Vấn đề an ninh – điểm nóng cuộc đua vào Nhà Trắng

Cựu thống đốc Utah Mike Leavitt nhận định kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định trong khi thế giới có nhiều bất ổn, nên an ninh sẽ trở thành điểm nóng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Trong tình hình đó, bà Hillary Clinton được đánh giá có nhiều lợi thế bởi bà từng giữ chức ngoại trưởng, có nhiều kinh nghiệm về an ninh quốc gia.

Ngược lại, các ứng cử viên Cộng hòa còn khá “tay mơ” nếu xét đến kinh nghiệm an ninh quốc gia và đối ngoại.

Bà Hillary cứu chiến lược “xoay trục châu Á”?

Trên tạp chí National Interest, hai nhà phân tích Natalie Sambhi và David Lang nhận định sau khi bà Clinton rời Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry chủ yếu tập trung vào các chính sách Trung Đông.

Và chiến lược “xoay trục” châu Á không còn là mối quan tâm hàng đầu do Washington phải xoay xở với khủng hoảng Ukraine, bất ổn Trung Đông, chương trình hạt nhân Iran, đại dịch Ebola…

“Nhiều người cho rằng Ngoại trưởng John Kerry quay đầu với châu Á, nhưng nếu bà Clinton thắng cử, bà sẽ trở lại với châu Á. Đó là sự tái định hướng cực kỳ quan trọng” – hai nhà phân tích Natalie Sambhi và David Lang viết.

Năm 2016 không còn xa, và quan hệ Mỹ – Trung Quốc vẫn sẽ là vấn đề mang tính chất định hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm tới.

Các chuyên gia nhận định nếu lên làm tổng thống Mỹ, chắc chắn bà Clinton sẽ đưa chính sách châu Á vào ưu tiên hàng đầu khi hàng loạt quốc gia khu vực và thế giới lên tiếng báo động việc Trung Quốc lấn biển xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

Khi còn là ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton kêu gọi các nước khu vực nỗ lực hợp tác để giải quyết tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình. Giới chuyên gia cho rằng nếu lên làm tổng thống, bà Clinton sẽ phải đảm bảo duy trì quan hệ Mỹ – Trung nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn cho các nước đồng minh và đối tác trong khu vực.

Giới chuyên môn đánh giá bà Clinton hoàn toàn có thể tập trung nỗ lực thúc đẩy ASEAN hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Mới đây bà Clinton cũng tuyên bố bà xem Úc là đối tác cốt lõi trong nỗ lực duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực. Chính bà từng cảnh báo Úc về nguy cơ quá phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

“Chiến lược xoay trục, một sáng kiến lớn của bà Clinton, sẽ quay lại với cấu trúc ban đầu khi bà Clinton trở thành tổng thống” – hai chuyên gia Natalie Sambhi và David Lang kết luận.

Trước đó, bà Clinton khẳng định châu Á – Thái Bình Dương “là động lực quan trọng thúc đẩy chính trị toàn cầu” và “cam kết của Mỹ đối với châu Á là rất vững vàng”. Bà Clinton cũng là người lên tiếng cảnh báo rất nhiều nước khu vực lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối đe dọa.

Đảng Cộng hòa thiếu “sức mạnh ngôi sao”

Theo giới quan sát Mỹ, đến nay bà Hillary Clinton là ứng cử viên tổng thống được hầu hết quan chức Đảng Dân chủ đồng lòng ủng hộ.

Các nhân vật nổi bật khác trong Đảng Dân chủ như Phó tổng thống Joe Biden hay thượng nghị sĩ Elizabeth đều không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn tranh cử.

Nói cách khác, bà Clinton hầu như đã nắm chắc chiếc vé đại diện Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ngược lại, về phía Đảng Cộng hòa đang có quá nhiều ứng cử viên. Đến nay, ba người đã tuyên bố tranh cử là thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz và Rand Paul.

Những nhân vật khác sẽ sớm chính thức gia nhập cuộc đua là cựu thống đốc Florida Jeb Bush, thống đốc Wisconsin Scott Walker, thống đốc New Jersey Chris Christie, cựu thống đốc Texas Rick Perry…

Khảo sát của Hãng Gallup cho biết các ứng cử viên Đảng Cộng hòa đều thiếu “sức mạnh ngôi sao” của bà Clinton. Một cái tên quen thuộc là Jeb Bush, em trai cựu tổng thống George W.Bush, dễ làm cử tri Mỹ nhớ lại thời kỳ đen tối mà ông Bush anh cầm quyền.

Tuổi trẻ

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề