Hội nghị Thượng đỉnh các Quốc gia Châu Mỹ mở ra tại Panama trong hai ngày 10 và 11/04/2015. Trong 21 năm tồn tại của cơ chế tập hợp hơn 30 nước châu Mỹ này, năm nay là lần đầu tiên có sự hiện diện của Cuba. Sự kiện được mong đợi nhất là khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp xúc với Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Sau cái bắt tay từng được đánh giá là lịch sử giữa hai người vào cuối năm 2013 tại Nam Phi, bên lề tang lễ của ông Nelson Mandela, riêng việc hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Cuba đối diện nhau trong một khuôn khổ chính thức là điều chưa từng thấy từ năm 1956, tức từ trước cuộc cách mạng Cuba. Vào khi ấy, cũng ở Panama, lãnh đạo Cuba Fulgencio Batista đã gặp Tổng thống Mỹ Eisenhower.
Lần này, tuy chưa có thông báo nào về một cuộc gặp gỡ song phương Mỹ-Cuba, nhưng sự kiện hai ông Obama và Raul Castro cùng dự Thượng đỉnh đã mang tính chất lịch sử. Sau lễ khai mạc chính thức Hội nghị, vào lúc tối sẽ có dạ tiệc ở thành phố cổ Panama mà hai ông Obama và Castro cùng dự.
Các nhà quan sát nhìn thấy là một trang sử có lẽ được lật qua vào hôm nay ở Châu Mỹ, dù con đường bình thường hóa quan hệ Mỹ Cuba còn rất gập ghềnh.
Ngoài khía cạnh lịch sử với sự hiện diện đồng thời của Mỹ và Cuba, Thượng đỉnh Panama năm nay với chủ đề chính thức dành cho « Sự thịnh vượng trong công bằng », đã được giới phân tích xem là đấu trường giữa Mỹ và Venezuela trong lãnh vực dầu hỏa : Tổng thống Obama đã có cuộc gặp ở Kingston với 15 thành viên Cộng đồng các nước vùng Caribê – Caricom – với ý định đánh bại chính sách « ngoại giao dầu hỏa » giá rẻ của Venezuela nhắm vào các quốc gia này.
AFP trích lời cố vấn Nhà Trắng Ben Rhodes cho là Hoa Kỳ luôn muốn đào sâu quan hệ với các nước vùng Caribê và có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh năng lượng của khu vực.
Theo nhà nghiên cứu Thomas Snegaroff, một chuyên gia về địa lý chiến lược và Hoa Kỳ, thì lá bài dầu lửa luôn được sử dụng trong vùng. Venezuela đã dùng chính sách giá rẻ, trả tiền chậm với lãi suất thấp đê lôi kéo các quốc nhỏ ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ, và hiện nay thì Washington đang cố giành lại ảnh hưởng cũng với lá bài dầu hỏa, lợi dụng cơ hội giá dầu không ngừng sụt giảm, kinh tế Venezuela gặp khó khăn, khiến cho việc cung cấp dầu cho các quốc gia Caribê cũng bị trở ngại.
RFI
- Cuba đã quyết định rời bỏ tiếng Nga, phổ cập tiếng Anh
- Các nhà lãnh đạo EU và Trump rất khác biệt trong đánh giá nhân cách Castro
- Đức Giáo hoàng kêu gọi Cuba mở rộng hơn cửa với Giáo hội và Hoa Kỳ
- Đàm phán với Cuba: Châu Âu hoan nghênh nhiều « tiến bộ căn bản »
- Vì sao nguyên thủ phương Tây 'nhanh chân' đến Cuba?
- Lần đầu tiên trong 100 năm Tổng thống Pháp tới Cuba
Trả lời