Hạ viện Mỹ đã bác dự luật về thương mại của Obama

Trong một diễn biến cho thấy những khó khăn mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phải đối mặt trong nỗ lực hoàn tất các thỏa thuận thương mại với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương, ngày 12/6, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu phản đối giải pháp Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA).

Động thái này khiến Quốc hội Mỹ tạm thời chưa thể gia hạn và trao cho tổng thống “Quyền Thúc đẩy Thương mại” (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, bất chấp việc TPA được Hạ viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu cùng ngày.

Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật gồm hai phần là TPA và TAA. Do đó, để dự luật có thể được trình Tổng thống Obama ký ban hành, Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/6 cũng phải phê chuẩn đồng thời cả hai phần dự luật nói trên mà không đưa vào bất kỳ điều chỉnh nào.

Với 219 phiếu thuận và 211 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua quyền đàm phán nhanh TPA. Tuy nhiên, với 302 phiếu chống và chỉ có 126 phiếu thuận, phần dự luật về TAA không được phê chuẩn vì sự phản đối của phần lớn các hạ nghị sỹ Dân chủ.

Dưới sức ép của các nghiệp đoàn, các nghị sỹ Dân chủ tiếp tục cho rằng phần dự luật TAA mà Thượng viện Mỹ thông qua tháng trước là không đủ mạnh để có thể hỗ trợ cho những người lao động Mỹ bị mất việc làm vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chính quyền Tổng thống Obama đang theo đuổi với 11 quốc gia đối tác.

Phát biểu với báo giới, một cố vấn nghị sỹ của Đảng Cộng hòa cho biết với kết quả trên, các nhà lãnh đạo đảng này dự kiến Hạ viện sẽ nhóm họp để bỏ phiếu lại về TAA vào ngày 16/6 tới.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi, tuyên bố các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ “muốn một thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ” và công khai phản đối TAA. Trong lá thư gửi cho các nghị sỹ sau cuộc bỏ phiếu, bà Pelosi hối thúc các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa phối hợp soạn thảo một dự luật thương mại mới, trong đó có những điều khoản mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động Mỹ và môi trường.

Bà cũng nói rằng triển vọng thông qua TPA sẽ “tăng đáng kể” nếu Quốc hội gia hạn một dự luật cấp phép cho việc mở các dự án đường cao tốc lớn. Hạ nghị sỹ Cộng hòa Paul Ryan thừa nhận Tổng thống Obama đã nỗ lực thuyết phục các nghị sỹ Dân chủ tới tận phút chót, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy nói với báo giới rằng ông thất vọng với kết quả này, đồng thời khuyến cáo các đồng nghiệp Dân chủ “hãy xem lại một cách nghiêm túc” lập trường của mình trước khi diễn ra một cuộc bỏ phiếu mới về TAA vào tuần tới.

Nếu được Quốc hội trao TPA, đây là một thắng lợi đối với chính quyền của Tổng thống Obama, người từng coi việc kết thúc đàm phán ký TPP với 11 đối tác châu Á-Thái Bình Dương khác là một ưu tiên đối ngoại trong nhiệm kỳ hai.

Dự luật này trao cho Nhà Trắng toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP.

Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản đã nhất trí.

Giới phân tích đánh giá việc giành TPA là một “cuộc chiến” cam go của Nhà Trắng, đồng thời cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ đang nắm quyền hành pháp.

Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn chính quyền Tổng thống Obama có được TPA trước khi hoàn tất hiệp định

Trí Lê (Theo Xã Luận)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề