Ngay sau báo cáo “Triển vọng Năng lượng toàn cầu 2014” của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) được công bố, giá dầu Brent tại thị trường London đã giảm xuống gần 81 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ tại New York thậm chí chỉ còn trên 77 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu thô chuẩn trên thị trường đã giảm gần 30% trong vòng 4 tháng qua và xuống tới mức thấp nhất trong 4 năm qua, gây áp lực nặng nề cho các quốc gia sản xuất dầu mỏ.
Thế giới từng chứng kiến các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng phải đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng khi giá dầu cao ngất ngưởng, giờ đây những nước sản xuất dầu mỏ lớn cũng cần phải ứng phó và tính toán lại các khoản chi ngân sách vốn đã quen với việc giá dầu luôn ở mức cao.
Trong quá khứ, địa chính trị thường là nhân tố đẩy giá dầu tăng nhanh. Tuy nhiên lần này những biến động tại các khu vực sản xuất dầu mỏ dường như không có tác động, mà hiện tượng giá dầu giảm chủ yếu là do cung tăng đều đặn. Áp lực đó đã đặt trên các nền kinh tế của các nước sản xuất dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có thể làm suy yếu dòng chảy cũng như nhu cầu đối với luồng tiền nóng.
Nếu trạng thái cân bằng của giá dầu đứng ở mức như hiện nay, hoặc thấp hơn, rất có thể những rủi ro kinh tế kể trên sẽ xuất hiện rõ nét hơn.
Theo ước tính, nếu giá dầu ở mức 80 USD/thùng thì các nước OPEC sẽ hụt mất 200 tỷ USD trong 1.000 tỷ USD doanh thu từ dầu thô. Đối với nền kinh tế toàn cầu, giá dầu quá cao, hay quá thấp đều có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực. Khi giá dầu đang ở mức cao, các nước sản xuất dầu có xu hướng tăng xây dựng trong nước và chi tiêu xã hội nhờ vào thặng dư trong ngân sách của họ.
Khuynh hướng này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ nhờ mở rộng sản xuất. Nhưng sự sụt giảm của giá dầu khiến nhu cầu co lại, làm đảo ngược bức tranh liên quan đến xu hướng tăng trưởng kinh tế.
Nếu nhìn thoáng qua, tình trạng này có thể được dự kiến chỉ mang tính khu vực. Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng, mức độ ảnh hưởng sẽ lan rộng hơn trong bối cảnh một nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn tài chính giá rẻ dồi dào dựa trên thặng dư vốn của các nước có thu nhập từ nguồn thu dầu mỏ, và khi giá dầu giảm, nguồn cung cấp tiền sẽ không tránh khỏi bị thu hẹp. Ở khía cạnh này, việc mất đi động lực trong các dòng vốn từng là nền tảng cho các thị trường đang phát triển, có thể dẫn đến một sự suy giảm của xu hướng tăng trưởng toàn cầu.
Rủi ro khác liên quan đến việc giảm tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu. Hai yếu tố dẫn đến việc giá dầu giảm hiện nay không thể bỏ là sự gia tăng của sản xuất dầu cũng như việc đồng USD tăng giá. Trên thực tế, sự sụt giảm của giá dầu đi cùng với sự gia tăng của đồng USD khoảng 3% trong ba tháng qua.
Tổng lượng dầu thô truyền thống của thế giới khoảng 3.012 tỷ thùng và dầu đá phiến là 345 tỷ thùng. Nhưng trữ lượng dầu khí đá phiến của Mỹ chiếm 1/4 trữ lượng trên toàn thế giới. Từ năm 2005-2013, sản lượng khai thác dầu khí đá phiến ở Mỹ tăng từ 5% lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này sau khi hoàn thiện công nghệ khai thác dầu khí đá phiến trong đầu thập niên 2000.
Hiện nay, Mỹ đã vượt Nga, trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi thì Mỹ đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày và đã vượt qua cả Nga và Saudi Arabia lên hàng đầu thế giới vào tháng 7/2014. Sự gia tăng này cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong các thông số của nguồn cung cấp.
Mỹ đã bắt đầu cạnh tranh với Nga và Saudi Arabia về sản xuất dầu, còn nhu cầu đối với việc nhập khẩu dầu co lại.
Nhưng khi xem xét chi phí sản xuất dầu đá phiến từ khoảng 50 – 100 USD cho mỗi thùng dầu khai thác, thì việc giá dầu cứ giảm đi 10 USD mỗi thùng thì sẽ có một số giếng dầu hoạt động không hiệu quả kinh tế. Do đó, việc đầu tư vào các giếng mới sẽ giảm đi và sản xuất tại một số giếng dầu thậm chí có thể bị ngưng trệ. Nếu cứ như vậy sẽ ngăn cản Mỹ gia tăng sản xuất dầu trong tương lai.
Hơn nữa, nếu xu hướng giảm giá dầu vẫn còn, việc thăm dò tài nguyên dầu mỏ khai thác từ những giếng dầu truyền thống trên đất liền hay ngoài khơi cũng sẽ chậm lại do vấn đề chi phí và hiệu quả kinh doanh.
IEA ngày 12/11 dự báo giá dầu sụt giảm có thể cắt giảm sản lượng dầu đá phiến của Mỹ thêm 10% trong năm 2015 và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng trong ngành này.
Tháng trước, các công ty dầu mỏ từ Royal Dutch Shell Plc đến ConocoPhillips đều tuyên bố họ sẽ cắt giảm chi tiêu vốn để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh giá dầu đi xuống. Việc điều chỉnh kế hoạch khai thác của các nước hay các công ty dầu mỏ nhìn chung đều tuân theo quy luật thị trường với việc giảm sản xuất khi nào giá bất lợi.
Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là những biến động trên thị trường dầu mỏ hiện nay chỉ là một sự điều chỉnh ngắn hạn hoặc một dấu hiệu của một thị trường đi xuống trong dài hạn. Nếu sự giảm giá chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thị trường sẽ ổn định mà không cần phải thực hiện các biện pháp cắt giảm sản xuất. Nhưng nếu trạng thái cân bằng của giá dầu đứng ở mức như hiện nay, hoặc thấp hơn, rất có thể những rủi ro kinh tế kể trên sẽ xuất hiện rõ nét hơn.
Tuy nhiên, báo cáo “Triển vọng Năng lượng toàn cầu 2014” của IEA đã dự báo rằng nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 37%. Mặc dù hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, nhưng giá dầu sẽ dần đi lên khi nhu cầu dầu mỏ tăng từ 90 triệu thùng/ngày trong năm 2013 lên mức 104 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Tuy nhiên, việc giá dầu tăng cao cùng với các chính sách mới về năng lượng cũng sẽ ghìm đà tăng của mức tiêu thụ dầu mỏ.
Fatih Birol – nhà kinh tế trưởng của IEA nhận định một thị trường dầu được cung cấp đầy đủ trong ngắn hạn không thể che khuất được những thách thức ở phía trước, khi mà thế giới dường như phải phụ thuộc vào một số lượng tương đối ít các quốc gia sản xuất dầu mỏ.
Theo Tố Uyên TTXVN tại Geneva
Nguồn: Năng Lượng Việt Nam
Trả lời