“Vũ khí ngăn chặn” đồng rúp Nga rớt giá: bán vàng trong kho dự trữ?

Ngân hàng trung ương Nga (CBR) bị chỉ trích vì đồng rúp Nga rớt giá, bất chấp CBR bất ngờ tăng lãi suất lên mức kỷ lục vào rạng sáng 16.12.

Bằng việc tăng lãi suất cao nhất kể từ năm 1998, từ 10,5 % lên 17 %, CBR kỳ vọng đồng rúp sẽ lại hấp dẫn các nhà đầu tư, nới lỏng sức ép của việc giá dầu rớt cùng lệnh cấm vận của phương tây.

Nhưng đồng rúp vẫn rớt giá trị 55 % so với đồng USD tính từ đầu năm nay. Đến 15 giờ 15.12, tỷ giá là 100 rúp “ăn” 1 euro nhưng đến 21 giờ thì đứng ở giá 90 rúp đổi 1 euro, và 80 rúp đổi được 1 USD, so với lúc sáng 58,1 rúp đổi được 1 USD.

Với tỷ giá này, rúp trở thành đồng tiền kém giá trị nhất thế giới năm 2014.

Đến sáng 17.12, tỷ giá là 70,7 rúp “ăn” 1 USD.

 

Trong khi đó, giá dầu thô Brent rớt xuống mức 60 USD/thùng, đứng ở giá 59,02 USD/thùng.

Các nhà phân tích nêu việc giá dầu rớt, cùng việc phương tây cấm vận Nga (với lý do Nga can thiệp vào Ukraine) đã làm đồng rúp mất giá, nhà đầu tư hoảng loạn và mất niềm tin vào đồng rúp. Ước tính trong năm nay đã có 130 tỷ USD được các nhà đầu tư rút ra khỏi Nga.

Cùng ngày 16.12, Nhà Trắng tăng sức ép kinh tế lên Nga, báo trước khả năng vài tuần nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký thông qua luật tăng cấm vận Nga và hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

CBR “mù” kiến thức tài chính, không có năng lực điều hành?

Nữ nghị sĩ Oksana Dmitriyeva thuộc tiểu ban ngân sách-thuế ở quốc hội Nga, nói rất thẳng thắn: “Việc CBR đang làm không chỉ là một sai lầm, một sự mù kiến thức tài chính, thậm chí không có chuyên môn nghiệp vụ. Các hành động gần với sự điên rồ, hoàn toàn không có năng lực điều hành”.

“Uy tín CBR bị giảm nghiêm trọng”, theo nhà phân tích thị trường đang nổi Timothy Ash của ngân hàng Standard Bank. Ông bảo CBR và nữ thống đốc CBR Elvira Nabiullina tính toán sai tình hình là thảm họa đồng rúp Nga rớt giá:

“Việc thiếu những hành động khiến sự ổn định của hệ thống tài chính này bất ổn. Tôi không dám chắc bà Nabiullina có vượt qua nổi hay không”.

Cựu Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin viết Twitter: “Quyết định tăng lãi suất của CBR là do tình hình hiện nay ép họ. Việc đồng rúp và thị trường chứng khoán rớt giá không chỉ là phản ứng của giá dầu thấp và lệnh cấm vận, mà còn vì sự thiếu tin tưởng vào chính sách kinh tế của chính phủ”.

Kudrin chỉ trích kịch liệt tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft, hồi tuần trước đã tung ra số lượng lớn cổ phiếu, một hành động mà nhiều người nói là đã góp phần làm giá đồng rúp giảm.

Người phát ngôn Mikhail Leontiev của Rosneft đáp lại: CBR phải chịu trách nhiệm “đã đẩy Nga rơi vào suy thoái”, và ông so sánh việc tăng lãi suất ngang với việc bắn chết một người đã phải chặt đứt một ngón tay để giảm cơn đau.

Theo báo Guardian, Igor Sechin là lãnh đạo Rosneft và thân cận ông Putin, bị xem là nhân vật hàng đầu trong nhóm “diều hâu” ở Điện Kremlin.

Ông nhấn mạnh tập đoàn ông không làm gì sai, và tố cáo Kudrin là “phần tử xấu” toan kích động bất ổn.

Phó thống đốc CBR Sergei Shvetsov nói: “Ngay cả trong những cơn ác mộng, chúng tôi cũng không thể tưởng tượng những gì đang xảy ra”. Ông nói việc nâng lãi suất là “một lựa chọn giữa thật sự tệ với thật sự, thật sự tệ”, mô tả tình hình kinh tế Nga “đang kịch tính”.
Phân tích này cũng được phản ánh ở Washington: Jason Furman, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của ông Obama, nói:

“Tôi rất quan ngại, nếu tôi là cố vấn kinh tế của ông Tổng thống Nga Vladimir Putin. Họ đang đứng ở một vị trí khó xử”.

Trong bài diễn văn liên bang Nga hồi đầu tháng 12, ông Putin nói người Nga nên tranh thủ việc bị cấm vận, cùng sự rớt giá của đồng rúp để phát triền công nghiệp nội địa.

Nhưng trong nhũng năm giá dầu giảm, sẽ không thể có chuyện lập nên những doanh nghiệp nhỏ. Nhiều nhà phân tích nói việc nâng lãi suất càng khiến doanh nghiệp nhỏ và các nhà sản xuất nội địa khó làm ăn, vì họ không dám vay tiền có lãi suất cao.

“Vũ khí ngăn chặn” cuối cùng: bán vàng trong kho dự trữ?

CBR hiện đã phải xuất 80 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng rúp, có thể sẽ phải can thiệp mạnh vào thị trường tài chính, theo các nhà phân tích của ngân hàng Sberbank (Nga).

Nga hiện còn 374 tỷ USD trong quỹ, giảm 21 % trong 12 tháng qua.

Dù đã có sự đồn đoán về sức ép chính trị mạnh đè lên CBR để bảo vệ đồng rúp mà không làm mất nhiều nguồn quỹ dự trữ này, Tổng thống Putin vẫn chưa bình luận về sự mất giá của đồng rúp.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của ông Putin: “Những xáo trộn của thị trường là do những cảm xúc và trò đầu cơ”.

Có thông tin chính phủ Nga đang xem xét khả năng buộc tội hình sự với kẻ đầu cơ tài chính.

Tính khẩn thiết của việc đồng rúp mất giá đã buộc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev triệu tập cuộc họp để bàn tình hình tài chính hôm 16.12. Thành phần dự họp là phó thủ tướng Igor Shuvalov, trợ lý kinh tế Điện Kremlin Andrei Belousov, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, Bộ trưởng phát triển kinh tế Alexei Ulyukayev và nữ thống đốc CBR Nabiullina.

Sau cuộc họp, ông Ulyukayev cho biết nhiều biện pháp bình ổn tình hình đã được bàn. Các nhà giao dịch nhận định việc CBR bất ngờ nâng lãi suất kỷ lục không chặn được sự mất giá, thì vũ khí ngăn chặn kinh tế suy thoái kế tiếp là CBR bán vàng dự trữ.

Nga đang trữ 1.168 tấn vàng, theo CBR hồi tháng 11, chiếm 10 % nguồn dự trữ ngoại tệ, theo Hội đồng vàng thế giới (ở Anh).

Nữ thống đốc CBR Nabiullina báo cáo quốc hội Nga: đã nhập thêm 150 tấn vàng vào kho vàng trong năm nay tính đến ngày 18.11.

Nguồn: The Wall Street, Bloomberg, Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề