Tấn công khủng bố và người Việt ở California, Paris

Các vụ tấn công ở Paris Pháp hôm 13/11 giết chết 129 người, làm hàng trăm người khác bị thương và vụ xả súng ở California (Mỹ) ngày 2/12 cướp đi sinh mạng của 14 người và gây thương tích cho hàng chục người khác đều liên quan đến khủng bố.

Những vụ khủng bố bắt nguồn từ tinh thần Hồi giáo cực đoan này có ảnh hưởng thế nào đến tình cảm của người Việt đối với Hồi giáo và những di dân đạo Hồi?

Mỹ và Pháp, những nước tự do cho phép dân sử dụng súng và cho phép người tị nạn nhập cư, là môi trường thuận lợi hơn cho khủng bố. Vậy có nên giải quyết vấn đề từ hai yếu tố này?

Mời quý vị cùng Tạp chí Thanh Niên VOA ghi nhận qua cuộc thảo luận với 3 khách mời sinh sống tại tâm điểm các vụ khủng bố ở Mỹ và Pháp gần đây: Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Nam California Lý Vĩnh Phong và nhà báo Đỗ Dũng từ California cùng thạc sĩ quản lý kinh doanh Nguyễn Minh Hạnh tại Pháp.

 

Trà Mi: Những vụ khủng bố vừa qua ảnh hưởng thế nào tới tâm lý và tinh thần các bạn thế nào?

Đỗ Dũng: Ban đầu tôi hơi lo sợ chút xíu, nhưng tới lúc này, tôi không lo sợ nữa, đặc biệt sau bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama và cách làm việc của cơ quan an ninh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mối đe dọa thì vẫn có chứ.

Vĩnh Phong: Chắc chắn ít nhiều cũng có lo sợ. Trước vụ San Bernardino, chúng ta cứ cảnh giác những nơi đông người, nhưng vụ này cho thấy ở những nơi không đông người cũng có thể xảy ra khủng bố.

Minh Hạnh: Tới khi khủng bố xảy ra rất gần như vậy mình mới cảm nhận là nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai. Đợt khủng bố vừa rồi, mọi người rất lo lắng, nhưng sau đó đã hoạt động lại bình thường. An ninh giờ nghiêm ngặt hơn, cảnh sát đông hơn, mọi người lưu ý hơn.

Trà Mi: Cách thức khủng bố đã biến dạng rất nhiều từ quy mô lớn như vụ 11/9 ở Mỹ tới các vụ nhỏ lẻ do cá nhân thực hiện. Các bạn có thấy có vấn đề về an ninh hoặc về kiểm soát súng ống ở nước sở tại đang sinh sống?

Đỗ Dũng: Có đó. Ở Mỹ có trên 300 triệu cây súng. Súng quá nhiều, mua dễ dàng. Có những kẽ hở của luật pháp như mua súng ở chợ trời, ở hội chợ thì không cần điều tra lý lịch. Bây giờ khủng bố không chỉ ở quy mô tổ chức mà còn ở cá nhân. Thủ lãnh IS đã kêu gọi từng cá nhân trên thế giới hãy làm một hành động khủng bố nào đó. Cơ quan an ninh trên thế giới dù tài giỏi đến đâu cũng không thể biết được suy nghĩ của mỗi người thay đổi thế nào mà súng thì tràn lan như thế. Đó là mâu thuẫn của xã hội Mỹ hiện nay làm cho nhiều người lo sợ. Tới giờ Mỹ vẫn chưa cấm súng được vì đó là quyền của người Mỹ. Tuy vậy, bản thân tôi rất tin tưởng vào hệ thống an ninh Mỹ trong chuyện này.

Trà Mi: Nhưng anh vừa nói, không thể đọc được suy nghĩ của người khác, và chuyện có phương tiện (súng ống) dễ dàng thì ra tay cũng dễ dàng. Vậy nỗi lo về súng ống có lớn hơn nỗi lo về khủng bố?

Vĩnh Phong: Vấn đề bạo động súng ống không có gì mới cả. Tu chính án Hiến pháp số 2 và những quyền cá nhân là những vấn đề mà xã hội Mỹ phải giằng co đối đầu. Làm sao bảo vệ an toàn cho mọi người mà vẫn giữ quyền tự do sở hữu súng? Những gì xảy ra ít nhiều cũng sẽ tác động đến suy nghĩ của người dân, ví dụ số người ủng hộ đạo luật kiểm soát súng sẽ tăng lên so với trước đây. Sau những vụ xả súng như vậy, có thể người ta sẽ thay đổi. Một vấn đề khác là với kỹ thuật hôm nay, qua mạng xã hội và internet, nhiều người dễ bị ảnh hưởng và bị cực đoan hóa hơn.

Cơ quan an ninh trên thế giới dù tài giỏi đến đâu cũng không thể biết được suy nghĩ của mỗi người thay đổi thế nào mà súng thì tràn lan như thế. Đó là mâu thuẫn của xã hội Mỹ hiện nay làm cho nhiều người lo sợ. Tới giờ Mỹ vẫn chưa cấm súng được vì đó là quyền của người Mỹ.

Nhà báo Đỗ Dũng.

Trà Mi: Với rất nhiều những tác động như thế, anh phản đối hay ủng hộ quyền sử dụng súng của công dân Mỹ? Nên giới hạn tới mức tối thiểu nào đó chăng?

Vĩnh Phong: Cho dù mình có phản đối quyền sử dụng súng thì điều đó cũng không thực tế vì Hiến pháp đã định rồi, rất khó thay đổi. Như tổng thống vừa đề ra, với những người tình nghi có liên quan tới khủng bố thì không nên cho phép họ mua súng.

Trà Mi: Tuy nhiên, ngoài những thành phần đó, khó mà lường được việc một người bỗng trở nên cực đoan hóa. Vì vậy, nếu họ có phương tiện trong tay thì lại càng nguy hiểm hơn nữa.

Đỗ Dũng: Có hai loại súng: tự vệ và tấn công. Trong vụ khủng bố San Bernardino, hai trong số ba khẩu súng hung thủ dùng là súng trường, tức súng tấn công. Tại sao nước Mỹ tới giờ vẫn cho người ta mua súng tấn công? Tự vệ có thể mua súng ngắn. Nếu người xấu dùng súng ngắn tấn công, cao lắm họ chỉ bắn được 2-3 người và phải bắn vào ngực hoặc vào đầu thì mới chết người. Còn súng tấn công nguy hiểm ở chỗ đứng từ xa có thể bắn được, sức công phá rất lớn. Vấn nạn hiện nay là tại sao không cấm súng tấn công. Tôi ủng hộ nên cấm loại súng tấn công. Những người mua loại súng này phải có giấy phép đặc biệt. Đây là đề tài lớn mà hiện nay Quốc hội đang tranh cãi. Một ngày sau vụ San Bernardino, phía Cộng hòa đã ngăn chặn 2 dự luật bên Dân chủ đưa ra cấm súng tấn công. Ở Mỹ, một nước dân chủ, các hội đoàn và tổ chức có quyền ảnh hưởng tới chính quyền, nên các hội súng đã ảnh hưởng rất mạnh về vấn đề này. Sau vụ khủng bố vừa qua, có thể dư luận Hoa Kỳ, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống 2016, sẽ đẩy mạnh chuyện cấm mua súng tấn công.

Trà Mi: Người dân ở Pháp có quan ngại gì không về việc sử dụng súng ống sau các vụ khủng bố vừa qua, thưa chị Hạnh?

Minh Hạnh: Không giống như Mỹ, Pháp cấm và đòi hỏi phải có giấy phép để mua một số loại súng nhất định. Nhưng điều đó cũng không ngăn được xả súng vì nhiều người mua bán chợ đen hoặc luồn lách, hoặc từ những nước lân cận nhập sang.

Trà Mi: Những vụ khủng bố bắt nguồn từ tinh thần Hồi giáo cực đoan có ảnh hưởng thế nào đến tình cảm của các bạn đối với đạo Hồi và các di dân Hồi giáo hay chăng?

Minh Hạnh: Có những người từ trước giờ đã có những suy nghĩ tiêu cực về Hồi giáo, rất chống đối Hồi giáo di dân. Có những người từ sau khủng bố bắt đầu sợ và tránh người Hồi giáo. Đó là điều không tránh khỏi. Có những người quá khích thì vẽ lên tường kêu gọi đánh đuổi Hồi giáo, gây phản ứng ngược khi người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm.

Trà Mi: Người Việt ở California, nhìn chung, sau vụ tấn công khủng bố hôm 2/12 có trở nên e dè đối với người Hồi giáo?

Đỗ Dũng: Theo tôi, bất kỳ cộng đồng nào cũng có một số cá nhân không tốt. Không phải bênh người Hồi giáo, nhưng tôi cảm thấy nhiều khi họ bị nói quá đáng. Chẳng hạn như ông Trump mới lên TV kêu gọi cấm tất cả người Hồi giáo tới Mỹ. Như vậy thì quá đáng.

Trà Mi: Những vụ thảm sát, giết người liên quan tới Hồi giáo ngày càng nhiều hơn khiến ánh mắt mọi người nhìn về Hồi giáo trở nên xét nét, dè dặt hơn. Các bạn nghĩ sao?

Vĩnh Phong: Trên thế giới có hơn 1 tỷ người Hồi giáo. Thành phần cực đoan so với số này chênh lệch rất nhiều. Trong những vụ tấn công khủng bố ở Paris, San Bernardino, hay New York hồi 11/9/2001, chúng ta bị các tay khủng bố theo hệ phái rất cực đoan trong Hồi giáo, chứ không phải là Hồi giáo nói chung, tấn công. Tại Trung Đông, người dân các nước đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh mà phương Tây có vai trò trong đó, như Palestine chẳng hạn, họ không có thiện cảm với phương Tây và Hoa Kỳ. Cho nên, nhìn chung đây là vấn đề của toàn thế giới. Khi nào Trung Đông vẫn chưa có hòa bình lâu dài thì thế giới chúng ta vẫn còn rất chao đảo, những chuyện như vậy sẽ xảy ra lâu dài.

Trà Mi: Ngoài tăng cường an ninh, kiểm tra nghiêm ngặt người tị nạn, sắp tới đây Mỹ cũng sẽ coi lại quy chế cấp thị thực cho vợ hoặc chồng sắp cưới sang Mỹ. Các bạn có phản hồi ra sao về các biện pháp này?

Đỗ Dũng: Các biện pháp này chỉ mang tính biểu tượng thôi chứ không giải quyết được vấn đề. Có những người khi vào Mỹ không có vấn đề, một thời gian sau họ lại thay đổi. Vậy liệu đóng cửa biên giới có giải quyết được vấn đề không?

Trà Mi: Ngăn đầu vào có phần nào đỡ lo không?

Đỗ Dũng: Chặn như vậy chưa chắc chặn được hết, mà làm vậy sẽ ảnh hưởng tới những chuyện khác.

Trà Mi: Việc tiếp nhận người Hồi giáo từ các nơi có IS liệu phần nào làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia?

Không giống như Mỹ, Pháp cấm và đòi hỏi phải có giấy phép để mua một số loại súng nhất định. Nhưng điều đó cũng không ngăn được xả súng vì nhiều người mua bán chợ đen hoặc luồn lách, hoặc từ những nước lân cận nhập sang.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hạnh.

Đỗ Dũng: Cũng không hẳn như thế. Vấn đề ở đây chúng ta thấy thế giới ngày nay càng ngày càng không ổn định. Sau khi Hoa Kỳ vào Iraq lật đổ chính phủ Sadam Hussein, đẩy nhóm Sunni đi vào thiểu số, bây giờ nhóm Shi’ite họ lên, tạo ra nhóm IS gây ra bất ổn. Chính sự bất ổn này gây ra nhiều vấn đề khác. Chúng ta không thể nào ngăn chặn được hết. Quan trọng là thế giới làm sao bớt được xung đột thì sẽ giải quyết được vấn đề từ gốc. Trong xã hội, cần giáo dục và quảng bá thông tin đa chiều cho mọi người hiểu biết.

Trà Mi: Các bạn thấy lợi – hại của việc khước từ hay chấp nhận người tị nạn Syria ra sao?

Vĩnh Phong: Đồng ý là trong số người tị nạn Syria, có thể có vài người cực đoan trà trộn. Nhưng chúng ta không thể đồng hóa người tị nạn Syria với thành phần khủng bố. Chúng ta cần làm mọi việc có thể để gạn lọc những người tị nạn chân chính. Nên nhớ Hoa Kỳ là quốc gia trong lịch sử đã cưu mang rất nhiều người tị nạn, kể cả cộng đồng người Việt.

Trà Mi: Sau vụ khủng bố ở Pháp, nổi lên rất nhiều ý kiến tại Châu Âu phản đối người tị nạn Syria nhưng Pháp tuyên bố vẫn giữ cam kết nhận người tị nạn. Chị Hạnh có đồng ý với phương sách của Tổng thống Holland hay có đề xuất nào khác?

Minh Hạnh: Pháp cố gắng mở rộng sự giúp đỡ nhiều hơn. Các thành phố vẫn tiếp tục đón nhận người tị nạn. Các trường học cũng đã mở cửa đón nhận các trẻ em con của người tị nạn. Thông tin rất quan trọng vì còn có những cái nhìn sai lệch do không có những thông tin chính xác. Càng đẩy sự đối lập tăng cao càng làm hài lòng những người muốn tạo ra nó. Chúng ta cần phải tránh điều này. Nước Pháp có câu cần mở vòng tay từ sự vị tha.

Trà Mi: Anh Dũng thấy nước Mỹ cần làm gì hơn nữa để ngăn rủi ro khủng bố cho nội địa và giúp bảo đảm an ninh trên thế giới?

Đỗ Dũng: Chúng ta cần chú ý tới thông tin. Nên giải thích vấn đề cho mọi người hiểu rõ ràng hơn rằng thế giới nếu còn xung đột thì chắc chắn còn lý do để khủng bố vin vào đó kích động những người không hiểu biết. Đó là vấn nạn của thế giới hiện nay.

Trà Mi: Nước Mỹ có thể làm gì góp phần cho thế giới ‘bớt xung đột’?

Đỗ Dũng: Họ không thể làm gì được hơn. Ví dụ chuyện đánh IS, vào đánh không phải chuyện dễ vì IS ngoài là đối thủ của Mỹ và các nước, còn là bạn của một số nước khác. Mỗi quốc gia có quyền lợi riêng của mình. Họ không thể nào bỏ hết tài nguyên và phương tiện để đi đánh nhóm đó, mà khi đánh nhóm đó lại đụng tới quyền lợi của các quốc gia khác nữa. Việc này các nước lớn cần phải ngồi với nhau để giải quyết vấn đề, nhưng trước tới giờ chưa thấy có chuyện đó. Cho nên, Mỹ sau hơn 1 năm đánh IS cũng không tới đâu, nhưng biết làm sao? Đó là cái kẹt. Mỹ bây giờ làm được gì thì làm thôi, chứ họ không thể giải quyết mọi vấn đề của thế giới, không phải như trước đây nữa. Mong đợi nước Mỹ giải quyết mọi vấn đề là chuyện không thực tế.

Vĩnh Phong: Hoa Kỳ phải tiếp tục vận động thêm đồng minh để chấm dứt IS. Nếu Syria được ổn định, Trung Đông được ổn định thì IS sẽ không có chỗ để đứng. Hoa Kỳ bây giờ không thể vào Syria chiếm đóng. Trước đây Mỹ từng chiếm đóng Afghanistan, nhưng Taliban vẫn còn. Hoa Kỳ đã chiếm đóng Iraq, nhưng bây giờ lại nổi lên IS. Cho nên, Mỹ không thể đi chiếm đóng một quốc gia với hy vọng đơn thân độc mã mà có thể giải quyết vấn đề. Hoa Kỳ phải lãnh đạo về mặt chính trị để vận động các quốc gia trên thế giới cùng đi tới một thế giới hòa bình – ổn định hơn.

Trà Mi: Cảm ơn các anh chị đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.

Lan Hương (Theo VOA)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề