Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/4 đã đề nghị Quốc hội Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố.
Đây được xem là nỗ lực quan trọng tiếp theo sau thỏa thuận chung ngày 17/12/2014 nhằm tiến tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Đưa Havana ra khỏi danh sách khủng bố có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy thương mại, giao dịch tài chính, hợp tác ngân hàng, quy định về thuế, miễn trừ ngoại giao cho quan chức chính phủ giữa Mỹ và Cuba. Điều này cũng loại bỏ một sốrào cản hạn chế sự tiếp nhận của Cuba với hỗ trợ tài chính từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức đa phương khác.
Dù một số biện pháp trừng phạt vẫn chưa được dỡ bỏ, bao gồm gia tăng nới lỏng hạn chế du lịch và thương mại, do cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, nhưng động thái này tạo nền tảng cho việc hai nước mở lại đại sứ quán và thực hiện những nỗ lực tiếp theo để thúc đẩy quan hệ.
Trước đó, trong một dấu hiệu của sự tan băng ngoại giao, Cuba đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần 7 tại Panama. Bên lề sự kiện này, hai nhà lãnh đạo Obama và Raul Castro đã có cuộc gặp trực tiếp ngày 11/4 và thừa nhận, đây là thời điểm thích hợp sau gần 60 năm để hai nước cùng bước vào lộ trình hướng tới tương lai.
Quốc hội Mỹ có 45 ngày để thông qua một nghị quyết chung ngăn cản quyết định này của ông Obama. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, các nhà lập pháp nước này ít có khả năng thu thập đủ số phiếu để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống.
Củng cố quan hệ láng giềng trong khu vực
Trước đó, sự cô lập của Washington với Cuba, đặc biệt là thực hiện bao vây cấm vận và trừng phạt đối với hòn đảo này là nguồn gốc cho một sự thù địch “ăn sâu bén rễ” tại Mỹ Latinh, liên kết các chính phủ trong khu vực chống lại Mỹ. Theo Reuters dẫn lời Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, “Chính sách Cuba của chúng tôi, thay vì cô lập Cuba, đã cô lập Mỹ ngay tại sân sau của mình”.
Đồng thời, chủ nghĩa tự do mới mà Washington áp dụng với các quốc gia trong khu vực từ những năm 1990 cũng đã chứng minh tính không hiệu quả của nó. Các nước Mỹ Latinh ngày càng thể hiện rõ sự độc lập về ngoại giao và kinh tế với Mỹ khi tận dụng nguồn vốn vay và nhận viện trợ từ các quốc gia khác.
Trước đó, Mỹ đã bị nhiều nước Mỹ Latinh phản đối việc thiết lập các căn cứ quân sự tại khắp khu vực, trong đó có cả ở Cuba (Vịnh Guantánamo), Brazil, Puerto Rico, và Honduras. Gần đây nhất, việc Mỹ ngày 9/3 tuyên bố Venezuela là một mối đe dọa an ninh quốc gia đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng loạt quan chức cấp cao của Venezuela đã gây ra một làn sóng phản đối gay gắt của cộng đồng các nước châu lục này.
Rõ ràng, ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ Latinh đã suy giảm nghiêm trọng. Và việc có “cuộc hội kiến lịch sử” với Chủ tịch Cuba Raul Castro hay cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro và động thái đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố là cần thiết để Mỹ làm dịu bầu không khí căng thẳng đang ngày càng gia tăng với các nước trong khu vực.
Ông Obama đã cho biết: “Nước Mỹ không bị cầm tù bởi quá khứ. Chúng tôi nhìn đến tương lai và những chính sách cải thiện đời sống của người dân Cuba cũng như thúc đẩy lợi ích hợp tác của bán cầu Tây này”.
Đối phó với sự thâm nhập của Nga và Trung Quốc tại sân sau
Có thể nói Mỹ Latinh và Caribbean ngày nay là sân khấu cho cuộc đọ sức giữa các cường quốc phát triển bên bờ Đại Tây Dương và các nước mới nổi châu Á, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Theo phân tích của CNN, hiện nay Mỹ Latinh đang là một trong những người bạn thân của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Mức đầu tư của ngân hàng Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh đã tăng khoảng 71% vào năm 2014.
Tại Hội nghị bộ trưởng đầu tiên của Diễn đàn Trung Quốc-Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Caribbean (CELAC) tháng 1 gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ nâng tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh lên 250 tỷ USD trong 10 năm tới và đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 500 tỷ USD cũng trong khoảng thời gian này.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã “tấn công” một cách chủ động vào các thị trường tại khu vực như Brazin, Venezuela, Argentina, Chile, Peru, Mehico…, cũng như nâng cấp quan hệ với Venezuela và Argentina lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Riêng ở một số nước như Brazil, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất.
Cường quốc châu Á này cũng đang có một vài bước tiến đáng kể với việc tham gia những kế hoạch xây dựng khổng lồ mang tính chiến lược chính trị như kênh đào Nicaragua hay dự án đường sắt nối liền hai đại dương (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) qua nhiều nước Nam Mỹ.
Đồng thời, cũng có một sự xích lại gần đáng kể giữa một số nước Mỹ Latinh với Nga. Tháng 7/2014, Tổng thống Nga Putin đã có chuyến công du dài ngày đến Mỹ Latinh, và gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25/3 đã có chuyến công du tới Cuba và một số nước trong khu vực như Colombia, Nicaragua và Guatemala nhằm tăng cường quan hệ song phương và thúc đẩy các cơ hội hợp tác, theo AFP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định trong phần trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Itar-Tass năm 2014, Nga coi mối quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh là một trong những đường lối quan trọng và đầy hứa hẹn trong chính sách đối ngoại của Nga.
Nền tảng thúc đẩy hợp tác thương mại Nga – Mỹ Latinh sẽ là Chương trình hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật liên chính phủ trong giai đoạn 2012 – 2020, theo Russia Today. Về hợp tác quân sự, tháng 2 vừa qua, Nga và Nicaragua đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ, trong đó cho phép tàu chiến Nga dễ dàng ra vào các cảng ở quốc gia Mỹ Latinh này. Bên cạnh đó, hai bên còn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự khác.
Trước những động thái ngày càng mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, chiến lược “xích lại gần hơn” với Cuba có thể giúp Mỹ hạn chế phần nào không gian địa chiến lược của hai nước này trên cấp độ toàn cầu khi nền kinh tế Mỹ đang suy giảm và phải can dự vào nhiều cuộc xung đột khu vực.
Trong bối cảnh Tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cuba sẽ được tổ chức vào tháng 4/2016 và bầu cử toàn quốc vào năm 2018 thì để đảm bảo lợi ích quốc gia của hai bên, tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Mỹ và Cuba là không hề dễ dàng.
An Bình (Tổng hợp)
- Gia nhập EU và NATO, nhưng không có Donbass - 9 câu hỏi về cuộc hội đàm Biden-Putin
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- Các tên lửa hành trình của Ukraina có khả năng "khóa biển Azov"
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Bài phát biểu của tân tổng thống Ukraina Vladimir Alekseievich Zelensky.
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
Trả lời