Cố vấn internet đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang muốn các hãng công nghệ Mỹ như Google, Apple và Microsoft phải trả thêm thuế trên đất Nga.
Theo Bloomberg, Google, Apple và Microsoft là ba công ty có tổng giá trị lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Đây là những cái tên luôn khiến ông Herman Klimenko – cố vấn internet đầu tiên của Tổng thống Putin, người được bổ nhiệm cách đây sáu tuần – phải suy nghĩ.
Trong một cuộc phỏng vấn 90 phút, ông Klimenko cho hay việc buộc các hãng Google và Apple trả thuế nhiều hơn và cấm Microsoft Windows tránh khỏi các máy tính chính phủ là các biện pháp cần thiết.
“Chúng tôi đang chăn nuôi bò và họ đang vắt sữa nó”, ông Klimenko, người chưa có thời gian để di chuyển sang văn phòng của mình ở Điện Kremlin, cho hay tại trụ sở hãng internet của ông ở Moscow. Đây là nơi chuyên xử lý các dịch vụ blog và thống kê.
Cố vấn 49 tuổi của Tổng thống Nga đang thúc đẩy chuyện tăng thuế đối với doanh nghiệp Mỹ, nhằm tạo sân chơi cho các đối thủ cạnh tranh đến từ Nga như hãng Yandex và Mail.ru. Nỗ lực của ông cũng tương tự như những gì chính phủ các nước châu Âu và các nước khác đang làm, để siết chặt thêm doanh thu từ Google, Apple và nhiều công ty đa quốc gia với cấu trúc thanh toán và sở hữu ngày càng phức tạp.
Cố vấn Klimenko đã có một đồng minh trong quốc hội: Andrey Lugovoi, một cựu sĩ quan Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB). Ông Lugovoi tài trợ cho một dự luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 18% lên đến mức 300 tỉ rúp Nga, tương đương 3,9 tỉ USD, đối với doanh thu hằng năm của Google, Apple và các doanh nghiệp nước ngoài khác.
Dự luật liệt kê một chục loại sản phẩm kỹ thuật số và dịch vụ, những gì các công ty trong nước vẫn đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng các doanh nghiệp ngoại đa phần là không đóng. Trong số này có quảng cáo, trò chơi, phim ảnh, giao dịch trên chợ trời online và điện toán đám mây.
Đề nghị sửa đổi luật trên là một trong những điểm đang được các nhà lập pháp Nga tranh luận, những người hiện tìm kiếm nguồn thu mới, cắt giảm thâm hụt ngân sách lớn nhất trong sáu năm qua. Giá dầu giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt đã đẩy kinh tế Nga vào giai đoạn suy thoái kéo dài tồi tệ nhất kể từ khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000.
Sau khi trở về với vị trí tổng thống vào năm 2012, Tổng thống Putin đã thắt chặt internet. Ông ký vào luật cho phép giới chức đóng cửa các trang web được cho là “cực đoan” và đưa ra giới hạn đối với blog, buộc các cây bút nổi tiếng đăng ký với một cơ quan giám sát. Ông Putin cũng muốn tất cả công ty internet lưu trữ dữ liệu cá nhân thu thập từ người Nga ở máy chủ đặt trong nước.
Thu Thảo (thanhnien.vn)
Trả lời