“Thánh phượt” Việt Nam lái bè tre vượt Thái Bình Dương sang châu Mỹ

Cách đây hơn 20 năm, ông đã sát cánh cùng những “tượng đài về xê dịch” trên thế giới, điều khiển một chiếc bè tre, hoàn toàn mượn nhờ sức gió, vượt qua hải trình hơn 8.850km, từ Sầm Sơn tới gần nước Mỹ.

2014 là năm mà những tín đồ xê dịch của Việt Nam liên tục choáng ngợp trước những kỳ tích đi lại mang tầm cỡ thế giới của người Việt.

Tháng 5/2014, “thánh phượt” người Mông Vừ Già Pó đặt chân xuống sân bay Nội Bài, kết thúc một kỳ kích đi bộ “bất đắc dĩ” hơn 5.800km trong vòng 18 tháng.

Nhưng ít người để ý, chỉ trước đó 2 tháng, một cuốn sách có tựa đề tiếng Việt là “Bè tre Việt Nam du ký” được xuất bản, đã hé lộ ra một vị “thánh phượt” người Việt khác.

Cách đây hơn 20 năm, ông đã sát cánh cùng những “tượng đài về xê dịch” trên thế giới, điều khiển một chiếc bè tre, hoàn toàn mượn nhờ sức gió, vượt qua hải trình hơn 8.850km, từ Sầm Sơn tới gần nước Mỹ.

4

1. …Nhô đầu ra từ một xưởng gỗ bụi bặm, ông Lương Viết Lợi hồ hởi thay quần áo, rồi đưa PV Chuyên đề ANTG về nhà. Chẳng cần khách hỏi, ông cười ha hả giải thích, dạo này rảnh rỗi không có việc làm, ông qua giúp việc cho xưởng mộc của đứa cháu.

So với sự phồn thịnh, phát triển rầm rộ, thay đổi đến chóng mặt của Sầm Sơn mấy năm nay, căn nhà của ông Lợi dường như lạc lõng trước sự thay da đổi thịt về kinh tế ấy.

Căn nhà nhỏ lụp xụp nép vào một nhà ống đổ mái bằng, nếu như cách đây hơn 10 năm còn gọi là khang trang, nay đã xuống cấp. Đồ đạc trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, tường trát xi măng vẫn còn chưa được quét vôi, chứng tỏ hơn chục năm nay, kinh tế của gia chủ chẳng có gì khởi sắc.

Thứ đáng giá nhất trong căn nhà, có lẽ là tấm bản đồ của hành trình chiếc bè tre mang tên Từ Phúc trong chuyến đi gây xôn xao cả châu Á năm 1993.

Tấm bản đồ được phóng to, choán nửa bức tường, khiến cho căn chái lụp xụp trông sáng sủa hơn chút ít. Bên cạnh tấm bản đồ, là bức ảnh của toàn bộ thành viên của chuyến hải hành. Lương Viết Lợi, trong tấm ảnh, nhìn rắn rỏi, đầy sức sống.

Ông Lợi đang cười phà phà, thoáng có chút trầm lại, khi nhìn vào bức ảnh. Ông cho biết, đáng nhẽ ông còn giữ được nhiều ảnh lắm, nhiều kỷ vật lắm, nhiều bức ký họa lắm… nhưng chừng nấy năm đằng đẵng, có những lúc tưởng chừng như không còn ai nhớ tới, còn nhắc tới một chuyến đi có giá trị đến vậy, nên có lúc ông đã như là bất đắc chí, như là tủi thân, mà ném đi rất nhiều.

Cũng có chút tiếc nuối cho ông, một thành viên vô cùng quan trọng, trong một chuyến đi lịch sử. Bản thân nguyên bản cuốn sách mà Tim Severin viết ra, trong lần xuất bản thứ nhất từ năm 1995, đã có cái tên “The China Voyage” (Chuyến hải hành Trung Hoa). Cái tên ấy, những người Việt ham đọc sách du khảo, rất dễ bị lướt qua.

Bản thân người viết, cũng đã bỏ qua cơ hội được tiếp cận tác phẩm này, cũng chỉ vì những cảm quan ban đầu. Trong danh sách tại Thư viện Quốc gia Australia, cuốn “Chuyến hải hành Trung Hoa” đã từng lướt qua danh mục tham khảo, mà không đọng lại được ấn tượng. Giá mà, đại khái là “Bè luồng Thanh Hóa” gì đó, thì có phải cơ sự đã khác đi nhiều…

Có nhẽ cũng chính vì lẽ đó, mà chỉ đến khi bản dịch của “The China Voyage”, dưới cái tên “Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương”, do dịch giả Đỗ Thái Bình – Vũ Diệu Linh chuyển ngữ, ra mắt công chúng tháng 3/2015, giới truyền thông mới biết đến một chuyến đi tầm cỡ như thế, và có một nhân chứng cho một sự kiện tầm cỡ như thế, đang sống vất vả đến vậy, ở ngay đất Sầm Sơn…

2. Nếu theo thói quen dùng đến những ngôn từ xưng tụng như “thần, thánh” để diễn tả sự thán phục, thì đối với Tim Severin, tác giả của chuyến hải hành này, chắc những tín đồ xê dịch phải dùng đến những từ ngữ kiểu “thánh hoàng phượt” hay “chúa tể phượt”… mới đủ sự kính trọng để miêu tả về ông, nhà thám hiểm, nhà sử học, nhà văn, người sở hữu Huân chương Hội Địa lý Hoàng gia Anh, Huân chương Hội Địa lý Hoàng gia Scotland.

Tim Severin đặc biệt tò mò và đam mê những chuyến du hành khám phá được thực hiện từ thời cổ đại, hoặc được viết ra trong những câu chuyện cổ tích, thần thoại: hành trình của Marco Polo, hành trình khám phá Tân Thế Giới của các chinh tướng người Tây Ban Nha, hành trình của thánh Brendan, hành trình của thủy thủ Sindbad trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”, hành trình dựa trên bộ sử thi “Argonautica” với huyền thoại Bộ lông cừu vàng, hành trình của anh hùng Ulysses trong sử thi “Odyssey”, đi tìm Thành Cát Tư Hãn, những chỉ dấu giao thương và văn hóa giữa châu Á và châu Mỹ…

Không đơn thuần chỉ đam mê nghiên cứu, Tim Severin còn tự mình tái tạo lại toàn bộ những chuyến đi tưởng chừng như không thể lặp lại ấy. Ông tự mình dấn thân vào những chuyến đi được phục dựng theo đúng nguyên mẫu, với những phương tiện di chuyển giống hệt thời cổ đại, để kiểm chứng lại nhiều điều dường như chỉ có trong huyền sử.

Chính những chuyến đi này, cộng thêm khả năng viết lách rất cuốn hút, đầy tính nhân văn nhưng lại vô cùng khách quan và khoa học, điều mà không phải những gã lang thang nào cũng có được, đã khiến cho cái tên Tim Severin, trở thành một huyền thoại trong làng xê dịch thế giới.

Năm 1961, khi mới 21 tuổi, và là sinh viên của Đại học Oxford, Tim đã thực hiện chuyến đi đầu đời, xuyên châu Á bằng xe máy, xuất phát từ Italia, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, rồi dừng lại ở biên giới Trung Quốc vì không được cấp visa.

Điều đặc biệt, tư liệu dẫn đường cho chuyến đi này hoàn toàn phụ thuộc vào bản bút ký “Miêu tả thế giới” mà Marco Polo đã viết. Trong chuyến đi đầu đời này, Tim Severin đã phải nếm trải bão cát, lũ lụt, tai nạn xe máy và… bị cầm tù, chỉ để thỏa mãn ước nguyện được ngồi trên lưng lạc đà, vượt qua đèo Deh Bakri ở Iran để xác định “trái cấm” trong truyền thuyết cũng như những suối nước nóng ngầm mà Marco Polo đã miêu tả.

Năm 1967, với cảm hứng từ chuyến khám phá Tân Thế Giới của các chinh tướng, Tim Severin đã thực hiện chuyến đi dọc sông Mississippi, đúng theo lộ trình cách đây hàng trăm năm.

Từ năm 1976-1977, ông thực hiện chuyến đi tái tạo chuyến hải hành của thánh Berdan đã diễn ra vào năm 800 sau Công nguyên. Tin tưởng rằng huyền thoại luôn được xây dựng trên những tư liệu lịch sử, Tim Severin đã đóng một con thuyền dân gian Ireland, 2 cột buồm, dài 11m. Con thuyền đã trải qua hành trình 7.200km, từ Ireland tới Canada, vượt qua Đại Tây Dương.

Sau khi kết thúc chuyến đi, cuốn sách có tựa đề “Chuyến du hành Brendan” đã trở thành cuốn sách bán chạy trên thế giới, được dịch sang 16 ngôn ngữ.

3. Năm 1980-1981, tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm” lại trở thành nguồn cảm hứng để Tim Severin tiến hành dự án đóng một chiếc thuyền theo kiểu Arập thời Trung cổ. Sau 7 tháng, kết quả của dự án do đích thân Quốc vương Oman đứng ra tài trợ, là một chiếc thuyền bằng gỗ có tên “Sohar” dài 26,5m, hoàn toàn cổ xưa theo đúng như những chiếc thuyền ra đời từ thế kỷ thứ IX.

Không có bất cứ phương tiện dẫn đường hiện đại nào, chỉ định hướng thông qua các chòm sao, trải qua vô vàn khó khăn, thậm chí tưởng như đã có lúc chìm xuống đáy biển, trong vòng 8 tháng, con thuyền cổ cùng 25 thuyền viên đã hoàn thành hải trình dài 9.600km, vượt qua biển Arập, qua Ấn Độ, Sri Lanka và cập bến tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Kết thúc chuyến đi, cuốn sách mang tên “Chuyến hải hành Sinbad” xuất bản năm 1982 đã đem lại cho Tim Severin giải thưởng danh giá về sách du lịch mang tên Thomas Cook.

Năm 1984, đến lượt bộ sử thi “Argonautica” ra đời thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên trở thành cảm hứng của Tim Severin cho hành trình tiếp theo. Một chiếc thuyền cổ Hy Lạp có tên Argo, được đóng theo đúng nguyên mẫu Thời Đồ đồng, với 20 người chèo, đã đưa ông hoàn thành quãng đường 2.400km, vượt qua biển Marmara, tiến vào biển Đen.

Cuốn sách có tên “Chuyến hải hành Jason” đã đưa người đọc khám phá từng địa danh đã được đề cập tới trong sử thi “Argonnautica”, đưa ra một lời giải thích hợp lý cho huyền thoại về Bộ lông cừu vàng.

Năm 1985, Tim Severin tiếp tục sử dụng chiếc thuyền Argo để tái hiện chuyến hải hành trở về nhà của vị anh hùng Ulisses trong sử thi Odyssey, từ thành Troy về Inthanca. Chuyến đi đã giúp Tim Severin củng cố thêm nhiều chứng cứ thực tế có liên quan đến các địa danh được đề cập tới trong cổ sử Hy Lạp, thông qua tác phẩm “Chuyến hải hành Ulysses”, xuất bản năm 1987.

Năm 1990, để nối tiếp chuyến đi đầu đời bằng xe máy còn dang dở, nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thành Cát Tư Hãn, Tim Severin lại cùng những du mục Mông Cổ tìm theo dấu vết của vị hoàng đế lẫy lừng thế giới. Cuốn sách “Tìm kiếm Thành Cát Tư Hãn”, xuất bản năm 1993, là sản phẩm của những tháng ngày vắt vẻo trên lưng lạc đà ở sa mạc Gobi, ăn dầm ở dề với người Ka-zắc trong lều trại, đã đưa ra một cái nhìn khá hiếm hoi về một quốc gia khi đó đang còn được ít người biết đến.

Năm 1991, Tim Severin đặt chân đến bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.

4. Cái ngày Tim Severin quyết định lựa chọn Sầm Sơn là nơi bè tre Từ Phúc ra đời, đối với người dân bản địa khi đó, không khác gì một ngày hội.

Trong những bô lão, những hiệp thợ lành nghề nhất của đất Sầm Sơn được trưng dụng vào việc đóng chiếc bè thử nghiệm, gia đình ông Lương Viết Lợi góp tới 2 người: cha và con. Cha ông, là một ngư phủ lão luyện, với kinh nghiệm đi bè hàng chục năm, sẽ cùng những người khác đưa ra những lời tư vấn. Còn Lương Viết Lợi, ngoài kinh nghiệm đi biển với các bậc kình ngư từ bé, ông còn có một lợi thế nổi trội: ông là một thợ mộc hạng cừ!

Và tất cả những lợi thế ấy của ông Lợi, không lọt qua được con mắt lão luyện như sói biển của Tim Severin. “Tôi đã chú ý đến anh ta ngay ngày đầu tiên đến Sầm Sơn vì anh ta trông giống như mafia từ trong phim Ý bước ra… Anh ta là một người thợ tuyệt vời, một mình cũng đủ để làm việc nhịp nhàng theo kịp với đội buộc mảng… Giờ đây, qua việc anh tham gia chạy mảng thử nghiệm, tôi còn nhận ra rằng anh là một người thủy thủ rất có năng lực, rất linh hoạt và rất nhiệt tình trong công việc”.

“Nhìn Lợi di chuyển thoăn thoắt trên mảng thử nghiệm, điều chỉnh những cánh buồm, thắt dây thừng, và dùng vồ gỗ cùng những cây đục siết chặt các mối ghép, tôi tin rằng mình đã tìm được đúng thành viên người Việt cho thủy thủ đoàn” – Tim Severin viết.

…Và trong buổi chiều sau khi mảng thử nghiệm đã cho kết quả trên mức hài lòng, gia đình ông Lương Viết Lợi được Tim Severin mời cơm. Sau bữa cơm, trước mặt bố và anh trai ông Lợi, vị “xê dịch gia” kiểm sử gia hàng đầu thế giới đã trịnh trọng mời Lợi tham gia vào chuyến đi của ông.

Lợi đã nhanh chóng nhận lời, vì đó chính là ước mơ, là khát vọng của anh. Lương Viết Lợi nhận lời, khi một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Chính bản thân anh cũng không biết người đưa ra lời mời đối với mình nổi tiếng đến mức nào.

“Bản thân tôi nhận lời, là vì tôi quý Tim. Nhìn cách làm việc của Tim, tôi biết đó là một người cực kỳ lão luyện. Tôi nhận lời, nhưng cũng không tin mình có thể được đi, vì vào thời điểm đó, một ngư dân như tôi, nói đến chuyện sang Mỹ, là một điều hoang đường. Ngay cả khi nhận lời, tôi không nghĩ được là chuyến đi có thể diễn ra”, ông Lợi chia sẻ.

(Còn tiếp)

CAND


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết ““Thánh phượt” Việt Nam lái bè tre vượt Thái Bình Dương sang châu Mỹ”:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề