Chuyện về “Thánh phượt” Việt Nam: Mảng Từ Phúc trước khi khởi hành

Tại sao những “ông Tây xa lạ” lại mò đến tận Sầm Sơn để đóng bè tre? Tại sao họ lại mời một người ngoại ngữ “bẻ đôi không biết” tham dự chuyến đi của họ? Nước Mỹ ở đâu, liệu một ngư dân thậm chí chưa từng đặt chân ra Hà Nội có thể được phép đi đến tận nơi đó? “Ông Tây” có quay lại không, hay đó chỉ là một giấc mơ được nhen nhóm, rồi bay đi mất, như tàn đóm bay trong gió khi kết thúc một cữ thuốc lào?…

>> “Thánh phượt” Việt Nam lái bè tre vượt Thái Bình Dương sang châu Mỹ

Những câu hỏi liên tục xoay trong đầu ông Lương Viết Lợi, và câu trả lời chỉ có khi Tim Severin một lần nữa xuất hiện ở Sầm Sơn.

1. Kể từ ngày Tim Severin rời Sầm Sơn, cũng là những tháng ngày ông Lợi sống bần thần với giấc mơ được nhen nhóm vội. Nhiều khi, ông cứ nằm, tay vắt lên trán, mồm lẩm bẩm, không biết lời mời đó có thật không. Thi thoảng, cha và anh trai ông Lợi, người trực tiếp chứng kiến lời mời của Tim trong bữa cơm hôm nọ, lại đùa dăm câu, khiến lòng ông Lợi như lửa đốt.
Nhưng với kinh nghiệm của một ngư phủ lão luyện, đã trực tiếp “thụ nghề”, trực tiếp được huấn luyện bởi những bậc lão làng chuyên đi bè tre đất Sầm Sơn như các cụ Ngũ Gào, Ngọ Nghệ, Năm Gì, Tốc, Hanh Nội, Ất Cài, Tý Sửu, Bát Cống… trực giác của ông Lợi vẫn tin lời mời đó là thực sự.

Hơn nữa, trong những ngày đóng bè thử nghiệm, Tim Severin đã cho ông Lợi xem lại cuộn băng video ghi lại hành trình trên chiếc thuyền Argo cổ bọc da bò chinh phục đại dương như thế nào. Là một ngư dân lão luyện, ông Lợi hoàn toàn tâm phục khẩu phục về tính chuyên nghiệp của nhóm lữ hành. “Nhìn cảnh thuyền bọc da bò mà tôi thấy nể. Đi bè tre, vỡ còn bám được cây tre là biết mình còn sống. Chứ thuyền da bò thế kia chìm thì không biết bám vào đâu”, ông Lợi tắc lưỡi.

…Vậy nên, đến khi Tim Severin sang Việt Nam lần thứ 2, ông Lợi yên tâm đến 80%. Như một thỏa thuận ngầm giữa những người đàn ông ăn sóng nói gió, ngay cả khi Tim bấn bíu với việc hạch toán vật liệu, rồi xin giấy phép của tỉnh đội Thanh Hóa để lên Quan Hóa, một huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, để thu xếp việc mua luồng, rồi luồng về đến nơi, rồi khởi công đóng bè vào ngày Giáng sinh năm 1992… họ vẫn không đả động gì đến chuyện ông Lợi sẽ đi như thế nào.

Chỉ cho đến khi chiếc bè tre mang tên Từ Phúc được hoàn thành, hạ thủy, đi thử và vượt qua một cơn giông to đến độ suýt quăng chiếc bè thẳng vào mũi đá lởm chởm dưới chân núi đền Độc Cước… Tim Severin mới chính thức trịnh trọng nhắc lại lời mời một lần nữa. Ông Lợi hạnh phúc, nhận lời.

2. Cũng chính những tháng ngày chuẩn bị vật liệu, rồi trực tiếp phụ trách phần mộc, xẻ gỗ, đóng then ngang then dọc cho chiếc bè tre, ông Lợi mới hiểu được phần nào lý do Tim Severin chọn Sầm Sơn là nơi đóng bè.

Tim được truyền cảm hứng từ những sử liệu hồi còn là sinh viên tại Trường đại học Oxford danh giá, giả thiết rằng, rất lâu từ trước khi Columbus đến được Tân Thế Giới (châu Mỹ), các nhà hàng hải châu Á đã đến thăm châu Mỹ nhiều lần, và đã gây ảnh hưởng lớn tới nền văn minh Trung Mỹ.

22 năm đã trôi qua, nhưng ông Lợi vẫn nhớ như in từng mối lạt, từng mộng gỗ, từng vị trí xiếm của chiếc bè tre, theo ngôn ngữ ngư dân Sầm Sơn là mảng luồng.

22 năm đã trôi qua, nhưng ông Lợi vẫn nhớ như in từng mối lạt, từng mộng gỗ, từng vị trí xiếm của chiếc bè tre, theo ngôn ngữ ngư dân Sầm Sơn là mảng luồng.

Sau đó, những cuộc tranh luận diễn ra, kéo dài hàng thập kỷ trong giới sử học, khảo cổ học và nhân chủng học, vẫn xoay xung quanh câu chuyện có hay không tồn tại một mối liên kết xuyên Thái Bình Dương, liên lục tạo cho Tim Severin một mối quan tâm.

Cho đến khi, giáo sư Joseph Needham (1900-1995), nhà Đông phương học người Anh của Đại học Cambrigde, được công nhận là chuyên gia hàng đầu về lịch sử văn minh và khoa học Trung Hoa, trong bộ sách 7 tập, đã tuyên bố ông tin vào sự tồn tại của sự giao lưu văn hóa bằng đường biển giữa châu Mỹ và châu Á thời xưa, mà phương tiện chuyên chở chính là những bè mảng bằng tre… đã thực sự khiến Tim Severin bị chinh phục, và quyết định tìm gặp.

Giáo sư J.Needham đã hết sức khích lệ cho ý tưởng của Tim Severin, là làm một bản sao của chiếc bè tre bằng các vật liệu truyền thống, khởi hành từ Hồng Công, đi theo đường biển Đài Loan và Nhật Bản, để xem có đến được bờ biển California hay không. Giáo sư J.Needham khẳng định: “Chuyến du hành này, là rất quan trọng, không chỉ đối với ngành khoa học nghiên cứu về các cuộc thám hiểm nói riêng mà còn đối với cả bộ môn nghiên cứu về các nền văn minh nói chung” (Tim Severin).

Năm 1991, bắt tay vào công việc chuẩn bị cho đề án thám hiểm này, Tim Severin đã sang Đài Loan tìm hiểu, nhưng ông thất vọng, vì ở đó người ta không còn sử dụng tre để làm bè nữa, và tất nhiên, không có người nào biết làm một chiếc bè bằng tre đúng nghĩa.

Thông tin từ một người bạn là quản lý của Bảo tàng Hàng hải Exeter (Anh quốc) đã gieo cho Tim một luồng hy vọng: Sầm Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam, nơi đó ngư dân vẫn còn sử dụng những chiếc bè tre trong việc kiếm sống hàng ngày. Kiên trì viết thư xin phép Bộ Văn hóa, sau 2 tháng, Tim Severin đã được chấp thuận có visa vào Việt Nam.

3. Trực tiếp phỏng vấn ngư dân Sầm Sơn, trực tiếp đo đạc các bè tre (ngư dân Sầm Sơn gọi là mảng luồng), thu thập chiều dài của các lạt tre và vài mảnh luồng rời để làm mẫu, quan sát dân chài sửa chữa bè mảng, trực tiếp ngồi trên mảng đi ra biển… Tim Severin đã có được nhiều tư liệu. Ông gửi toàn bộ dữ liệu này cho Colin Mudie, kỹ sư đóng tàu người Anh, chuyên về thuyền buồm từ hiện đại cho tới thô sơ.

12

Chính Colin Mudie là người đã giúp Tim Severin thiết kế 3 chiếc thuyền cổ: một chiếc bọc da dùng để đi xuyên Đại Tây Dương năm 1976-1977; một chiếc thuyền buôn kiểu Arập cổ với những miếng ván thuyền được ghép bằng dây dừa đi từ biển Arập tới Trung Quốc năm 1980-1981; và một bản sao của chiếc thuyền chèo thời đồ đồng đi từ Hy Lạp đến Georgia năm 1984. Lần này, nhiệm vụ của Colin Mudie là thiết kế một chiếc mảng có thể vượt qua quãng đường dự tính 6.500 hải lý (khoảng 10.500 km).

Ngoài hai vợ chồng kỹ sư thiết kế tàu Colin Mudie và Rose Mary đảm nhận vai trò cố vấn, Tim Severin còn mời chuyên viên tàu thuyền dân gian người Úc Nick Burmingham trực tiếp bay đến Hà Nội, xuống Sầm Sơn vào đêm Giáng sinh năm 1992, làm kỹ sư “đốc công” cho quá trình đóng mảng Từ Phúc.

Nick Burmingham, thời điểm đó đang phụ trách Bảo tàng của tiểu bang Bắc Úc, là một chuyên gia về bảo quản các phương tiện thủy của địa phương, là một bậc thầy kiến thức về cách đóng thuyền bè truyền thống. Chính Nick là người đã đóng những chiếc thuyền buồm truyền thống ở bờ đông Indonesia và lái chúng đến Úc.

“Tôi nhận ra rằng, lối sống thủy cư của những ngư dân đã sản sinh ra những đôi vai cuồn cuộc cơ bắp nhờ khua đảo mái chèo, và những đôi bàn chân to bè với những ngón linh hoạt có khả năng bám chặt lấy bề mặt ướt lem nhem của mảng luồng.

Ngay khi rảo bước trên nền cát ẩm đi lên bờ đến chỗ Trúc đang đứng đợi, tôi đã đi đến một quyết định: đất nước, nơi tôi nên làm chiếc bè vượt đại dương để chứng minh học thuyết “Xuyên dương” của Needham chính là Việt Nam”, Tim Severin viết.

4. Còn vì sao chiếc mảng luồng Sầm Sơn lại có cái tên Từ Phúc? Có vẻ với tư cách của một nhà sử học, Tim chịu ảnh hưởng bởi bộ sách đồ sộ của giáo sư Needman. Với tư cách là một nhà văn, Tim chịu ảnh hưởng bởi sự lãng mạn của điển tích Từ Phúc nhận lệnh Tần Thủy Hoàng lái thuyền đi tìm Bồng Lai Đảo. Ông đã quyết định đặt tên cho chiếc mảng là Từ Phúc.

Theo sử ký Tư Mã Thiên, Từ Phúc đã thực hiện chuyến du hành đầu tiên vào năm 219 trước Công nguyên, với nhiệm vụ đi tìm thuốc trường sinh, những sinh vật huyền diệu và những vật thần kỳ ở Bồng Lai Tam Đảo. Lần thứ hai, đem theo 3.000 nam nữ, hạt ngũ cốc và nghệ nhân muôn ngành… với tư cách là những vật hiến tế, Từ Phúc ra đi, tìm được vùng đất lành, xưng vương ở đó và không bao giờ quay về Trung Quốc nữa. Cũng có thể, có một giả thiết khác, là Từ Phúc cùng 3.000 người kia có thể đã bị đắm tàu…

Dưới một góc nhìn có liên quan, nhận định của chuyên gia kỹ sư Đỗ Thái Bình, thành viên Hội đóng tàu Hoa Kỳ (SNAME), cũng chính là dịch giả của cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký – 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương”, lại đưa ra những điểm hạn chế trong nhận định của Tim Severin.

“Thực ra, do hạn hẹp về nguồn thông tin nên Tim Severin không biết rằng, mảng tre cùng với buồm cánh dơi và xiếm là những sản phẩm độc đáo của dân tộc Việt mà nhiều nhà nghiên cứu cũng như đô đốc Paris (đô đốc Hải quân Pháp, nhà nghiên cứu lịch sử hàng hải, là một trong những người đầu tiên nghiên cứu và bàn luận về khía cạnh văn hóa của thuyền bè Việt Nam), Claeys JYC, Công Văn Trung, Phạm Văn Chung (tác phẩm đầu tiên nghiên cứu về mảng tre của 3 ông đăng trên BIIEH năm 1942)… đã dày công nghiên cứu”, ông Đỗ Thái Bình nhận định.

5. Theo trí nhớ của ông Lương Viết Lợi, chiếc mảng Từ Phúc được hạ thủy vào ngày 16/3 Âm Lịch. Sau 2 đêm ở dưới bè làm nhiệm vụ trông coi là chỉnh sửa lại những chi tiết cần hoàn thiện khi mảng nằm trên mặt nước, chiếc tàu vận tải đã kéo Từ Phúc từ biển Sầm Sơn thẳng tiến tới Hạ Long. Tại đây, mảng Từ Phúc sẽ được dựng cột buồm, gắn buồm, hệ thống dây buồm, dây lèo.

Tim Severin chọn Hạ Long, vì ông nhận định nơi đây gần Trung Quốc, và ngư dân vẫn sử dụng thuyền mành để đánh cá, và Tim muốn trang bị cho Từ Phúc một bộ cánh buồm mành kiểu Trung Hoa cổ. Nhưng theo chuyên gia Đỗ Thái Bình, ở Việt Nam cũng có một sản phẩm tương tự, có tên là buồm cánh dơi.

Khác với buồm bình thường chỉ có một miếng cho một tấm buồm, buồm cánh dơi được chia thành nhiều miếng nhỏ nhờ các thanh lát, như những chiếc nan của quạt giấy. Nhờ các thanh lát này mà thủy thủ có thể giương hết buồm hay thu nhỏ buồm như ta xếp một chiếc quạt.

Đích thân ba cha con ông Phạm Văn Chính, quê Yên Hưng, Quảng Ninh, đã mất 3 tháng ròng rã, đi đẵn gỗ trên những hòn đảo xa để làm cột buồm cho Từ Phúc. Còn đội ngũ đông đảo gồm vợ, chị em gái và hàng xóm… thực hiện việc khâu buồm, hoàn toàn bằng tay. Những tấm vải bạt được may bằng lụa tơ tằm, được đun qua nước củ nâu 4 lần, mỗi lần từ 10-12 tiếng. Sau khi dựng cột và lắp buồm, Từ Phúc đã có một chuyến chạy thử thành công trên vịnh Hạ Long.

…Một chi tiết vô cùng quan trọng phải nói tới, khiến mảng Từ Phúc trở thành một cái tên đình đám trong giới khoa học nghiên cứu về thám hiểm: Từ Phúc là một sản phẩm của sự tôn trọng kỹ thuật truyền thống, kết hợp với tư duy hiện đại. Toàn bộ vật liệu được sử dụng để đóng Từ Phúc đều là sản phẩm thiên nhiên: sử dụng các mộng gỗ, tranh tre nứa lá, lạt mây, sơn ta, không hề có bất kỳ một chiếc đinh hay một cọng dây nylon nào.

Trong khi tất cả các khâu kỹ thuật để dựng và đóng bè hoàn toàn tuân thủ theo kinh nghiệm truyền thống của ngư dân Sầm Sơn, một chương trình máy tính được chạy song song để phân tích, kiểm tra độ bền, độ ổn định của mảng theo ngôn ngữ của công nghệ đóng tàu hiện đại. Hai yếu tố truyền thống và hiện đại hòa quyện, tạo nên một dấu ấn Từ Phúc trong lịch sử khoa học thám hiểm thế giới.

(Còn tiếp)

CAND


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề