòng xoáy nhồi nhét kiến thức để có thể phát triển tự nhiên?
Không thể…
Cứ hỏi 10 học sinh thì có ít nhất 8 học sinh THCS và THPT trả lời rằng “chúng em không thể không học thêm vì chương trình của các môn rất nặng, học ở trường không hiểu bài sâu và kỹ. Muốn điểm cao thì phải học thêm, học nâng cao nhiều hơn. Muốn thi chuyển cấp vào trường tốt, trường điểm thì càng phải học thêm…”. Và bức tranh dạy thêm, học thêm ngày một nở rộ, muôn hình muôn trạng.
Vào ban đêm, chỉ cần dạo quanh các trường học, nhà văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các quận trung tâm như 1, 3, 4, 5, 10… hay từng con hẻm, từng cơ sở ngoài giờ sẽ thấy bức tranh này sôi động, nhộn nhịp đến mức nào. Trong lớp học thêm thì con cái còng lưng, thụ động nhồi nhét kiến thức, ngoài cổng thì cha mẹ ngáp ngắn ngáp dài trên chiếc xe máy, bất kể mưa gió, nóng nực cũng chờ đợi đưa rước “cục cưng”.
Điều đáng nói là rất nhiều học sinh THCS, THPT đã học hai buổi/ngày cũng tiếp tục lao vào học thêm ca ba tại các điểm dạy thêm ngoài giờ để đạt danh hiệu học sinh giỏi, để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp THPT.
Chị Thanh Huệ, có con đang học lớp 9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, chờ con học thêm ở Trường THPT Tenlơman quận 1 nói: “9 năm qua, con tôi đều học thêm và vợ chồng tôi tốn nhiều thời gian đưa đón cháu. Khổ thật đấy nhưng cứ thử buông ra không học thêm là cháu than học ở lớp không hiểu gì vì cô thầy giảng bài quá nhanh”.
Theo nhiều hiệu trưởng, tổ bộ môn thì nội dung, chương trình học ở các cấp học quá tải, giáo viên không được trao quyền tự chủ sắp xếp thời lượng dạy học với từng bài giảng mà phải tuân thủ theo quy định cứng nhắc của Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT). Vì thế, nhiều tiết học chỉ có thể dạy đuổi, dạy lướt. Đây cũng là một nguyên nhân khiến học sinh phải đi học thêm mới lĩnh hội hết kiến thức, đáp ứng yêu cầu thi cử.
Mặc dù ngành GD-ĐT đã đổi mới, bỏ quy định chấm điểm và chỉ nhận xét đánh giá đối với học sinh bậc tiểu học, nhưng khảo sát cho thấy có ít nhất 50% – 60% học sinh tiểu học đi học thêm. Khẳng định như “đinh đóng cột” rằng “không thể không cho con học thêm”, nhiều phụ huynh cho biết: “Nội dung, chương trình toán, tiếng Việt ở bậc tiểu học như đánh đố, người lớn cũng khó hiểu thì làm sao trẻ nhỏ tự học ở nhà?”. Đó là chưa kể, sĩ số lớp học quá đông, 55 – 60 em /lớp, cũng khiến giáo viên không thể chuyển tải kiến thức đến từng em.
Theo bộc bạch một số phụ huynh có con học chương trình bán trú hai buổi ở Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) thì “không cho con học thêm cũng khổ lắm, vì cô chủ nhiệm lúc nào cũng chê con mình học dở, viết chậm, làm toán chậm… Và như có phép thần, chỉ cần học cô một thời gian ngắn là cháu nào cũng được khen học giỏi, tiến bộ rõ rệt”. Nỗi khổ “tự nguyện” học thêm này, lãnh đạo ngành GD-ĐT có ai thấu hiểu?
…Và có thể?
Dù đã gióng hồi chuông đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nhưng nhìn lại, chúng ta không thể không day dứt trước bức tranh học thêm ngày một tăng nhiệt. Hàng triệu học sinh khắp cả nước vẫn tiếp tục lao vào vòng xoáy học thêm nhiều hơn với lịch học kín mít, bù đầu với kiểm tra môn học từ 15 phút đến hệ số 1, hệ số 2, học kỳ liên tục. Học nhồi, học nhét đủ thứ kiến thức khiến các em không còn chút thời gian rảnh để tự học, đam mê khám phá chân trời tri thức, nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, rèn luyện thể lực, vui chơi giải trí…
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật trong xã hội hiếu học của chúng ta, nhưng thật đến đâu và nó biến tướng đến đâu thì có trời mới biết! Dạy thêm là nguồn thu nhập chính đáng và không nhỏ của một bộ phận giáo viên có năng lực, giỏi nghề, dạy các môn chính.
Thế nhưng, như bộc bạch đau lòng của một hiệu trưởng hiểu rõ từng “quân” của mình, thì dạy thêm cũng đang biến nhiều giáo viên trở thành thợ dạy chữ, chạy sô từ sáng đến tối khuya. Để rồi khi đứng lớp dạy chính khóa, không ít thầy cô vốn có nghề, dạy giỏi này không còn sức lực để truyền hứng thú và đành dạy qua quít khiến học trò không hiểu bài.
Theo vòng quay đó, nếu học ở trường không hiểu thì lại phải học thêm nhà thầy cô. Cứ thế nhu cầu dạy thêm học thêm ngày một nở rộ, núp bóng tự nguyện và chính quyền, ngành giáo dục địa phương cảm thấy bất lực, không thể kiểm soát, xử lý những sai phạm tiềm ẩn nói trên.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến bước ngoặt đột phá – thay đổi chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới và từng trường có quyền chọn cho mình bộ SGK riêng. Để tạo ra hướng mở thí điểm, Bộ GD-ĐT cần thay đổi tư duy ôm đồm về quản lý, áp đặt mệnh lệnh hành chính và trao quyền tự chủ cho từng địa phương trong quản lý hoạt động giáo dục, đánh giá năng lực, trình độ học sinh theo tiêu chí riêng nhưng đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở đó, các trường được cởi trói về chuẩn chương trình, thiết kế lại nội dung môn học, thời lượng bài giảng cho phù hợp với năng lực của học sinh.
Hơn nữa, từng trường học đến toàn ngành giáo dục phải “nói không” với bệnh thành tích, không áp đặt chỉ tiêu thi đua theo điểm số, học lực khá – giỏi của học sinh lên vai thầy cô giáo. Về phía phụ huynh, hãy thương lấy con em mình, hãy thay đổi tư duy, đừng ép các em chạy theo điểm số, danh hiệu khá, giỏi. Hãy giúp các em phát triển tự nhiên, có thời gian rèn luyện thể lực, phát huy sở trường, đam mê và trang bị kỹ năng sống, làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế.
Theo Sài gòn giải phóng
Trả lời