Nga – Mỹ – Ả Rập Saudi, ai sẽ thắng trên thị trường dầu?

Không có gì quá lời khi nói rằng, cả thế giới đang chú tâm vào theo dõi những diễn biến của hội nghị Vienna đang diễn ra giữa các nước và tổ chức xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Có thể nói rằng, một phần lớn việc kinh tế thế giới tăng trưởng hay suy thoái trong tương lai nằm ở những gì đang diễn ra ở Vienna, nơi dang nóng bỏng với tình hình thị trường dầu.

Không chỉ thế, nó còn quyết định diện mạo thị trường dầu thế giới trong tương lai, một cuộc chiến tay ba giữa OPEC với đại diện quyền lực nhất là Ả Rập Saudi, với hai đối thủ còn lại là Nga và Mỹ.

Nếu như chỉ ba thập kỷ trước đây thôi, quyền lực tuyệt đối trên thị trường dầu mỏ hoàn toàn thuộc về OPEC khi những quyết định tăng hay giảm sản lượng của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ này có ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Không ai quên được cuộc khủng hoảng giá dầu kinh hoàng năm 1973 gây ra cú sốc kinh tế trên toàn thế giới với sự sụp đổ của nền kinh tế Nhật Bản chỉ vì OPEC cắt giảm sản lượng khai thác và xuất sang phương Tây và Nhật vì các nước này ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Ai Cập và Syria. Nhưng giờ đây tất cả đã thay đổi.

Sở dĩ OPEC có thể khuynh đảo thị trường dầu và đi cùng với đó là nền kinh tế thế giới như vậy, là nằm ở trữ lượng dầu khổng lồ mà tổ chức này nắm giữ. Theo ước tính, 12 quốc gia thuộc OPEC có thể nắm giữ tới 3/4 trữ lượng dầu toàn thế giới, và sản lượng dầu khai thác và xuất của OPEC cũng chiếm tới 40% lượng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới, trong đó Ả Rập Saudi chiếm phần lớn.

Quyền lực của OPEC lớn đến mức tổ chức này gần như độc quyền đưa ra các giải pháp liên quan đến giá dầu, một khi giá dầu giảm thì gần như toàn thế giới đều ngóng chờ OPEC tuyên bố giảm sản lượng để nâng giá dầu lên. Sở dĩ như thế, vì các nước thuộc OPEC có chung tiếng nói trong khi 60% sản lượng dầu còn lại nằm tản mát ở rất nhiều quốc gia riêng rẽ.

Nhưng, tất cả đã thay đổi. Mỹ với bước đột phá trong công nghệ khai thác dầu đá phiến đã vươn lên trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu, trong khi Venezuela với những phát hiện mới nhất đã vượt mặt Saudi để trở thành nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, dù đất nước Nam Mỹ này sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hiện thực hóa mục tiêu vượt Saudi của mình. OPEC giờ đây không còn giữ tiếng nói quyết định với thị trường dầu nữa, và vì thế giải pháp liên quan đến giá dầu cũng không còn thuộc quyền của tổ chức này.

Sự vươn lên của Mỹ hay Nga trên thị trường dầu, đã dẫn đến việc sản lượng khai thác dầu trên toàn thế giới đã trở nên dư thừa, với mức 2 triệu thùng ở thời điểm hiện tại. Điều này dẫn tới giá dầu tụt thê thảm, đạt mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua. Nhưng lần này, vấn đề quyết định xem ai sẽ đưa ra giải pháp bình ổn giá dầu đã trở nên không còn đơn giản. Vấn đề giờ đây đã là cuộc chiến tranh giành thị phần, bất cứ bên nào chấp nhận giảm sản lượng sẽ là người chịu thiệt, giá dầu sẽ tăng trở lại nhưng cũng đồng nghĩa với việc lãi ròng sẽ giảm đi do cắt giảm sản lượng.

Cuộc chiến, vì thế phụ thuộc vào bên nào đủ sức chịu đựng việc giá dầu chạm đáy như hiện nay lâu hơn. Việc giá dầu chạm đáy đang khiến tất cả các nước xuất khẩu dầu chịu thiệt, khi nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu đã giảm nghiêm trọng. Mỹ có lợi thế hơn cả khi sở hữu nền kinh tế số một thế giới với mức tiêu thụ xăng dầu cao hàng đầu.

Với một thị trường nội địa có tổng cầu lớn như vậy Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng tiêu thụ lượng dầu khai thác dù với giá thành thấp hơn mà không sợ rơi vào cảnh dư thừa. Trong khi đó cả Nga lẫn OPEC đều không có lợi thế đó và vẫn đang gồng mình chịu lỗ.

Việc OPEC và Nga tiếp tục không giảm sản lượng khai thác và chịu lỗ, là hướng đến kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi tích cực trong thời gian tới. Việc kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại, EU cùng Nhật và Trung Quốc đang kích thích kinh tế mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc nhu cầu về xăng dầu sẽ tăng trở lại và tự điều tiết.

Sự “tự điều tiết” mà ông Ali Al-Naimi, Bộ Trưởng dầu lửa Ả Rập Saudi đề cập và được ông Bijan Namdar Zanganeh, Bộ Trưởng dầu lửa Iran, chia sẻ với hàm ý chấp nhận một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần dầu khi kinh tế thế giới hồi phục và tăng trưởng trở lại. Trong đó, kẻ nào nhanh chân hơn và mạnh hơn sẽ chi phối thị trường dầu thế giới.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề